Nông dân nhiều nơi, nhiều vụ sản xuất sản phẩm nông nghiệp để sống và phục vụ xã hội mà như đánh bạc, như chơi trò đỏ đen năm ăn năm thua. Thị trường mạnh, nhu cầu cao thì nhà nông đủ sống, ngược lại thì họ đành đổ sản phẩm cho bò, cho heo. Không chỉ riêng nông dân khốn khổ đói nghèo mà cả xã hội đang bị thiệt hại.
Người Sài Gòn tốt bụng, hào phóng tổ chức những nhóm tình nguyện mua cà chua từ Lâm Đồng về thành phố tiêu thụ. Bà con hay tin cũng đến mua người nhiều kẻ ít, với mong muốn được chia sẻ với nông dân được chút nào hay chút đó. Sự hưởng ứng của những người mua cà chua là một nghĩa cử đẹp của cộng đồng, làm ấm áp lòng người, rất đáng được khuyến khích.
Nhưng nghĩa cử dù có cao đẹp mấy cũng không phải là cách để cứu nông dân ra khỏi những khó khăn khi sản phẩm không tiêu thụ được. Với 4.000ha cà chua, sản lượng 160.000 tấn thì nông dân Lâm Đồng không thể cậy vào người có lòng tốt mua giúp. Số lượng cà chua tiêu thụ qua các nhóm tình nguyện quá nhỏ bé so với sản lượng hiện có. Và cho dù người mua giúp có tham gia đông đảo hơn, cũng không thể xem đó là “chiến lược” mà chỉ là giải pháp tình thế.
Chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản không phải từ cá nhân từng người nông dân hay hộ nông dân, mà thuộc về bàn tay thiết kế vĩ mô. Tính toán, hoạch định và hướng dẫn nông dân nuôi trồng các sản phẩm phù hợp với thị trường, hạn chế tối đa tình trạng đổ cho bò ăn là trách nhiệm của ngành nông nghiệp. Nông dân Việt Nam chưa có được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ trí tuệ của nhà quản lý, ở thời đại này mà làm ăn được chăng hay chớ, quá nguy hiểm. Tái cơ cấu nông nghiệp xem ra vẫn là khái niệm trên giấy, chưa đến được những cánh đồng.
Có một nguyên nhân dẫn đến sự ế ẩm của cà chua Lâm Đồng là cà chua Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam. Cà chua Trung Quốc giá rẻ nên tiêu thụ tốt. Cũng không thể trách được người tiêu dùng, bởi vì thật khó để phân biệt đâu là cà chua ta đâu là cà chua Trung Quốc. Dù ai đó có muốn ăn cà chua Việt Nam cho chắc cái bụng thì cũng khó để lựa chọn.
Những người có trách nhiệm của ngành nông nghiệp, công thương đang đứng ngoài cuộc để nhìn cà chua đổ ra đường không biết có chua xót trong lòng và nhìn ngắm trách nhiệm của mình, hay là cho rằng đó là quy luật của thị trường.
Đúng là thị trường có quy luật của nó, cho nên mới cần các ngành nông nghiệp, công thương tìm ra quy luật, dự báo quy luật để giúp nông dân nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm. Còn nếu không thì các bộ, ngành đó hoạt động để làm gì?