“Cái khó bó cái khôn” Được mệnh danh là “siêu bão”, bão số 10 đổ bộ vào đất liền nước ta đêm 15, rạng sáng 16-9 với mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4, chỉ thua mức 5 là mức thảm họa. Mặc dù bão mạnh, vùng ảnh hưởng lớn, nhưng do chủ động phòng, tránh, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người. Tuy nhiên, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp lại vô cùng lớn. Hơn 13 nghìn ha cây trồng lâu năm, 5.812 ha cây trồng hằng năm, cây ăn quả bị gãy đổ, giảm năng suất. Trong số đó, thiệt hại chủ yếu là diện tích cây cao-su ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Những ngày này, đi dọc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, vẫn thấy rõ thiệt hại do bão số 10 để lại đối với sản xuất nông nghiệp. Nhìn những vườn cao-su bị bão quật đổ ngả nghiêng, có vườn mất đến 75% diện tích mà thấy xót xa cho công sức của người nông dân. Chia sẻ với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh cho biết, sau mùa mưa, bão năm 2013, diện tích cây trồng bị thiệt hại nặng nề, nhất là cây cao-su. Thời điểm đó chính quyền địa phương và người dân tái khẳng định cây cao-su vẫn là cây chủ lực trên địa bàn cho nên tiếp tục tái canh trồng mới. Khi diện tích cao-su trồng mới đến thời kỳ khai thác lấy mủ thì lại gặp cơn bão số 10 vừa qua. Đã có hơn 6.600 ha cao-su bị gãy đổ. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Ngọc Tuấn, cây cao-su phát triển rất nhanh ở địa phương, mặc dù huyện đã không khuyến khích trồng thêm. Đợt bão số 10 vừa qua, trên địa bàn có 2.500 ha bị gãy đổ trên tổng số gần 10 nghìn ha cao-su của huyện. Mặc dù bị thiệt hại như vậy, nhưng người dân vẫn chọn trồng lại cây cao-su, bởi chưa thấy cây nào dễ trồng mà mang lại hiệu quả kinh tế cao như vậy. Giám đốc Công ty cổ phần Việt Trung (huyện Bố Trạch) Phan Văn Thành cho biết, thời điểm cao nhất, công ty có 9.000 ha cao-su, nhưng đến nay chỉ còn 1.550 ha. Bão số 10 vừa qua, công ty bị thiệt hại hơn 500 ha, tương đương 30 tỷ đồng. Hướng đi của công ty là tập trung khắc phục toàn bộ diện tích cao-su kinh doanh; rà soát xem diện tích nào hiệu quả thì trồng lại, diện tích chưa trồng được cao-su ngay thì nghiên cứu trồng các loại cây ngắn ngày để giải quyết thu nhập cho người lao động, sau khi Công ty phục hồi sẽ trồng lại cây cao-su. Tuy nhiên sẽ rất khó khăn trong thời điểm này, bởi công ty mới hoàn thành cổ phần hóa, cần ổn định đời sống và thu nhập cho gần 800 cán bộ, công nhân. Tại tỉnh Quảng Trị, hơn 4.300 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại do bão số 10, chủ yếu là diện tích cây cao-su, hồ tiêu, cà-phê. Trong đó, cây cao-su là nhiều nhất và tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh với diện tích gần 3.000 ha. Đứng nhìn vườn cao-su xơ xác sau hai trận bão số 4 và số 10 năm 2017, bác Nguyễn Thành Việt, ở thôn Thái Mỹ, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cho chúng tôi biết, gia đình trồng 1,2 ha cao-su từ năm 2008 và cạo mủ từ năm 2015. Tuy nhiên, đợt bão số 4, số 10 vừa qua đã làm hỏng 80% diện tích. Mặc dù địa phương đã có phương án chuyển đổi những vườn cao-su ngã đổ sang trồng tiêu, song theo bác Việt, rất khó chuyển được hết diện tích cây cao-su ngã đổ sang trồng tiêu. Bài toán chuyển đổi cây trồng Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, từ năm 2013 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, giải quyết được nhiều hạn chế trong sản xuất, xóa dần sản xuất nhỏ lẻ, chuyển dần sang cánh đồng mẫu lớn, nhất là chuyển biến trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Theo kế hoạch, tỉnh định hướng ổn định cây cao-su ở mức 21 nghìn ha vào năm 2019. Tuy nhiên, bão số 4 và số 10 vừa qua đã làm gần 3.000 ha cao-su bị ngã đổ. Đây đang là thách thức lớn trong việc chuyển đổi nhanh, thay thế cây trồng ở những vùng đã trồng cao-su. Ngoài cao-su, tỉnh còn có thế mạnh về cây hồ tiêu. Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu cũng chỉ giữ ổn định ở mức 2.500 ha, nếu chuyển diện tích cao-su bị ngã đổ do bão sang trồng hồ tiêu thì sẽ gặp khó trong vấn đề đầu ra của sản phẩm. Làm một bài toán kinh tế để chứng minh chuyển đổi từ cây cao-su sang trồng hồ tiêu không hề đơn giản, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) Nguyễn Thuận Hiếu cho biết, đầu tư trồng tiêu rất tốn kém với mức 300 nghìn đồng/cây, 500 triệu đồng/ha, sau hai năm mới có thể thu hoạch với mức mỗi cây bói được 1 kg, bán được 80 nghìn đồng/kg, hiệu quả không cao. Trong khi đó, trồng cao-su dễ hơn; có thể trồng xen dưới gốc. Chính vì thế, phần lớn người trồng vẫn muốn quay lại với cây cao-su. Ngoài công tác định hướng, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng thuận cao trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng diễn biến của mưa, bão, lũ lụt thì sự hỗ trợ người dân cũng đang là bài toán khó. Bởi các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai thường là tỉnh nghèo, ngân sách eo hẹp dẫn đến nhiều chính sách phù hợp được đưa ra nhưng khó thực hiện. Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ, từ năm 2013 đến nay, huyện đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng bị thiệt hại sau bão sang các cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng không có kinh phí nên chưa thể thực hiện. Cũng giống như vậy, sau bão số 10, UBND tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo kiến nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành T.Ư trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 20 tấn giống ngô, tám tấn giống hạt rau các loại phục vụ sản xuất vụ thu đông và 1.000 tấn giống lúa, 60 tấn giống ngô phục vụ sản xuất vụ đông xuân. Là một địa phương cũng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, tuy nhiên, Hà Tĩnh lại làm khá bài bản và có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Đức Nhân cho biết, Hà Tĩnh đã điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch chi tiết các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp định hướng tái cơ cấu nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với nhu cầu thị trường. Để cụ thể hóa, tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã phê duyệt đưa vào thực hiện 28 quy hoạch, 16 đề án phục vụ tái cơ cấu. Đến nay, tỉnh đã triển khai thành công nhiều mô hình có ý nghĩa thiết thực giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sử dụng các bộ giống năng suất chất lượng cao, né tránh thiên tai, áp dụng tốt vào thực tiễn sản xuất. Có thể khẳng định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tránh rủi ro do thiên tai là một hướng đi đúng, tất yếu, mặc dù trong triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng người dân không thật sự mặn mà với các đề án, do tính khả thi chưa được kiểm chứng cũng như khó thay đổi được phong tục, tập quán canh tác của người dân, các cấp chính quyền từ T.Ư đến địa phương cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa, nhất là huy động được mọi nguồn lực của xã hội, giúp người dân những vùng luôn bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai có được nền sản xuất ổn định, xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
|
TRUNG NGỌC HÙNG/ BÁO NHÂN DÂN |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã