Bước đầu, loại “rau vua” này giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất.
Măng tây xanh thu hoạch xong được cắt tỉa gọn gàng trước khi giao cho khách hàng |
Bình Thạnh là xã cù lao của huyện Châu Thành. Với đặc thù đất phù sa màu mỡ, nơi đây từ lâu đã trở thành vùng chuyên canh rau màu của tỉnh. Theo chiến lược chuyển dịch cơ cấu cây trồng của huyện, xã Bình Thạnh có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển rau an toàn.
Trong thời gian qua ngành nông nghiệp An Giang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông dân địa phương đã đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp mới, mang lại hiệu quả cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn trồng rau trong nhà lưới kết hợp hệ thống phun tưới tự động.
Lợi thế là vậy nhưng xã Bình Thạnh lại chưa có được loại cây trồng chủ lực làm nên thương hiệu cồn Bà Hòa. Từ đầu năm 2017, kỹ sư Phạm Thị Như, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài thử nghiệm mô hình trồng măng tây xanh tại vùng chuyên canh màu xã Bình Thạnh năm 2017. Mong muốn của kỹ sư trẻ này là đánh giá được tính thích nghi và hiệu quả kinh tế của cây măng tây xanh. Từ đó, giới thiệu và nhân rộng mô hình, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm.
Đặc trưng của xứ cồn Bình Thạnh là bình quân diện tích đất của mỗi hộ dân ít, nhưng bù lại chất lượng đất phù sa, màu mỡ nên thuận lợi để thâm canh các loại rau màu.
Cũng như bao nông dân ở đây, từ trước đến nay chị Trần Thị A Lích ở ấp Thạnh Nhơn chỉ chuyên trồng hành, khổ qua, bắp cải, bắp, các loại cải… Gần đây, chị A Lích đã mạnh dạn bắt tay chuyển đổi diện tích 1.000m2 đất rau màu sang trồng gần 2.000 cây măng tây xanh. Dù đã biết loại cây này từ lâu, nhưng không nghĩ là có thể trồng ở đất nhà mình. Giờ mình coi như trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì sẽ giúp bà con ở địa phương tìm được một giống cây trồng mới tốt hơn.
Dùng tay và nghiêng góc 30 độ khi thu hoạch măng tây xanh |
Thông thường, ở những nơi khác, sau khoảng 5 - 6 tháng trồng, cây măng tây xanh mới cho thu hoạch. Tuy nhiên, khi được trồng ở đất cồn, màu mỡ nên chỉ sau khoảng 4 tháng, măng tây xanh của chị A Lích đã cho thu hoạch những lứa đầu tiên.
Chị A Lích cho biết: Đây là tín hiệu đáng mừng vì cây măng tây xanh đã thích nghi và phát triển tốt. Theo đó, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây xanh sẽ cho thu hoạch kéo dài đến 5 năm. Măng tây xanh cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng rồi nghỉ một tháng để dưỡng cây. Nếu chăm sóc tốt, mỗi ngày người trồng có thể thu hoạch từ 8 - 10kg/công. Tùy thuộc vào chất lượng, chủng loại, măng tây xanh thương phẩm có giá dao động từ 45.000 - 65.000 đồng/kg.
Hiện trên thị trường có 3 loại măng tây xanh, trắng, tím. Măng tây xanh sử dụng được tất cả các thành phần, chồi non dùng làm thực phẩm; thân, lá dùng cắm hoa trang trí, dược liệu, mỹ phẩm, tận dụng phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc…
Để cây măng tây xanh sinh trưởng tốt và cho chồi đẹp, người trồng phải bỏ công dọn cỏ, tỉa cành thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch để tưới, không sử dụng thuốc BVTV… Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, đây được coi là loại rau sạch tự nhiên, rất có lợi cho sức khỏe.
Măng tây được mệnh danh là loại “rau vua” |
Đất tốt, kèm thuận lợi từ nguồn nước mưa nên mỗi bụi chị A Lích có thể thu từ 3 - 4 mục măng. Chị Lích cho biết, trồng măng tây xanh không khó, cực nhất là công cắt tỉa lá già để cây mọc tốt, khỏe, tránh mầm bệnh phát triển. Tuy vốn đầu tư ban đầu hơi cao nhưng thời gian thu hoạch kéo dài gần 5 năm. Nếu đầu ra ổn định thì chị sẽ không ngần ngại tăng diện tích trong thời gian tới. Dù đã cho thấy được sự thích nghi tốt nhưng măng tây xanh vẫn là một loại cây trồng mới, rất cần thời gian tiếp cận thị trường, quảng bá với người tiêu dùng... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã