Tỉnh Kiên Giang xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với liên kết chuỗi sản phẩm, ứng dụng đồng bộ các quy trình sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế tập thể, xây dựng nông thôn mới.
Hợp tác xã Tân Lợi, thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp vừa thu hoạch dứt điểm vụ hè thu, năng suất đạt gần 7 tấn/ha, cao hơn so với các vụ trước từ 300 đến 600 kg/ha.
Theo bà con nông dân, có được kết quả này là nhờ hợp tác xã đã gieo sạ giống lúa nguyên chủng chất lượng cao OM 5451 theo chương trình hỗ trợ từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do huyện đề ra, lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc nhất. Tới đây, hợp tác xã Tân Lợi sẽ chuyển toàn bộ 110 ha đất của HTX sang trồng lúa giống cung ứng cho thị trường.
Tuy mới triển khai thực hiện tái cơ cấu từ đầu năm cho đến nay, sản xuất lúa của huyện Tân Hiệp đã có những chuyển biến tích cực. Diện tích ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp tăng lên hơn 4.000 ha; có 6 hợp tác xã chuyển sang trồng cung ứng lúa giống và 1 hợp tác xã đã sản xuất được lúa cấp xác nhận. Chi phí sản xuất trên cùng 1 diện tích đất giảm nhờ bơm tát tập thể bằng điện. Diện tích lúa vụ 3 có chiều hướng giảm, tỉ lệ gieo sạ giống chất lượng thấp giảm.
Ông Nguyễn Văn Nhỏ, một xã viên cho biết, theo truyền thống ngày xưa làm thì năng suất không cao. Còn hiện nay làm có kỹ thuật, khoa học mới thành thử ra so sánh 2 cái trước và sau thì rõ ràng có khoa học kĩ thuật thì năng suất lúa đạt cao hơn, có hiệu quả hơn.
Tân Hiệp cũng là địa phương dẫn đầu cả tỉnh về trình độ thâm canh cây lúa. Huyện đã có hệ thống đê bao, thủy lợi nội đồng khép kín, 100% diện tích thu hoạch bằng máy, các tiến bộ khoa học kĩ thuật hiện đại như: quy trình 1 phải 6 giảm, 4 đúng, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, sử dụng máy cấy… đã được bà con nông dân chủ động áp dụng.
Xác định cây lúa vẫn là cây chủ lực của địa phương, khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tân Hiệp chỉ chủ trương chuyển đổi chưa tới 300 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và trồng màu còn lại vẫn giữ nguyên diện tích.
Để đạt mục tiêu tăng giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp từ 90 triệu đồng/ năm lên khoảng 130 triệu đồng/ năm, người nông dân phải có lãi từ 45% trở lên, huyện Tân Hiệp ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng giống đến tiêu thụ sản phẩm.
Với lợi thế có đến 67 hợp tác xã nông nghiệp chuyên trồng lúa, chiếm gần 70% tổng diện tích đất nông nghiệp, các hợp tác xã sẽ là đối tượng chủ yếu được quan tâm hỗ trợ vốn thực hiện đề án này.
Bà Phan Kim Loan, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết thêm, phòng nông nghiệp sẽ củng cố tiến tới đưa các hợp tác xã này vào chuỗi theo luật và làm các dịch vụ. Ví dụ như làm dịch vụ giống, hỗ trợ dịch vụ phân bón và bao tiêu sản phẩm và kí kết với các công ty để cho các htx này năng động lên để cho các xã viên được giảm chi phí và hợp tác xã được lợi nhuận như chỉ đạo.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang triển khai đã đạt được những kết quả ban đầu rất tích cực; góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân theo hướng từ sản xuất nhỏ lẻ, sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có thương hiệu và theo định hướng thị trường. Đây là tín hiệu vui, có ý nghĩa rất lớn để Kiên Giang thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững./.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã