Và với chủ đề “Âm vang miền quan họ - 2017”, chương trình kỷ niệm 185 thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, sẽ diễn ra vào đúng ngày Rằm tháng giêng năm Đinh Dậu.
Có những thủ tục hành chính, buộc người làm báo phải theo, nên tôi còn đang khá mất thì giờ để hỏi đường. Khổ nỗi cơ quan Tỉnh Đoàn rất ít người biết, ngay cả cánh “xe ôm”. Bởi vậy, đi lòng vòng và… đi lạc. Tôi giật mình sửng sốt khi nhận ra một địa chỉ quen quen: Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh.
Ô hay! Lần trước đi nhầm đi lạc, đã đành. Lần này lại lạc đúng vào nơi… đi lạc cũ. Hay là cái “duyên giời” xui khiến những khách lạ phương xa, rằng đã đến Bắc Ninh, đã đi vào vùng đất Kinh Bắc, thì chớ có bỏ qua địa chỉ, hay nói đúng hơn, là cái nôi của dân ca quan họ Bắc Ninh. Thì chính nhà hát, là “cái nôi” đây rồi.
Lần này, tôi không vào trong nhà hát, mà tiếp tục hỏi thăm…
Có một điều rất lạ (hay rất quen?) là đi qua chỗ nào ở thành phố Bắc Ninh, cũng nghe văng vẳng một làn điệu dân ca quan họ. Tôi chợt sững người khi thấy dãy giàn giáo mọc lên tua tủa. Hỏi ra mới biết, đang chuẩn bị để tổ chức cuộc thi Người đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc sắp diễn ra nơi đây. Một “sân khấu ngoài trời” thoáng đãng, hoành tráng. Hẳn là sẽ có hàng nghìn hàng vạn người tham dự trong đêm chung kết hết sức ấn tượng này.
Tôi cứ đi, không theo một chỉ dẫn nào, hay đúng hơn là sự “chỉ dẫn tâm linh” để rồi dừng bước dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ. Bức tượng sừng sững, giản dị mà uy nghiêm. Bỗng nghe văng vẳng tiếng đàn, tiếng hát véo von. Lại một làn điệu dân ca quan họ đâu đó. Tôi chợt nhận ra một cái sân khấu nhỏ, sân khấu ngoài trời, ở phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ. Thì ra một đoàn rối nước mi-ni đang có những tiết mục sôi nổi, khiến cho bọn trẻ con đổ xô đến. Mà không chỉ trẻ con, rất nhiều người lớn cũng xúm đông xúm đỏ, chen chúc vào xem những tiết mục rất chi là… trẻ con: Múa rối nước.
Tượng vua Lý Thái Tổ |
Thì ra không chỉ làm trẻ con say mê, cả người lớn cũng ngẩn ngơ với những chú rối hồn nhiên, lạ mắt. Những con cá bơi lội tung tăng. Con rồng phun ra những quầng lửa sáng rực. Hết phun lửa, rồng lại phun nước, phun cả vào bọn trẻ con, khiến chúng ồ lên không phải sợ hãi mà sung sướng. Rồi bỗng trẻ con tranh nhau đứng gần để được rồng phun nước vào người. Ấy chính là điều may mắn, có lộc trong năm.
Tôi để ý thấy một ông bế đứa bé đang chen lấn, cố vào phía trong. Rồi tình cờ tôi được biết, đấy chính là đứa cháu đích tôn. Nhưng điều ngạc nhiên hơn, là hai ông cháu đi xe máy từ Quảng Ninh sang. Ái chà! Đèo một đứa trẻ con đi quãng đường “khủng” thế, nó ngủ gật thì sao? Ông cười rất sảng khoái, nhe hàm răng đen kịt, mà rằng: “Ấy! Có địu chứ! Địu hiện đại là đằng khác”. Thì ra cái ông gọi là “địu hiện đại” chỉ là phía trên chắn được cả đầu đứa trẻ, để nếu đi dọc đường nó có ngủ, thì cái địu vẫn đỡ được, để cái đầu thằng bé không bị nghẹo ra.
Chà! Sao cầu kỳ, ham hố đến thế? Ông bảo: “Hội vui thế này, lại là hội của quê, không về dự sao được? Vừa dự hội, vừa thăm họ hàng. Nhất cử lưỡng tiện thế, còn gì bằng”. Tôi thấu hiểu mục đích của ông. Nhưng điều tôi còn ngạc nhiên hơn, là ở chỗ còn có cả những ông những bà (mà cũng đưa con, cháu đi) từ các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, thậm chí Cao Bằng về dự.
Họ đều là những người xa quê, hoặc đang đi làm ăn xa. Về dự hội, cũng giống như người con “xa xứ” về với quê cha đất tổ. Ý nghĩa lắm! Thiêng liêng lắm! Cảm ơn Bắc Ninh đã tổ chức ra một lễ hội, không chỉ mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, mà còn mang ý nghĩa tâm linh, để những người con của đất Kinh Bắc trong mọi miền Tổ quốc, thậm chí cả ở nước ngoài, trở về đoàn tụ.
Múa rối nước |
Trở lại với chủ đề “Âm vang miền quan họ”, chúng tôi thấy một chương trình khá chi tiết, bài bản, công phu và phải nói là rất hoành tráng, xứng tầm với một sự kiện lớn, không chỉ trong tỉnh mà còn cả nước. Chương trình diễn ra từ ngày 6 đến hết ngày 14/2/2017 với những sự kiện nổi bật: Dâng hương đền Đô. Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Hát thi dân ca quan họ. Hội báo xuân. Triển lãm sinh vật cảnh. Triển lãm thành tựu phát triển Kinh tế -Văn hóa của tỉnh sau 20 năm tái lập tỉnh. Chung kết người đẹp Bắc Ninh - Kinh Bắc-2017. Vinh danh các nghệ nhân, nghệ sĩ, v.v…
Chương trình còn tái hiện những sự kiện tiêu biểu: Vua Lý Thái Tổ dời đô. Lý Thường Kiệt đọc Tuyên ngôn độc lập “Nam quốc sơn hà nam đế cư…”. Hội nghị Bình Than của vua tôi nhà Trần, bàn kế sách chống quân Nguyên Mông. Sự kiện thành lập tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử. Những lần Bác Hồ về thăm Bắc Ninh. Đặc biệt làm nổi bật sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh trong thời gian qua. Chương trình cũng tôn vinh nền văn hóa tâm linh, lịch sử văn hiến, khoa bảng, lễ hội, làng nghề truyền thống.
Nhưng cái đặc biệt nhất trong những sự kiện đặc biệt, vẫn là “Cái nôi của quê hương quan họ”. Xuyên suốt chương trình, là tiết mục dân ca quan họ Bắc Ninh. Chương trình còn hội tụ những gương mặt anh tài của cả nước, như Đờn ca tài tử Nam bộ, như dân ca Ví giặm xứ Nghệ, như hát xoan Phú Thọ… Đây chính là tinh hoa của các địa phương, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bắc Ninh được coi là vùng đất trung tâm của châu thổ sông Hồng, là “cái nôi văn minh” của người Việt. Bắc Ninh còn được coi là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống văn hóa dân tộc. Với chủ đề “Âm vang miền quan họ”, chương trình kỷ niệm 185 thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh xứng đáng là một điểm sáng về văn hóa, xứng đáng là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” mà rất nhiều công trình văn hóa có tầm quốc gia và quốc tế, đang hiện diện trên đất Bắc Ninh - Kinh Bắc - Mảnh đất là niềm tự hào của cả nước.