Vừa nuôi tôm, vừa… có cổ phần
Sau nhiều năm ấp ủ dự án, cuối tháng Hai vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ở Cà Mau đã ra mắt mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH), liên kết sản xuất với các hộ nuôi tôm rừng trong khu vực. Ban đầu, Minh Phú ký hợp đồng với gần 100 hộ nuôi tôm dưới tán rừng đước ở Ban quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên (xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Ảnh: T.H
Trong chuyến công tác tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị về phát triển ngành tôm Việt Nam. Về mô hình nuôi tôm trong rừng đước, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn nghiên cứu để vừa phát triển nuôi tôm, vừa bảo vệ rừng và môi trường.
|
Ông Nguyễn Văn Phong – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú (ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) cho biết: Chỉ sau một thời gian ngắn hình thành, mô hình DNXH đã thu hút được hơn 900 hộ dân nuôi tôm rừng ở Cà Mau tham gia, với diện tích hơn 5.000ha. Theo ông Phong, nuôi tôm rừng là mô hình sản xuất nông nghiệp từ lâu ở các vùng ven biển Cà Mau. Tuy nhiên, do hình thức quảng canh chưa hiệu quả, lại không được chăm sóc, đầu tư chưa đúng mức nên hiện nay, năng suất của mô hình này chỉ đạt 700 kg/ha. Trong khi đó, mô hình liên kết theo kiểu DNXH cũng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, tuy nhiên, chưa nơi nào đưa mô hình này vào sản xuất tôm sú, cả ở thế giới cũng như Việt Nam. Tham gia vào mô hình DNXH, người nuôi tôm sẽ được DN đầu tư con giống, hướng dẫn quy trình nuôi tôm đạt chuẩn xuất khẩu, được bao tiêu đầu ra. Đặc biệt, ông Phong thông tin: Đã có 100 nông dân được đóng góp ao nuôi làm cổ phần với DN, cùng chia sẻ lợi nhuận của suốt chuỗi giá trị tôm.
Còn theo ông Lê Văn Quang – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, DNXH là cách liên kết nông hộ nhỏ lẻ thành một tập thể, sản xuất hàng hóa lớn. Theo đó, thay vì để người nuôi tôm tự phát triển nhỏ lẻ, khi thành lập DNXH, sẽ tập hợp người dân lại, diện tích nuôi của mỗi hộ dân sẽ trở thành một ao nuôi tôm của DN. “Điểm mạnh của mô hình DNXH là giúp giải quyết các vấn đề xã hội đang đặt ra như bảo vệ môi trường... Khi DN đồng hành cùng nông dân nuôi tôm rừng đước qua mô hình DNXH, DN sẽ chỉ giữ lại 49% lợi nhuận, 51% còn lại được dùng để tái đầu tư cho môi trường” - ông Quang chia sẻ.
Theo ông Lâm Thái Xuyên – Giám đốc Công ty cổ phần Xã hội Chuỗi tôm rừng Minh Phú, mô hình tôm rừng hay còn gọi là tôm sinh thái, được xem là mô hình nuôi tôm sạch, đang được người tiêu dùng trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, thời gian qua, hiệu quả kinh tế của mô hình này còn thấp do chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, sản xuất nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết, không truy xuất được nguồn gốc nên không đăng ký được giấy chứng nhận quốc tế như ASC, BAP, GlobalGAP… Trong khi đó, để hàng vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản… tôm sinh thái Cà Mau phải có được các chứng nhận này mới bán được giá cao hơn so với tôm nuôi thông thường. “Khi liên kết sản xuất, nông dân sẽ thuận tiện hơn trong việc đạt các chứng nhận chất lượng, chi phí cũng giảm hơn nhiều do có sự hỗ trợ của DN cũng như sự góp sức của nhiều hộ nuôi” - ông Xuyên nói.
Một giải pháp gỡ nhiều “nút thắt”
Mô hình rừng - tôm phát triển bền vững ở vùng ven biển Bạc Liêu. Ảnh: TL
Theo ngành nông nghiệp Cà Mau, mô hình DNXH là hướng đi mới, có thể giúp giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương, tận dụng lợi thế Cà Mau có tới 100.000ha rừng. Nếu phát triển tốt, Cà Mau có thể khuyến khích nông dân trồng rừng và nâng diện tích nuôi tôm trong rừng đước lên tới 200.000ha.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau, đến năm 2020 tỉnh phát triển mở rộng diện tích nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đạt 27.800ha và trên 10.000ha nuôi tôm sinh thái được chứng nhận. Cà Mau cũng phấn đấu có từ 4.000 - 5.000ha diện tích nuôi tôm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, Cà Mau chú trọng nhân rộng nuôi tôm quảng canh kết hợp đa đối tượng nuôi trên diện tích 100.000ha, nuôi tôm sinh thái theo mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm trên diện tích 53.000ha.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, địa phương đã triển khai các giải pháp để phát triển ngành hàng tôm sinh thái. Theo đó, Cà Mau tiếp tục xây dựng hoàn thiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 để sớm triển khai thực hiện. Đặc biệt, tỉnh sẽ tăng cường kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết phát triển nuôi tôm bền vững với nông dân.
Trong khi đó, theo kỳ vọng của DN, mô hình DNXH sẽ giúp giải quyết được nhiều “nút thắt” của ngành tôm hiện nay, từ việc duy trì môi trường nuôi tôm bền vững, tăng năng suất cho tôm quảng canh, đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như các vấn đề vốn vay, bảo hiểm cho tôm nuôi…
Ông Lê Văn Quang cho rằng, Minh Phú thành lập mô hình DNXH cho chuỗi tôm rừng với mục tiêu liên kết các hộ nuôi tôm lại với nhau, cùng nuôi theo quy chuẩn kỹ thuật công ty đưa ra, tạo ra sản phẩm tôm sinh thái đa chứng nhận bán với giá cao hơn từ 20–30% so với tôm không được cấp giấy chứng nhận. Đồng thời quy trình nuôi này cũng giúp tăng năng suất từ 150 - 200/kg/ha/năm lên 1,5 - 2 tấn/ha/năm.
Theo Thuận Hải/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã