Trong lần lên Đà Lạt, ông Lê Văn Út, ngụ tại TP Hồ Chí Minh được người quen đưa vào vườn rau ứng dụng công nghệ cao của một gia đình phường 8, TP Đà Lạt tham quan.
Ngay lần đầu tiên này, ông Út đã bị mê hoặc bởi phương thức sản xuất nông nghiệp để cho ra sản phẩm sạch xuất khẩu. Quy trình sản xuất rau tự động, an toàn và khép kín từ khâu ươm giống tới bảo quản sau thu hoạch, vận chuyển đi tiêu của nông dân Đà Lạt khiến ông Út thán phục, thích thú. Ông Út lại được chủ vườn nhiệt tình tư vấn, tiết lộ lợi nhuận “khủng” từ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Vậy là khi trở về nhà, ông Lê Văn Út bàn bạc với vợ con lên Lâm Đồng mua đất đầu tư làm nông. Tháng 2-2016, ông Út tìm mua được 3ha đất tại thôn Đạ Đum 2, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, cách Đà Lạt khoảng 20km. Bao quanh khu đất là rừng thông, nguồn nước suối từ rừng chảy ra rất thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Được sự tư vấn của những người thân quen, có nhiều năm kinh nghiệm sản xuất rau công nghệ cao ở Đà Lạt, ông Lê Văn Út lập trang trại rau sạch và liên tục mở rộng diện tích. Đến nay, trang trại này đã có diện tích lên tới trên 12ha.
Để xác định loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, ông Lê Văn Út đã thuê một cơ quan chức năng độc lập tới lấy nhiều mẫu đất, nguồn nước suối trong vùng và nước ngầm từ giếng khoan để phân tích. Dựa trên kết quả này, trang trại đã lựa chọn những cây trồng phù hợp nhất nhằm sản xuất ra những nông sản có chất lượng cao và an toàn cho người tiêu dùng.
Mục tiêu mà trang trại của ông Lê Văn Út hướng tới là sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước mà còn phải hướng ra xuất khẩu bằng những hợp đồng với đối tác ổn định, lâu dài. Do đó, nhiệm vụ hàng đầu là trang trại này đặt ra là xây dựng thương hiệu dựa trên cơ sở sản xuất rau sạch, an toàn vì sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Phượng, quản lý trang trại và chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật cho biết, trang trại của ông Út trồng rau, trái Đà Lạt theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm sạch, an toàn là mục tiêu hàng đầu của trang trại này. Để có được những sản phẩm như ý muốn, ngoài việc đầu tư, trang bị nông trại theo công nghệ sản xuất của Israel tiêu tốn khoảng 220 triệu đồng/1.000m², còn đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất.
Đến nay, trang trại đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng và đã cung cấp nông sản ra thị trường từ giữa năm 2016. Anh Nguyễn Phượng cho biết, hiện trang trại đang đàm phán với đối tác Hàn Quốc để đưa sản phẩm ra một số nước trong khu vực tiêu thụ như Maylaysia, Đài Loan, Hàn Quốc…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã