Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh Quảng Ninh, các ngân hàng thương mại nhà nước và thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, chiếm tỷ trọng dư nợ cho vay tam nông 99,5%. Còn lại 0,46% là dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại cổ phần. Nguồn vốn dùng để cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động ở ngoài tỉnh và sự hỗ trợ của ngân hàng, tổ chức tín dụng cấp trên.
Tính đến ngày 31-7, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các hộ nông dân là 4.853 tỷ đồng, chiếm 56,3% tổng dư nợ, trên 27.000 khách hàng còn dư nợ. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều hộ nông dân chưa tiếp cận được vốn vay. Theo Nghị định 55, những cá nhân, tổ chức được vay vốn ngân hàng từ 50 triệu đến 3 tỷ đồng mà không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đối tượng này phải nộp cho các ngân hàng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Điều này làm hạn chế việc cho vay tín chấp. Trong đó, vướng mắc chính của hầu hết các hộ nông dân hiện nay là thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Hiện chưa có các tiêu chí để làm căn cứ chung đánh giá một cách khách quan tài sản trên đất. Do trình độ còn hạn chế nên phần lớn các hộ nông dân chưa xây dựng được các phương án kinh doanh khả thi. Các ngân hàng thẩm định kỹ về nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn, khả năng trả nợ, từ đó quyết định mức cho vay phù hợp để tránh việc một người vay ở nhiều ngân hàng khác nhau. Vì vậy, các hộ nông dân gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay hoặc nếu tiếp cận được cũng chỉ ở hạn mức cho vay ở mức tương đối thấp để bảo toàn nguồn vốn. Điều này cũng khiến cho nhiều hộ sản xuất trang trại mặc dù có giá trị lớn, nhu cầu vốn nhiều, phương án khả thi, nhưng không được coi là tài sản đảm bảo nếu chưa có sổ đỏ, nên mức cho vay vẫn chỉ tối đa 100 triệu đồng (vay hộ gia đình), trong khi quy định của Nghị định 55 hộ sản xuất trang trại được vay tối đa từ 1-2 tỷ đồng.
Thực tế, nhiều ngân hàng vẫn chưa quan tâm tạo điều kiện cho hộ nông dân tiếp cận vốn. Điển hình là Agribank Hải Hà, theo số liệu thống kê của Hội Nông dân tỉnh, dư nợ cho vay các hộ nông dân qua 5 tổ vay vốn của Hội chỉ đạt trên 1 tỷ đồng. Con số này còn quá khiêm tốn so với tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn qua Hội hiện nay là 317,2 tỷ đồng. Đáng lưu ý, mặc dù Nghị định 55 đã triển khai được 2 năm, song số dư nợ trên mới chỉ phát sinh tại Agribank Hải Hà trong 3 tháng nay. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất trên địa bàn huyện Hải Hà là rất lớn. Vốn cho nông nghiệp bị mắc kẹt ở đây bởi lý do chính là thị trường nông nghiệp không ổn định. Bởi phần lớn nông dân sản xuất kiểu đại trà, nhỏ lẻ, manh mún. Mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân) còn lỏng lẻo. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, đầu ra không ổn định, thường xuyên thiên tai, dịch bệnh... Điều này dẫn đến dễ phát sinh nợ xấu, nên nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại.
Để khơi thông dòng vốn tín dụng cho các hộ nông dân, thiết nghĩ các cấp, ngành cần thực hiện các giải pháp huy động sự tham gia tích cực của các đơn vị trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận vốn, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất, tăng cường mối liên kết để hình thành các chuỗi sản xuất.
Tác giả bài viết: Cao Quỳnh
Nguồn tin: baoquangninh.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã