Tay ngang lập nghiệp Ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Hoàng nằm chênh vênh giữa đỉnh đồi thôn Minh Sơn, xã Ngọc Mỹ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc chung quanh là bạt ngàn thanh long. Anh Hoàng có nước da đen cháy vì nắng gió, và có tay cắt tỉa cành, tay kéo dây tưới nước thuần thục như bất cứ người nông dân nào. Nhìn anh thao tác chăm sóc vườn thanh long khó có ai biết được anh từng là dân xây dựng. Anh Hoàng chia sẻ: Tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp Xây dựng số 4, ra trường công tác tại Sở Xây dựng Bắc Cạn một thời gian rồi chuyển về điều hành công ty xây dựng của gia đình. Những năm đó thu nhập rất khá, lương 20 triệu đồng/tháng, trong khi giá vàng mới chỉ có 400.000 đồng/chỉ. Năm 2011, khi thấy một số hộ ở xã Vân Trục chuyển đổi mô hình sản xuất từ trồng cây lấy gỗ sang trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập ổn định, có sẵn vốn, máy móc anh quyết định chuyển 4 ha diện tích trồng cây lấy gỗ của gia đình sang trồng thanh long ruột đỏ. Nghĩ là làm, anh thuê 60 nhân công thay nhau làm xuyên ngày, xuyên đêm ròng rã ba tháng để san đất đồi. Ngày đó, riêng tiền mua dầu cho máy móc đã tốn hơn 700 triệu đồng. “Khi ấy tôi chỉ nghĩ đầu tư vào trồng thanh long là để chơi và để cho vợ có công việc ổn định để làm chứ chưa bao giờ nghĩ nó sẽ trở thành chỗ dựa của mình khi nghề xây dựng đi xuống”, anh Hoàng chia sẻ. Anh Hoàng giới thiệu vườn thanh long 4 ha của gia đình mình. Mặc dù với cây thanh long ruột đỏ, anh Hoàng chỉ “chân trong chân ngoài”. Nhưng với tính cách của người làm kinh tế - không bao giờ bắt tay vào việc gì khi chưa hiểu rõ về nó, nên vợ chồng anh gửi hai đứa con nhỏ nhờ ông bà nội ngoại thay nhau trông nom, chăm sóc để vào Bình Thuận học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm. Trước khi đi, vợ chồng anh đã đọc khá nhiều tài liệu về cây thanh long ruột đỏ, nhưng “có vào đó, thấy họ làm chuyên nghiệp mới biết thực tế và lý thuyết khác nhau rất nhiều”. Năm đầu tiên bắt tay vào trồng thanh long ruột đỏ, vợ chồng anh Hoàng đã phải trả giá đắt khi mua nhầm giống kém chất lượng. Mất cả năm chăm bón đúng kỹ thuật nhưng đến kỳ ra hoa vợ chồng anh mới "tá hỏa” vì cả vườn hoa ra nhỏ xíu, không cân đối. Lúc này anh chị mới biết mình bị cơ sở bán giống lừa bán cho giống xấu. “Ngậm bồ hòn làm ngọt” anh chị lại phá bỏ cả vườn để trồng mới. Mất đến hai năm nữa từ khi gieo giống cây mới cho thu hoạch. Đến năm 2015 trang trại thanh long nhà anh Hoàng mới cho lứa quả đầu tiên. Đúng dịp đó ngành xây dựng chững lại, việc làm ăn đã sa sút mấy năm; lại thấy có triển vọng với cây thanh long nên anh Hoàng bỏ nghề xây dựng về hẳn quê cùng vợ làm nông nghiệp. Chăm sóc cây như chăm sóc con người Mặc dù đi sau nhưng nhờ chăm chỉ học tập, nghiên cứu trong sách vở và thực tế nên anh Hoàng nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật thậm chí còn nắm vững kiến thức hơn cả những người đã gắn bó với cây thanh long trước anh hàng chục năm. Anh Hoàng cho biết, do thời tiết ở miền bắc khắc nghiệt hơn miền nam và có bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) nên ở miền nam cây thanh long ruột đỏ có thể cho quả quanh năm nhưng ở miền bắc cây cho quả chính vụ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 10 Âm lịch. Bởi thế anh Hoàng rất chú trọng đến việc chăm sóc cho cây, bảo đảm cây có đủ sức chống chọi với cái nắng nóng cực điểm vào mùa hè và giá rét vào mùa đông. Anh Hoàng luôn cẩn trọng và tỷ mỷ khi chăm sóc từng trụ thanh long. “Nhiệt độ dưới 18ºC hay hơn 36ºC đều khiến cây chững lại. Mùa hè nhiệt độ cao thì mình giữ ít quả, nhiệt độ càng cao thì càng giảm quả. Đợt nắng nóng dài ngày trong tháng 6 vừa rồi, tôi hầu như cắt bỏ hết hoa để tập trung giữ sức cho cây. Khi kết thúc vụ, tôi tăng lượng phân bón để bảo đảm “sức khoẻ” cho cây trước khi nó chống chọi với mùa đông”, anh Hoàng nói. Không giống như một số hộ trồng thanh long ruột đỏ khác để hàng trăm tay trên một trụ, anh Hoàng chỉ để khoảng 40 tay. Anh lý giải: “Ít tay sẽ tập trung được “sức khoẻ” cho cây nuôi quả. Mỗi lứa hoa, một trụ ra cả trăm bông, nếu để nhiều tay quá thì riêng công tỉa hoa đã phát ốm và tốn nhiều nhân công. Chưa kể để quá nhiều tay, nhiều hoa thì quả rất nhỏ, giá bán chỉ khoảng 5.000 đến 10.000 đồng/kg. Trong khi thanh long nhà tôi xuất bán, giá rẻ nhất đã 30.000 đồng/kg, lúc được giá còn lên đến 70.000 đồng”. Hướng tới sản xuất sạch Vì mục tiêu hướng đến nông nghiệp sạch nên ngay từ khâu cải tạo đất (trước lúc đưa thanh long về trồng) anh Hoàng đã đầu tư cả trăm triệu đồng để mua phân bón vi sinh. Suốt quá trình chăm sóc cây, anh cũng sử dụng phân bón hữu cơ: Nguồn đạm hóa học được thay hoàn toàn bằng đạm thực vật (từ đỗ tương), động vật (từ cá). Anh giải thích: “Phân hóa học cơ bản không có vi sinh nên nếu sử dụng lâu ngày sẽ làm đất đai dần nghèo nàn và thêm phần cằn cỗi”. Kỳ công hơn, anh còn đầu tư hệ thống đường ống dẫn phân chuồng từ các trang trại lợn trong xã về ủ trong hầm bioga lớn. Sau một tháng xử lý chế phẩm để loại bỏ mùi và chất độc, phân được dẫn lên bể hơn 40 khối. Anh Hoàng hào hứng: “Tôi đầu tư đường ống mất hơn 100 triệu đồng, nhưng thấy được lợi nhiều. Ngay trước mắt là giải quyết được việc các trại lợn xả thải làm ô nhiễm môi trường. Hai là dùng được lâu dài. Đường ống đã hoạt động suốt 6-7 năm nay, chứ nếu thuê người gánh thủ công thì tính ra đã mất đến 400 triệu đồng”. Anh Hoàng chỉ cho phóng viên hầm bioga xử lý phân chuồng trước khi bón cho thanh long. “Ba năm nay, đều đặn mỗi vụ nhà tôi thu được 65 đến 70 tấn, thu về 1,2 đến 1,3 tỷ đồng; sau khi trừ mọi chi phí cũng lãi được 600-700 triệu đồng. So với thời làm xây dựng chỉ là số lẻ, nhưng so với làm nông nghiệp thì con số đó là mơ ước của rất nhiều nông hộ”, anh Hoàng nói. Nhờ nắm chắc kỹ thuật mà thanh long nhà anh Hoàng luôn được giá cao, được các doanh nghiệp tìm đến đề nghị liên kết xuất khẩu. Bởi vậy, thanh long nhà anh Hoàng không chỉ có mặt trong các cửa hàng, siêu thị lớn ở Hà Nội mà còn được xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), lứa tới đây sẽ xuất khẩu sang Australia. Từ những thành công ấy, năm 2018, anh Hoàng được lọt vào danh sách 63 nông dân được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018. |
Bài và ảnh: THANH TRÀ/ Nhân dân |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã