Hiện mỗi năm loại cây này mang lại cho ông nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng - một con số mà trước đây dù có mơ ông cũng không nghĩ tới.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, thoáng mát thoang thoảng mùi hương dịu nhẹ của chè dây razéh, ông Phạm Quốc Phòng (thôn Đha Nghi, xã Tư, huyện Đông Giang, Quảng Nam) nhớ lại những ngày đến với vùng đất này. Thời điểm đó cách đây khoảng 30 năm trước, vợ chồng nghỉ làm công nhân nông trường rồi đưa nhau lên đây lập nghiệp.
“Hồi trước vùng đất này hoang hóa một màu xanh của rừng, cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Họ canh tác trên vùng đất cằn cỗi, nhưng cũng không đủ ăn. Nghèo túng, một dạo đâu gần chừng hơn chục năm, những người làng lại đổi hướng sang trồng cỏ nuôi bò và trồng keo. Keo được giá, dù không giàu có, nhưng cũng đủ ăn, mà cứ thế quay vòng”, ông Phòng nhớ lại.
Cho đến cách đây vài năm khi ông Phòng làm trưởng thôn và may mắn tham dự một cuộc họp bàn của xã để chuyển hướng canh tác sang trồng chè dây razéh giúp người dân thoát nghèo. Nắm bắt cơ hội, ông mạnh dạn vay vốn được khoảng 50 triệu đồng rồi đầu tư trồng chè trên diện tích 0,5ha. Thời gian đầu, cây chè phát triển tốt. Chỉ sau thời gian 7 tháng chè dây đã bắt đầu cho thu hoạch và mang lại cho gia đình ông một nguồn thu ổn định.
“Nhận thấy loại cây này thích hợp với điều kiện đất đai của địa phương lại có hiệu quả hơn so với những loại cây trồng trước đây nên tôi quyết định đầu tư tiếp và mở rộng dần diện tích trồng. Đến bây giờ, vườn chè dây razéh của tôi cũng được hơn 1ha rồi. Tổng chi phí để đầu từ cho diện tích này hết khoảng 120 triệu bao gồm tiền giống, nhân công... Tuy vậy, chỉ trong vòng 1 năm tôi không những thu hồi vốn mà vườn chè cũng đã cho lãi”, ông Phòng nói.
Cũng theo ông Phòng thì chè dây razéh vốn là cây bản địa của vùng nên rất dễ trồng, chỉ tốn chi phí đầu tư ban đầu, cây chè sẽ cho thu hoạch trong vòng nhiều năm sau đó. Còn phân bón thì tận dụng phân chuồng tự nhiên cùng với lá cây khô ủ thành phân vi sinh.
Ngoài ra, tiền thuốc BVTV cho loại cây này hầu như không có nên tiết kiệm được một phần chi phí rất lớn. Một ưu điểm nữa của chè dây razéh được ông Phòng đặc biệt nhấn mạnh nữa là từ lúc trồng chè đến lúc thu hoạch chỉ mất vài tháng nên thu hồi vốn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản phẩm chè dây razéh khô được gia đình ông Phòng sơ chế và bán ra thị trường với giá 90.000 đồng/kg |
“Trung bình mỗi năm, vườn chè dây razéh của tôi cho thu hoạch 4 đợt, đạt sản lượng khoảng 20 tấn chè tươi. Với giá mà hiện nay tôi đang bán trên thị trường là khoảng 20.000 đồng/kg (chè tươi) và 90.000 đồng/kg (chè khô sơ chế) thu được khoảng 400 triệu đồng. Về chi phí sau khi đã đầu tư chỉ tốn tiền nhân công tỉa lá, ủ phân nên cũng không đáng kể. Tính cho thoáng ra thì cũng lãi mỗi năm được trên 300 triệu đồng”, ông Phòng nhẩm tính.
Hiện thị trường tiêu thụ chè dây razéh của gia đình ông Phòng chưa rộng rãi nhưng hầu như các sản phẩm mà ông sản xuất ra đều tiêu thụ hết qua các cửa hàng, đại lý và một số đầu mối đưa vào TP.HCM.
“Tôi nhận thấy thị trường TP.HCM tiêu thụ chưa nhiều nhưng những ai biết đến sản phẩm chè dây razéh đều rất ưa chuộng. Đây là một thị trường tiềm năng nên tôi đang tìm cách tiếp cận để nhập sản phẩm trực tiếp vào đây. Như thế, vấn đề đầu ra sẽ thuận lợi và hiệu quả kinh tế còn cao hơn nữa”, ông Phòng tâm sự. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã