Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa cá, tôm lớn nhất cả nước. Cũng chính nhờ con cá, con tôm mà không ít hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, gần đây ở huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhiều nông dân bắt đầu trồng một loại cây, với mục đích để tiêu diệt cá và bảo vệ ao tôm, đó là dây thuốc cá.
Thuốc cá là loài dây leo bò lan trên mặt đất như dây khoai lang. Sau khoảng 6 tháng xuống giống, phần rễ của dây thuốc cá sẽ già và bắt đầu cho thu hoạch. Sau khi mua rễ tươi về, các hộ nuôi tôm giã nát rồi ngâm nước khoảng một ngày, sau mới bỏ xuống ao để tiêu diệt các loài cá tạp.
Anh Việt Trường, một hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Sóc Trăng, cho biết: “Mỗi khi thu hoạch xong lứa tôm thì nhiều loài cá tạp, đặc biệt là cá bóng trăng xuất hiện dày đặc trong ao tôm. Muốn tiêu diệt chúng để thả nuôi vụ tôm mới buộc phải dùng đến dây thuốc cá hoặc bột thuốc cá”.
Dây thuốc cá hiện đang được trồng khá nhiều ở ĐBSCL.
Theo anh Trường, một ao tôm rộng khoảng 3.000 m2 cần khoảng 10 kg rễ thuốc cá tươi giã nhuyễn. Trong quá trình thả tôm, nhiều loài cá tạp cũng thường xuyên nhảy vào ao để giành thức ăn với tôm nên người nuôi phải tiêu diệt chúng thêm vài lần nữa.
Còn theo anh Danh Nam, một hộ trồng dây thuốc cá ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, ngoài việc tiêu diệt cá tạp và làm mát nguồn nước để kích thích cho tôm lột vỏ đồng loạt, rễ của dây thuốc cá còn dùng để phun lên các loại rau màu, nhằm tiêu diệt các loài sâu bệnh phá hoại. So với các loại thuốc bảo vệ thực vật thì nước của rễ dây thuốc cá rất thân thiện với môi trường, do không gây độc hại với con người. Tuy nhiên, nếu dùng nước của rễ dây thuốc cá pha với giấm để uống thì có thể gây chết người.
Để bảo vệ ao tôm, người nuôi dùng đến dây thuốc cá để tiêu diệt những loài cá tạp tranh giành thức ăn với tôm.
Cũng theo anh Nam, do rễ dây thuốc cá phải còn tươi thì tác dụng đối với ao tôm mới hiệu quả nên người trồng sau khi thu hoạch sẽ đem rễ bỏ xuống ao ngâm, rồi bán từ từ cho thương lái và người nuôi tôm. Vì thế, mặc dù dây thuốc cá không tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, nhưng nguồn nước trong ao ngâm rất độc. Ở Vĩnh Châu gần đây đã xảy ra trường hợp một thanh niên bị lọt vào ao ngâm dây thuốc cá tử vong, vì bị ngạt khí độc.
Ông Nguyễn Thanh Giang, một hộ trồng dây thuốc cá ở huyện Cù Lao Dung, cho biết loại dây này từng được bà con nông dân ở ĐBSCL sử dụng vào nông nghiệp, thủy sản khoảng 30 năm về trước. Tuy nhiên, do các loại thuốc hóa học xuất phát từ Trung Quốc dễ sử dụng, giá cả thấp hơn nên bà con đã lờ dây thuốc cá. Đến khi tác động xấu của những loại thuốc hóa học này đối với con người ngày càng nghiêm trọng nên gần đây nông dân quay về sử dụng dây thuốc cá.
Hiện tại, giá rễ dây thuốc cá dao động 25.000- 30.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi công dây thuốc cá (khoảng 5.000 dây) sẽ mang về cho người trồng khoảng 30 triệu đồng/2 vụ/năm. Bà Thạch Thị Ngọt, một hộ trồng dây thuốc cá ở Vĩnh Châu, cho rằng: “Loài dây này rất dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn phân bón nên nông dân Vĩnh Châu đang xem xét để thay thế hành tím”.
Ông Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết hiện nay dây thuốc cá của nông dân trên địa bàn thị xã trồng không đủ cung cấp cho nhu cầu nuôi tôm. Đây là loại vi sinh phục vụ trong nuôi trồng thủy sản nên không có tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên, ông Chí cho rằng, địa phương không khuyến khích bà con tăng ồ ạt diện tích, vì nó không phải là cây chủ lực của địa phương. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã