Trong quá trình đi thực tế, chứng kiến người dân chỉ sử dụng phần củ của cây sả chanh cho chế biến thực phẩm, còn lá thì vứt đi hoặc để khô rồi đốt, TS Lê Văn Tri nhận thấy việc làm này rất lãng phí và suy nghĩ liệu có cách nào tận dụng lá của cây sả như làm phân bón hữu cơ hay không? Cuối năm 2012, TS Lê Văn Tri cùng đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu và phát hiện trong lá sả chứa hàm lượng tinh dầu dù không lớn nhưng rất có ích. Tinh dầu sả có thể sử dụng trong các ngành y - dược, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, sát trùng, xà phòng... Hiện nay, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tinh dầu sả. Mong muốn xuất khẩu tinh dầu sả cũng như tận dụng các chế phẩm từ cây sả đã tạo cho TS Lê Văn Tri hứng thú với loại cây này.
Một nghiên cứu toàn diện về cây sả đã được TS Lê Văn Tri và các cộng sự tiến hành. Theo đó, sả là cây trồng thích ứng tốt với điều kiện đất khô hạn và xâm nhập mặn, ít nhiễm sâu bệnh hại. Bộ rễ phân bố rộng có tác dụng giữ đất, chống xói mòn, chống rửa trôi hiệu quả. Cây sả không chỉ thích ứng nơi hạn hán vùng đồi núi từ bắc vào nam, mà còn chịu được trong điều kiện ngập mặn, chua phèn như ở Tiền Giang hoặc Cà Mau. Thực tế khi nhóm nghiên cứu cất tinh dầu sả chanh của Tiền Giang so với sả chanh của Hòa Bình thì cảm thấy có mùi thơm đặc trưng hơn do tỷ lệ tinh dầu thu được và phần trăm các chất có trong tinh dầu. “Ðiều này là cơ sở rất tốt để phát triển các vùng nguyên liệu ở mọi nơi và mọi vùng có biến đổi khí hậu khó lường”, TS Lê Văn Tri cho biết.
Ngoài cây sả chanh, ở Việt Nam và thế giới còn loại cây sả java chuyên lấy lá, thích hợp trồng vùng đồi hạn hán. Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân có thể trồng xen canh cây sả java với cây cao-su và một số cây ăn quả. Cây cao-su thường trồng cách nhau 15 m, chỗ đất trống nếu xen canh đậu tương hay ngô thì phải thu hoạch hằng năm, chăm sóc phức tạp, trong khi sả chịu hạn tốt, không cần chăm sóc nhiều, còn có tác dụng đuổi ruồi muỗi, rắn rết. Bài toán đặt ra lúc này là việc ứng dụng công nghệ để thu được tinh dầu tối đa ở cả cây sả chanh và cây sả java.
TS Lê Văn Tri cho biết, Việt Nam và thế giới lúc này chỉ có công nghệ thu cất tinh dầu bằng phương pháp cuốn hơi nước. Phương pháp này chỉ cần cho lá vào nồi, đun lên, nước bay hơi thì tinh dầu sẽ bay theo, sau đó làm lạnh để đưa tinh dầu và nước vào bình, tinh dầu nổi lên trên sẽ được chiết tách ra. Tuy nhiên, thời gian chưng cất quá lâu, khoảng sáu đến 12 giờ, lượng tinh dầu không tập trung, tốn nhiều nguyên vật liệu, nhiên liệu, quy mô chưng cất nhỏ lẻ. Ðể khắc phục hạn chế này, TS Lê Văn Tri đã sử dụng công nghệ áp lực phá vỡ túi tinh dầu bằng thiết bị tự lắp đặt tại phòng thí nghiệm. Thiết bị này bao gồm hai nồi khử trùng thông nhau, trong đó một nồi tạo áp lực, nồi còn lại chưng cất bình thường. Áp lực phá vỡ các tế bào, tức là túi tinh dầu trong lá, từ đó thu lại được tinh dầu. Từ kết quả trong phòng thí nghiệm, TS Lê Văn Tri cùng cộng sự thiết kế chế tạo cụm thiết bị chưng cất quy mô công nghiệp, với 50 đến 100 tấn lá sả chanh một ngày. Hệ thống công nghệ giúp giảm lượng nước tiêu hao trong quá trình sản xuất xuống hơn 80%, thời gian chưng cất còn hai giờ mỗi mẻ. Thiết bị được điều khiển tự động, giúp giảm chi phí lao động.
Nguồn bã thải sau chưng cất tinh dầu tại các cơ sở hiện nay chủ yếu là đốt, rải trên mặt ruộng gây ô nhiễm môi trường. Ðể khắc phục tình trạng này, TS Lê Văn Tri nghiên cứu áp dụng công nghệ vi sinh để xử lý và sản xuất thành phân bón hữu cơ vi sinh. Loại phân bón này có khả năng xua đuổi côn trùng và diệt tuyến trùng trong đất. Ngoài ra, phân bón hữu cơ vi sinh có khả năng giữ ẩm cao, rất tốt khi bón cho cây công nghiệp (sả, cà-phê, hồ tiêu) vào cuối mùa mưa. Cách tận dụng bã sả thay vì đốt bỏ giúp giảm ô nhiễm, bảo vệ bền vững tài nguyên đất.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, quy trình “trồng sả - thu tinh dầu - sản xuất phân bón” có thể mang lại hiệu quả kinh tế khoảng hơn 143 triệu đồng/năm/ha. Kết quả này do đầu tư cho trồng sả thấp, thời gian thu hoạch nhanh và kéo dài, khả năng chống chịu tốt nên hiệu quả từ trồng sả cao, gấp bảy đến tám lần so với trồng lúa. Người dân không những tăng thu nhập từ việc bán lá, củ mà còn thêm khoản lợi lớn từ việc thu tinh dầu, từ lượng bã sả làm phân bón hữu cơ vi sinh. Trên diện tích thâm canh 20 ha trồng sả, một nhà máy sản xuất tinh dầu sẽ thu về lợi nhuận từ 1,5 đến 1,6 tỷ đồng mỗi năm.
Với ưu điểm dễ thực hiện, công nghệ đã được áp dụng tại nhiều địa phương, nhất là những nơi chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và khô hạn như Tiền Giang, Quảng Bình, Ðác Lắc, Gia Lai, Hòa Bình. Hiện nay, Công ty cổ phần công nghệ sinh học của TS Lê Văn Tri đang làm các thủ tục để có thể làm chỉ dẫn địa lý cho các loại tinh dầu ở các địa điểm khác nhau. Công ty đang thực hiện các dự án của Bộ Khoa học và Công nghệ phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế để tiến tới hình thành nhà máy liên doanh sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tinh dầu tự nhiên ở Việt Nam. Với những thành công bước đầu, TS Lê Văn Tri dự định sẽ tiếp tục thử nghiệm ứng dụng công nghệ vào sản xuất các loại tinh dầu từ cây trồng khác như hồi, quế, tràm…
Tác giả bài viết: HẠNH NGUYÊN
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã