Một trong những mặt hàng nông sản chủ lực XK sang Trung Quốc đã bắt đầu bị siết chất lượng và đi qua đường tiểu ngạch là hạt điều. Trong nhiều năm trở lại đây, lượng nhân điều XK sang Trung Quốc thường dao động ở mức trên dưới 50.000 tấn. Năm 2016, lượng nhân điều XK sang Trung Quốc đạt tới 51.769 tấn.
Chế biến nhân điều XK |
Tuy nhiên, sang năm 2017, lượng nhân điều XK sang Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh xuống còn 48.064 tấn (giảm 7,16%). Lý giải về điều này, tại Hội nghị Điều quốc tế vừa diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh), một số doanh nhân ngành điều cho hay, không phải vì người tiêu dùng Trung Quốc giảm ăn hạt điều, mà do Trung Quốc đã không còn là một thị trường dễ tính trong NK nhân điều. Cụ thể, theo ông Nguyễn Minh Họa, GĐ Cty TNHH Bimico (Tây Ninh), trước đây, thương nhân Trung Quốc mua nhân điều rất dễ dãi. Nhiều mã hàng nhân điều nằm chung trong nhóm điều phẩm cấp thấp, vốn không thể XK sang các thị trường khác, vẫn được các thương nhân Trung Quốc thu mua.
Tuy nhiên, từ tháng 7/2017, Trung Quốc đã bắt đầu siết lại chất lượng nhân điều NK, đồng thời hạn chế việc NK nhân điều qua đường tiểu ngạch nhằm tăng NK qua đường chính ngạch. Ông Nguyễn Minh Họa, cho hay, từ mấy tháng nay, XK nhân điều qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc hầu như đã bị chặn. Hạt điều Việt Nam chỉ có thể XK sang bên kia biên giới qua đường chính ngạch. Ông Vũ Thái Sơn, TGĐ Cty CP Long Sơn (TP.HCM), cho hay, thương nhân Trung Quốc đã không còn mua nhiều hàng phẩm cấp thấp như trước nữa.
Do bị chặn đường tiểu ngạch và thương nhân Trung Quốc giảm thiểu mua hàng phẩm cấp thấp, nên trong 8 tháng đầu năm nay, dù lượng nhân điều XK sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, nhưng mức tăng trưởng khá khiêm tốn so với nhiều thị trường quan trọng khác và so với tăng trưởng về lượng nhân điều XK đi tất cả các thị trường. Cụ thể, trong 8 tháng, XK nhân điều sang Trung Quốc đạt 26.352 tấn, chỉ tăng 1,07% so cùng kỳ 2017. Trong khi đó, XK sang Mỹ đạt 93.573 tấn, tăng 15,29%. XK nhân điều đi tất cả các thị trường đạt 242.789 tấn, tăng 8,1% về lượng.
Ngoài nhân điều, nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác của Việt Nam XK sang Trung Quốc cũng đã bị cơ quan chức năng nước này siết lại về chất lượng, đồng thời hạn chế, thậm chí là “đóng cửa” đường tiểu ngạch. Tiêu biểu như mặt hàng gạo.
Trước đây, khi gạo Việt Nam vẫn được XK qua Trung Quốc qua đường tiểu ngạch một cách dễ dàng, thì lượng gạo XK qua nước này là khá lớn. Có những năm, ước tính Việt Nam XK sang Trung Quốc gần 4 triệu tấn gạo, trong đó, khoảng 1,5 triệu tấn là XK tiểu ngạch.
Từ năm 2017, Trung Quốc đã thay đổi chính sách NK gạo từ Việt Nam theo hướng cấp phép NK chính ngạch cho 22 doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP của Trung Quốc, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn gạo đi đường tiểu ngạch. Chính vì vậy, dù vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, nhưng tổng lượng gạo XK sang Trung Quốc đã giảm nhiều, không còn ở mức trên dưới 3 triệu tấn (tính cả tiểu ngạch) như trước nữa, dù XK chính ngạch vẫn tương đối ổn định.
Với mặt hàng cá tra XK sang Trung Quốc, thị trường này cũng đã đòi hỏi cao hơn về chất lượng và từ chối các sản phẩm cá tra kém chất lượng. Đầu năm nay, đã từng có thời gian xuất hiện tình trạng nhiều thương nhân Trung Quốc sang ĐBSCL tìm mua cá tra bị ngộp, bị chết… (nói chung là các loại cá tra kém chất lượng), sau đó thuê nhà máy sơ chế, đông lạnh, rồi đưa về nước này qua đường tiểu ngạch. Nhưng đến nay, hiện tượng đó đã không còn.
Theo ông Ong Hoàng Văn, Phó TGĐ Cty Trường Giang (Đồng Tháp), chính những thương nhân Trung Quốc khi đưa các lô hàng cá tra kém chất lượng đó về Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, đã không thể tiêu thụ được, do bị người tiêu dùng tẩy chay. Trong khi đó, XK cá tra qua đường chính ngạch sang Trung Quốc vẫn ổn định và chỉ chậm lại khi giá cá tra ở Việt Nam tăng lên quá cao. Điều đó cho thấy Trung Quốc dù vẫn đang là thị trường tăng trưởng rất tốt của cá tra Việt Nam (8 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đạt 332,5 triệu USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2017), nhưng đã không còn là thị trường dễ tính trong việc NK, tiêu thụ cá tra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã