Sau 6 năm đóng cửa Trường đua ngựa Phú Thọ (TP.HCM), từ chỗ có gần 1.000 con ngựa đua, bây giờ cả huyện Đức Hòa chỉ còn 47 con ngựa đua. Điều an ủi là Đức Hòa vẫn còn khoảng 300 con ngựa nái để giúp bà con nông dân tái đàn.
Đánh thức nỗi… nghiền
Anh Phan Văn Tú và đàn ngựa của mình. Ảnh: T.Đ
Nếu chỉ bán thịt thì 2 loại vật nuôi là ngựa và bò sữa gần như ngang giá nhau. Nhưng nếu nuôi thành ngựa đua, thì con ngựa đua giá trị bằng rất nhiều con bò sữa. Ngựa nái mỗi năm đẻ 1 con, nên chỉ cần 2 con nái thì sau 5 năm đã có đàn ngựa chục con”. Anh Phan Văn Tú |
Mùng 1 Tết Đinh Dậu, Khu du lịch Đại Nam khai trương môn đua ngựa. Con Giang Bảo Anh của anh Phan Văn Tú (xã Đức Lập Thượng, Đức Hòa) đoạt giải Tư. Kể từ ngày Trường đua ngựa Phú Thọ đóng cửa, nay ngựa đua Đức Hòa lại có cơ hội tung vó và đoạt giải như truyền thống vốn có của làng nuôi ngựa đua nổi tiếng này.
Khi phóng viên đến nhà, anh Tú ở ấp Đức Ngãi 1, anh đang hí húi cho con Giang Bảo Anh ăn thóc. Tại chuồng nhà anh Tú có 9 con ngựa, ngoài 2 con nái, số còn lại mới chỉ từ 1 - 3 tuổi. Anh Tú cho biết đây là số ngựa anh gây được trong suốt thời gian qua. Từ ngày Trường đua khu du lịch Đại Nam mở cửa, nhất là khi con Giang Bảo Anh đoạt giải, gần như “máu” nghề đã được đánh thức ở mỗi người dân nuôi ngựa tại Đức Hòa. “Một số người đã đánh tiếng mua ngựa của tôi để làm giống gây đàn” - anh Tú thổ lộ.
Ông Huỳnh Văn Thiết – một người nuôi ngựa có tiếng ở Đức Hòa cho biết, giờ ở Đức Hòa không còn mấy chuồng nuôi nhiều ngựa như của anh Tú. Ngay như ông từng nuôi đến 16 con ngựa đua, giờ cũng đã “treo” chuồng. “Nhiều người ở đây đang tìm cách gây lại đàn ngựa đua. Họ đang sửa sang lại chuồng. Giờ mà nói giá ngựa thì chẳng biết sao mà nói, vì những con ngựa hay nhất của làng ngựa này đã vô lò mổ hết rồi. Trước đây ngựa tầm tầm cũng có giá 100 – 200 triệu đồng/con, ngựa có thành tích cao giá phải tới bạc tỷ” - ông Thiết nói.
Ông Huỳnh Văn Lẽ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Đức Hòa cho biết, sau tết đến giờ, dân nuôi ngựa ở Đức Hòa đã rục rịch đem ngựa ra quần trên đồng cỏ, đường ấp. Đây là dấu hiệu tốt cho thấy làng nuôi ngựa đang hồi sinh sau mấy năm khốn đốn do trường đua đóng cửa.
Lại lo thiếu vốn
Ông Huỳnh Văn Thiết đang xem “bộ vó” đám ngựa non cho kế hoạch tái đàn ngựa đua. Ảnh: T.Đ
Thông tin làng ngựa Đức Hòa đang chộn rộn tái đàn được Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng cho là một hướng tích cực để giải quyết việc làm nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. “Trước đây, nuôi ngựa đua là nghề truyền thống của một số nông dân Đức Hòa. Nghề này không chỉ đem lại thu nhập cho chủ ngựa mà còn tạo việc làm cho nài ngựa, mã phu (người chăm sóc ngựa)” - ông Hùng nói.
Vừa nuôi ngựa vừa nuôi bò sữa, anh Phan Văn Tú nhận xét, nếu chỉ bán thịt thì 2 loại vật nuôi này gần như ngang giá nhau. Nhưng nếu nuôi thành ngựa đua, thì con ngựa đua giá trị bằng rất nhiều con bò sữa. “Ngựa nái mỗi năm đẻ 1 con, nên chỉ cần 2 con nái thì sau 5 năm đã có đàn ngựa chục con” - anh Tú nói.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi ngựa ở Đức Hòa đang lo không đủ nguồn giống tốt, cũng như thiếu vốn. Trước đây mỗi con ngựa nái giá 60 – 70 triệu đồng, còn ngựa giống giá 150 – 200 triệu đồng/con. Nếu đem ngựa nái đi cấy tinh, giá mỗi lần cũng cả chục triệu đồng.
Một cán bộ tại Trường đua Phú Thọ trước đây cho biết, để tìm giống ngựa giỏi nhằm cung cấp cho người nuôi, thỉnh thoảng trường đua lại lo nhập tinh ngựa hoặc giống ngựa nước ngoài về. “Nếu người dân có nhu cầu thì đem ngựa nái lên trường đua hoặc chúng tôi sẽ chuyển tinh ngựa về địa phương để nhân giống, nhưng giá mỗi lần cấy khá cao” – vị này cho biết.
Về việc giải quyết vốn cho nông dân Đức Hòa tái đàn ngựa, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An Phạm Minh Hùng cho rằng: “Các hộ muốn nuôi nên tổ chức thành nhóm để thuận lợi cho việc vay vốn ngân hàng. Bà con nên liên hệ với Hội nông dân địa phương để được hướng dẫn vay vốn. Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ bà tái đàn ngựa nhằm tạo việc làm và giữ nghề truyền thống của địa phương”.
Tác giả bài viết: Trần Đáng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã