Hệ thống tưới nhỏ giọt của gia đình ông Phạm Quang Hùng ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: N.D |
Cây khỏe, người cũng khỏe
Cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hương Khê đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác đã tăng đáng kể. Trong đó mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel được nhiều người dân áp dụng trong phát triển trang trại, gia trại, nhờ đó sức lao động được giảm đáng kể, hiệu quả công việc cũng như năng suất, chất lượng cây trồng tăng cao.
Là người đầu tiên áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng trên địa bàn huyện, ông Phạm Quang Hùng (trú xã Hương Thủy) chia sẻ: Tôi đã làm trang trại 11 năm nay nhưng hệ thống tưới nhỏ giọt tôi mới lắp đặt gần 2 năm nay. Năm 2015, sau khi tìm hiểu, tôi đã ký hợp đồng với Công ty Tân Nông Thịnh ở Lâm Đồng để lắp đặt.
Hiện nay hệ thống tưới nhỏ giọt tôi áp dụng cho hơn 3.500 gốc cam bù và hiệu quả đã thấy rõ. Khi chưa áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, với số gốc cam bù này, tôi thu hoạch khoảng hơn 20 tấn quả. Nhưng từ khi có hệ thống tưới này, năng suất đạt hơn 30 tấn, mẫu mã, màu sắc quả cam cũng đẹp hơn, chất lượng quả cũng được nâng lên. Nhờ áp dụng công nghệ này mà tôi tiết kiệm được nhân công lại tiết kiệm được thời gian, lượng nước và nước được phân bố hợp lý hơn.
Hệ thống tưới này còn được ông Hùng xây dựng bể lọc để ngâm ủ một số loại phân để bón cho cây cam.
Anh Võ Xuân Thắng trú tại xã Lộc Yên cho biết: Việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt mang lại lợi ích rất lớn. Gia đình tôi trồng 1ha bưởi và các loại cam, nhờ hệ thống tưới này mà mỗi lần tưới không phải mang vòi đi từng gốc để tưới, chỉ cần mở van là nước sẽ chạy theo hệ thống đến tận từng gốc cây. Giờ trong thời gian tưới cây, tôi có thể làm được nhiều việc khác. Cũng nhờ hệ thống tưới này mà cây trồng cũng sinh trưởng nhanh hơn. Những cây bưởi tôi trồng mới chỉ gần 2 năm tuổi mà đã bắt đầu cho quả bói, trong khi thông thường cây trồng 3 năm mới cho quả bói và sang năm thứ tư thì mới cho quả ổn định.
Tăng sức cạnh tranh nông sản
Bà Ngô Thị Phước (xã Phúc Trạch) nói: “Gia đình tôi chủ yếu trồng bưởi mà nhà chỉ có 2 ông bà. Việc áp dụng hệ thống tưới này rất hiệu quả, đặc biệt là với những hộ làm vườn nhưng lại ít lao động. Và nhờ có hệ thống tưới này mà năm nay sản lượng bưởi của gia đình tôi tăng đáng kể, chất lượng bưởi cũng ngon hơn. Nếu gần 100 gốc bưởi năm 2015 (chưa có hệ thống tưới nhỏ giọt) chỉ cho thu hoạch hơn 1.000 quả, thì năm nay tăng lên khoảng 3.000 quả. Giờ việc tưới nước cho cây gần như giải phóng sức lao động hoàn toàn nên trong lúc hệ thống tưới hoạt động tôi lại có thời gian để kiểm tra tình hình sâu bệnh và làm những việc khác, hết giờ tưới thì tắt van chính là được”.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn cũng như người dân, việc lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt này mang lại nhiều lợi ích cho người dân mà kinh phí không lớn. Với mỗi ha cây trồng, kinh phí đầu tư trong khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha. Với hệ thống này vừa áp dụng để tưới nước vừa có thể kết hợp để bón các loại phân cho cây trồng.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn toàn huyện có 130 mô hình lớn nhỏ có lắp đặt sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong phát triển trang trại, gia trại. Ông Lê Quang Vinh - Phó phòng Nông nghiệp cho hay: Đây là công nghệ rất phù hợp với địa hình cũng như khí hậu của địa phương. Với vùng đất thường xuyên nắng hạn thì hệ thống tưới nhỏ giọt mang lại hiệu quả rất tốt. Người dân vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới, vừa tiết kiệm được thời gian cũng như nhân công. Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này cây cối hấp thu được tối đa lượng nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là hạn chế sự xói mòn trôi đất.
“Việc áp dụng hệ thống tưới này giảm được các loại chi phí đầu vào, do vậy giá thành sản phẩm sẽ giảm và như vậy sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường” - ông Vinh nói.