Học tập đạo đức HCM

Ước mơ về thực phẩm sạch thành hiện thực từ một chủ trương đúng

Thứ hai - 01/01/2018 03:04
Ngay từ đầu năm 2017, khi tham gia khởi động một dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh phải có vốn cho nông nghiệp công nghệ cao và yêu cầu nâng hạn mức gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng với cơ chế triển khai cho vay ưu đãi để khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 25/04/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố quyết định về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với gói tín dụng 100.000 tỷ đồng và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các ngân hàng thương mại với cam kết cho vay các dự án có hiệu quả với lãi suất ưu đãi ở mức phù hợp.

Từ một chủ trương đúng…

Triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN, các NHTM đã tích cực chủ động triển khai gói tín dụng này. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất - kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo quy định của Bộ NNN&PTNT.

NHTM cho vay đối với các nhu cầu vốn ngắn, trung và dài hạn của khách hàng để thực hiện chương trình bằng VNĐ với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%-1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường. Nguồn vốn cho vay do các NHTM cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Đặc biệt, khách hàng vay vốn theo chương trình được sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật.

'Một góc dây chuyền hiện đại của cty Ba Huân do Vietcombank Hà Tây đầu tư'

Một góc dây chuyền hiện đại của cty Ba Huân do Vietcombank Hà Tây đầu tư

Tại buổi Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao" do Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN và Bộ NN&PTNT tổ chức vào đầu tháng 7/2017 vừa qua, số liệu thống kê mới nhất cho thấy tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đến nay đạt gần 32.339 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ.

… đến việc đầu tư đồng vốn tới đúng địa chỉ

Qua sự giới thiệu của anh Phan Dương – Giám đốc Vietcombank Hà Tây, chúng tôi tìm đến công ty TNHH Ba Huân Hà Nội tại huyện Phúc Thọ - Hà Nội. Đây là một trong nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng triển khai của gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ. Tiếp bước thành công của thị trường phía Nam, tháng 4 năm 2017, công ty Ba Huân tiếp cận thị trường miền Bắc bằng việc khánh thành Nhà máy xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội).

Đây là nhà máy đầu tiên của Ba Huân tại miền Bắc, có quy mô 2 ha, tổng vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ bằng dây chuyền thiết bị nhập khẩu, xử lý trứng tự động hóa 100% của hãng Moba - Hà Lan (hãng đứng đầu thế giới về các thiết bị xử lý trứng gia cầm). Quy trình xử lý trứng qua các công đoạn: rửa trứng, sấy khô, chiếu tia UV diệt khuẩn, soi tìm trứng hư, áo một lớp dầu bảo vệ giúp ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trong trứng đồng thời in nhãn hiệu và ký hiệu để truy xuất nguồn gốc từng quả trứng (khi cần), cân trọng lượng và đóng hộp thành phẩm. Với quy trình này, trứng được xử lý và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tất cả các công đoạn được tự động hóa hoàn toàn 100%.

Là người có gần 20 năm gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Thanh Hùng – giám đốc công ty TNHH Ba Huân Hà Nội chia sẻ: Ở phương Tây và các nước tiên tiến, trước khi được bán trên thị trường, trứng gia cầm (gà, vịt) phải trải qua xử lý, kiểm định của các nhà máy. Ở Việt Nam, trứng gia cầm cũng được người dân sử dụng thường xuyên cho các bữa ăn hàng ngày nhưng ít ai biết rằng trên bề mặt quả trứng có tới khoảng 7.000 lỗ thông khí, khi được gà vịt đẻ ra quả trứng tiếp xúc với nhiều thứ như phân, tạp chất, đất bùn… rất dễ bị vi khuẩn thẩm thấu vào trong trứng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người tiêu dùng.

Với suy nghĩ làm sao để có được một sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa để thỏa mãn niềm đam mê gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp họ tìm được những hướng đi làm giàu kinh tế gia đình đồng thời góp phần chia sẻ trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam, công ty Ba Huân đã quyết định đầu tư gần 1.000 tỷ đồng để khởi nghiệp, xây dựng, phát triển và tạo dựng nên thương hiệu như ngày nay.

'Công nhân công ty TNHH Ba Huân Hà Nội kiểm tra đánh giá chất lượng trứng.'

Công nhân công ty TNHH Ba Huân Hà Nội kiểm tra đánh giá chất lượng trứng.

Đầu tư rất lớn vào thiết bị xử lý trứng nhưng Ba Huân luôn tâm niệm thực hiện trách nhiệm xã hội, giá thành trứng luôn bằng hoặc giảm hơn so với giá thị trường. Bên cạnh đó công ty còn tạo nguồn thu ổn định cho người nông dân bằng việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Không chỉ hỗ trợ đầu ra, nhiều năm qua Ba Huân còn hỗ trợ kỹ thuật đầu vào, hỗ trợ con giống và phương thức canh tác, chăm sóc cho nông dân đạt hiệu quả cao nhất.

Và thành công của những con người tâm huyết

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, nhà máy đã góp phần thu mua một lượng không nhỏ trứng gia cầm trên địa bàn Hà Nội và các địa phương lân cận phục vụ chế biến. Điều này góp phần mở rộng đầu ra cho các hộ chăn nuôi và thúc đẩy chương trình sản xuất sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đến nay, Ba Huân miền Bắc đã có được thị trường rộng rãi cho sản phẩm của mình trên địa bàn Thủ đô, đó là (i) Các doanh nghiệp phân phối trứng tại các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị Lotte; Big C; Metro; Fivimart; Vinmart; Aon…; (ii) Các doanh nghiệp dùng nguyên liệu trứng trong sản xuất thực phẩm; (iii) Một số các cửa hàng liên kết dân doanh trên địa bàn thành phố… Sản phẩm của công ty khá đa dạng, không chỉ là trứng sạch mà còn có thêm các loại: thịt gà, xúc xích, bánh flan, chân gà chua cay, gà viên, trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo… được sản xuất theo công thức gia truyền phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng miền Bắc.

Nói về thành công bước đầu của Ba Huân miền Bắc, ông Phạm Thanh Hùng nhận định thành công của doanh nghiệp không thể thiếu sự gắn bó, đồng hành của ngân hàng bởi đồng vốn tín dụng chính là mạch máu giúp doanh nghiệp hoạt động. Khi tiếp cận thị trường Hà Nội, chính ông đã trực tiếp tới làm việc với Vietcombank Hà Tây và đồng chí giám đốc chi nhánh. Không hẹn mà gặp, cả 2 ông chủ doanh nghiệp đều có sự đồng cảm về các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, việc thẩm định đã được Vietcombank tiến hành với quy trình đầy đủ, chặt chẽ, và nhanh chóng, dự án được đánh giá có tính khả thi cao để được cấp tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó là lãi suất hợp lý, cạnh tranh, phong cách phục vụ chu đáo, tận tình của nhân viên ngân hàng cùng các dịch vụ ưu đãi đi kèm đã khiến Ban Giám đốc công ty và các lãnh đạo cấp cao của Công ty Ba Huân miền Nam quyết định hợp tác với Vietcombank Hà Tây.

Từ đây, Vietcombank Hà Tây cam kết cung ứng nguồn vốn trung – dài hạn lên tới 60 tỷ đồng và 20 tỷ đồng vốn ngắn hạn. Trong suốt quá trình hợp tác, hai bên không ngừng trao đổi về kinh nghiệm cũng như những thuận lợi, khó khăn để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác. Ngoài nguồn vốn tín dụng, Vietcombank Hà Tây còn triển khai các dịch vụ cho Ba Huân như: trả lương qua tài khoản; mở thẻ tín dụng; thực hiện thanh toán tiền hàng cho đối tác của công ty. Thành công bước đầu giúp Ba Huân miền Bắc đảm bảo việc làm cho 60 lao động (đều là người địa phương) với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng; tạo nguồn thu ổn định cho hàng trăm người nông dân, đối tác liên kết. Quan trọng hơn, niềm ước mơ mong muốn đem nguồn thực phẩm sạch đến với ngày một nhiều người dân Thủ đô hơn đã thành hiện thực.

Tới đây, khi Ba Huân mở rộng sản xuất với việc đầu tư thêm nhà máy với dây chuyền hiện đại, tốc dộ xử lý đạt tới 120.000 quả trứng/giờ, đại diện Vietcombank Hà Tây khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành để Ba Huân mở rộng thị trường, đáp ứng mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ, hướng tới lợi ích của nhà nông – doanh nghiệp – ngân hàng – và toàn xã hội./.

Theo Dân trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay70,599
  • Tháng hiện tại867,297
  • Tổng lượt truy cập90,930,690
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây