Giấy phép con trói DN
Bà Trần Ngọc Hân, Ủy ban Thực phẩm và Đồ uống - Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho rằng, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) là một quy định trái luật.
Nhiều vướng mắc quy định tại Nghị định 38 chưa được giải quyết |
Phân tích về vấn đề này, bà Hân cho rằng, Điều 12 Luật ATTP 2010 quy định: Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường, không quy định về biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”.
Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng chỉ quy định biện pháp “công bố hợp quy” và “công bố hợp chuẩn” không hề có biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”. Tuy nhiên, trong Nghị định 38/2012 lại có thêm một biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP” là một điều hoàn toàn khác với 2 luật trên.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu rõ tại Điều 11: “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”. Điều đó có nghĩa là việc một nội dung “mới” được đặt ra trong Nghị định 38/2012 là điều trái với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy thủ tục “công bố phù hợp quy định ATTP” là trái cả 3 Luật ATTP, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế VCCI cho biết, một số thủ tục hành chính theo Nghị định 38 chưa phù hợp và minh bạch dẫn đến những diễn giải khác nhau. Đồng thời, quá trình thực hiện thủ tục hành chính dài kèm theo rất nhiều thủ tục.
Ông Tuấn phân tích, Nghị định 38 yêu cầu cấp giấy xác nhận công bố phù hợp các quy định ATTP là chưa phù hợp với Luật ATTP. Bởi với yêu cầu công bố quy định ATTP hiện nay không có trong Luật ATTP. Bên cạnh đó, ngay trong hồ sơ, thủ tục cấp giấy tiếp nhận hợp quy và xác nhận công bố có nhiều điểm chưa phù hợp. Hồ sơ tiếp nhận hợp quy trong Nghị định 38 có các mục quy định còn chênh so với Luật Quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cùng với đó, trong Nghị định 38 còn có nhiều quy định chung chung như: sửa theo các quy định của pháp luật, sửa nhãn cho phù hợp.
Tuy nhiên, điều băn khoăn ở đây, như thế nào là “phù hợp”, như thế nào là “theo quy định của pháp luật”? Điều này có nghĩa là trao quyền diễn giải cho cán bộ thực thi rất lớn. Vì vậy, để tránh sự nhũng nhiễu, theo ông Đậu Anh Tuấn, nghị định sửa đổi trong thời gian tới rất cần được quy định minh bạch.
Cần tháo gỡ những vướng mắc
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực thi Nghị định 38 nổi lên 2 vấn đề vướng mắc đối với cộng đồng DN, một là thủ tục hành chính “Chứng nhận phù hợp với quy định ATTP”, và thứ 2 là thủ tục hành chính liên quan đến “Chứng nhận phù hợp quy chuẩn”. Với 2 vướng mắc này, cộng đồng DN đã nhiều lần, ở nhiều nơi, trong nhiều năm kêu ca nhưng chưa được giải quyết.
Về thủ tục chứng nhận phù hợp với quy định ATTP, ông Cung cho rằng không phù hợp với Luật Vệ sinh ATTP cũng như luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng. Đồng thời, cách quản lý như vậy cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, trong thủ tục hành chính thì hồ sơ quá nhiều, điều kiện không rõ ràng thậm chí rất tuỳ tiện, trình tự thủ tục quá nhiều. Cách thức quản lý như vậy vừa trái luật, vừa không hiệu lực và gây phiền hà, tốn kém rất nhiều cho DN.
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án USAID GIG cho biết, chính vì có quy định “công bố phù hợp với quy định ATTP” tại Nghị định 38 mà Bộ Y tế nói riêng và các bộ có chức năng về quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cần thiết, dẫn tới phần lớn các sản phẩm thực phẩm được quản lý một cách tuỳ tiện. Vì không có QCVN nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự giải thích của Cục ATTP (Bộ Y tế), gây vô vàn khó khăn cho DN.
Theo các chuyên gia, quy định công bố phù hợp ATTP tại Nghị định 38 là quy định ngoài Luật ATTP. Thực tiễn cho thấy việc công bố phù hợp quy định ATTP không có tác dụng tăng cường hiệu quả quản lý. Vì vậy, đề nghị bãi bỏ quy định này và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, nhưng do sự trì trệ của Bộ Y tế và các bộ liên quan khác nên chưa có QCVN, cần có giải pháp trước mắt.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị: Bãi bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật tại các tổ chức được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền do hình thức công bố phù hợp quy định ATTP không có quy định trong Luật ATTP và thực hiện thời gian 4 năm qua cho thấy sự bất cập, vướng mắc như tính chất của một “Giấy phép con”.
Gia Hân
http://thoibaonganhang.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã