“Lâu nay, người ta cứ nói liên kết 4 nhà, nhưng với nông dân quan trọng nhất là giá cả và quy định về chất lượng phải rõ ràng. Nếu như hai thứ này không làm rõ ràng với nhau, nông dân dễ “phá hợp đồng”, kể cả doanh nghiệp có cho họ ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiền… Ở Việt Nam, mô hình Công ty Vinamit của ông Lâm Viên làm rất hay. Ông rất rõ ràng về chất lượng và giá cả với người nông dân, loại nào ông cũng mua, mua theo giá thị trường, thậm chí có khi mua giá rất cao. Vinamit có nhà máy chế biến, tạo ra đa dạng sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường thế giới. Nông dân làm ra bao nhiêu nông sản, ông cũng mua hết, nên người nông dân lúc nào cũng làm ăn với ông Viên” - Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn, giới thiệu về Vinamit.
Tư duy “nông pháp” làm nền tảng phát triển
Trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, chưa nói ngay về chuyện kinh doanh, chuyện mở thị trường quốc tế. Ông nói về lịch sử phát triển nền nông nghiệp nước nhà. “Tái câu trúc nông nghiệp phải đi từ cái gốc, vậy “nông pháp” quốc gia đi theo hướng nào? Nông pháp hóa học, đương nhiên gốc của nó là hóa học.
Toàn bộ canh tác, suy nghĩ, hành động, cách làm đều hóa học. Xu hướng thế giới đang muốn sản phẩm phải có gốc tự nhiên, hay nói cách khác là hữu cơ. Vì vậy, cái gốc của nó là “nông pháp vi sinh học” là cân bằng vi khuẩn, nấm vi sinh... Anh phải hiểu cái căn bản, mới nói đến cải tạo, cải cách. Thay đổi tư duy về nông pháp, mới có cách đi đúng hướng” - Ông Lâm Viên chia sẻ.
Năm 1987, ông Viên gặp người thầy đầu tiên và được “mách nước”: “Bạn đang ngồi trên cái kho báu mà chưa biết khai thác. Bạn đi ra nước ngoài để họ chỉ cho bạn cách khai thác”. 26 tuổi, ông Viên đến 5 nước Đông Âu và Bắc Á tìm kiếm, điểm cuối cùng dừng lại học là Đài Loan. Về nước, ông bắt đầu khởi nghiệp bằng ngành chế biến sau thu hoạch, theo con đường hữu cơ. Kinh nghiệm chưa có nhiều, đôi khi xảy ra sự cố mà không xử lý được. “Học phí” “trường đại học thực tiễn” ông Viên phải trả nhiều tỉ đồng, vì sản phẩm hư hỏng, vì bị thua lỗ, thậm chí mấy lần trắng tay. Ông vẫn kiên trì đi theo nền tảng “nông pháp hữu cơ” đã vạch ra từ trước.
Câu chuyện ông Viên mua lại nông trường với diện tích 200ha đất của một trường đại học, tại tỉnh Bình Dương để phát triển nông trang hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam thật thú vị. “Tôi mua đất và thuê lại toàn bộ đội ngũ nhà khoa học, giảng viên của trường đại học sang làm việc với Công ty Vinamit. Tôi đưa ra chiến lược phát triển nông trang hữu cơ. Các nhà khoa học của trường không tin làm hữu cơ sẽ thành công, nên xảy ra “xung đột”. Quan điểm của các thầy vẫn làm theo phương pháp hóa học, còn tôi thì đi theo hữu cơ. Thế là “hóa học” và “hữu cơ” cứ kéo qua, kéo lại suốt bao nhiêu năm. Rốt cuộc tôi bị đổ bể hoàn toàn - Tổng Giám đốc Viên kể lại câu chuyện khởi đầu trồng cây theo nông trang hữu cơ khá gian nan.
- Tại sao các nhà khoa học làm mà vẫn thất bại? – Tôi đặt câu hỏi.
- Ngành công nghệ sinh học của Việt Nam, về lý thuyết rất giỏi, nhưng họ không có môi trường để ứng dụng thực tiễn – Ông Viên trả lời.
- Đâu là nguyên nhân chính?
- Tôi nói mà họ không nghe. Tôi nói một đằng, họ làm một nẻo. Họ bảo rằng không có thuốc bảo vệ thực vật làm sao cây nó sống được!
- Nhưng mọi chi phí do anh chi trả?
- Tất nhiên rồi. Tôi không được họ đồng tình. Một mình tôi không cải tạo được. Ngay cả sản phẩm của Vinamit làm ra từ nông trang hữu cơ, khi đi làm truyền thông ở bên ngoài, người tiêu dùng cũng chẳng cần quan tâm đến đồ tốt để bảo vệ sức khỏe.
Từ năm 2005 - 2010, cuộc “đấu tranh” “hóa học” hay “hữu cơ” đã tiêu tốn của ông Viên nhiều tỉ đồng. Kết quả vẫn con số 0 trên con đường chinh phục “nông pháp hữu cơ”. Cuối năm 2010, ông Viên làm lại từ đầu, tuyển toàn đội ngũ kỹ sư trẻ, chuyên ngành trồng trọt, sinh học. Ông Viên vừa là người nông dân làm quần quật trên cánh đồng và trực tiếp chỉ huy tại nông trường.
“Số bạn trẻ này cũng không có niềm tin mấy về nông trại hữu cơ, nhưng vì họ “sợ” tôi, nên mọi quy trình phải làm theo tôi hướng dẫn. Việc đầu tiên phải cải tạo lại diện tích đất, dùng máy cày cày thật sâu, có những chỗ dùng máy múc, cuốc sâu xuống cả mét. Làm theo kiểu này để đất được phơi nắng, phơi mưa, giảm lượng độc tố có trong đất. Sau một thời gian lại cày, lại cuốc, kết hợp rải phân xanh, phân chuồng xuống. Đất được “nghỉ ngơi” 2-3 năm, tôi bắt đầu trồng cây giống xuống. Riêng công đoạn xử lý đất, tôi đã mất trên 20 tỉ đồng” - Ông Viên nói và chia sẻ thêm: Đất là “ngôi nhà” của vi sinh vật. Trong ngôi nhà muốn duy trì sự sống cần cái gì? Giống như hồ nuôi cá, anh muốn thả cả vô thì cần phải chuẩn bị cái hồ có đầy đủ oxy, có thức ăn. Ngôi nhà của mình có oxy thì không có thuốc hóa học, nếu cứ để hóa học xuống thì nó triệt tiêu oxy, làm sao còn sự sống.
Ông Quốc Bình, người đã gắn bó với Vinamit hơn 10 năm nay, vừa đưa tôi đi tham quan nông trang, vừa kể lại: “Trước, đây là một khu rừng có đàn heo mấy trăm con sống trong đó. Ông Viên đã cải tạo khu rừng thành vùng nông trang hữu cơ rộng mênh mông. Thế mới biết tầm nhìn và tình yêu nông nghiệp hữu cơ của ông ấy lớn cỡ nào. Ông chủ kiếm được bao nhiêu tiền đều đổ vào đây. Vợ con ông đang định cư bên Mỹ, nhưng suốt ngày ông lọ mọ ở nông trang, tự lái máy đi cày. Rồi ngồi rình mò, quan sát, nghiên cứu sâu bọ, để tìm cách chế ngự”.
Học cách quản lý của “địa chủ”
Đến hôm nay, Công ty Vinamit đã canh tác hàng nghìn héc-ta từ những nông trang hữu cơ và liên kết với các hộ nông dân ở Bình Dương, Cà Mau, Kiên Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk. Mỗi năm sản lượng của công ty đạt hàng nghìn tấn rau, củ, quả. Tôi hỏi ông Viên: “Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, mùa vụ khác nhau, anh làm cách nào để quản lý tốt với nhiều nông trang?”.
Ông Viên khoái chí, giải thích: “Tôi học cách quản trị phân cấp của mấy ông “địa chủ” trước đây, đó là cách quản lý tốt nhất trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi một vùng ruộng đều có ông “tá điền” cai quản và điều hành. Lúc nào cần điều động nhiều nhân công và khi nào cắt giảm lao động thì ông “tá điền” nắm rõ nhất. Thời đại hiện nay, có thêm công nghệ kỹ thuật số vào nữa để tăng thêm hiệu quả điều hành của “tá điền”. Sản xuất nông nghiệp nếu quản lý công việc không tốt, sẽ bị sụp đổ”.
“Tá điền” của ông Viên có trình độ học vấn bậc đại học nông nghiệp hoặc về công nghệ sinh học. Mỗi “tá điền” phải hiểu rõ cách quản lý nhân lực và xây dựng nông trang hữu cơ cần nguồn dinh dưỡng của đất như thế nào? Chẳng hạn, cách làm phân ủ nóng là nguồn phân hữu cơ chính được sử dụng bón vào đất tạo môi trường cho các vi sinh vật hoạt động tốt, để phân hủy chất hữu cơ cho cây trồng sử dụng. Biết cách làm phân xanh, đậu tương, ốc bươu vàng, thân cây chuối, vỏ sò, hến, xương gà, cá, lợn… và phế thải nhà bếp được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng bổ sung cho cây khi cần. Làm như vậy đòi hỏi phải rất kỳ công, tốn nhiều chi phí nhân công, lại lâu nâng cao sản lượng so với dùng phân bón hóa học. Nhưng độ bền và phì nhiêu của đất thì rất lâu.
Theo Hải Luận/ Báo Biên Phòng
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã