Từ Bắc Kinh đến Sydney, từ Tokyo đến Singapore, nông nghiệp đô thị đang trở thành một phần không thể thiếu của cảnh quan đô thị, không chỉ ở châu Á mà trên toàn thế giới.
Giảng viên Chris Williams từ Đại học Melbourne cho rằng nông nghiệp đô thị là một hiện thực mới trên thế giới, khi hơn một nửa dân số toàn cầu hiện đã "thành thị hóa”. Theo số liệu của Liên hợp quốc, con số này được dự đoán sẽ tăng lên đến 70% vào giữa thế kỷ này.
Ở những thành phố như Manila, Bangkok và Jakarta, người dân trồng rau quả trên bất kỳ khoảnh đất nào họ tìm thấy để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, trong khi ở Tokyo đã xuất hiện mô hình “nông trại thẳng đứng” công nghệ cao được triển khai trên quy mô thương mại lớn.
Nông nghiệp đô thị đóng góp gần 1/3 sản lượng nông nghiệp của Nhật Bản, và nông dân đô thị chiếm đến 25% số hộ gia đình làm nông ở “đất nước hoa anh đào”, theo báo cáo của Đại học Liên hợp quốc ở Nhật Bản. Ở Tokyo, một trong những thành phố lớn và đông đúc nhất trên thế giới, hoạt động nông nghiệp sản xuất ra lượng rau quả đủ để cung cấp cho gần 700.000 cư dân thành phố.
Nhật Bản cũng là nước có nông trại trong nhà lớn nhất trên thế giới với diện tích 2.322 m2, và năng suất đạt 10.000 cây xà lách mỗi ngày, gấp 100 lần các phương pháp truyền thống. Trong khi đó, nông trại này tiêu tốn năng lượng và nước ít hơn lần lượt 40% và 99% so với các nông trại ngoài trời, theo WebUrbanist, một tạp chí trực tuyến chuyên về kiến trúc đô thị.
Các mô hình “nông trại thẳng đứng” tương tự cũng đang được phát triển ở Đặc khu hành chính Hong Kong, Nga và Trung Quốc đại lục. Các thành phố trên khắp Trung Quốc đã và đang khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị như một cách để đưa sản xuất thực phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu những tác động đối với môi trường.
Bắc Kinh là một trong những nhà tiên phong trong việc lồng ghép nông nghiệp đô thị vào các chiến lược phát triển của mình. Nhận thấy tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị đối với sự phát triển đô thị bền vững, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã hỗ trợ phát triển mô hình “công viên nông nghiệp” không chỉ sản xuất thực phẩm mà còn thu hút du khách, và đây cũng được coi là một "công cụ" giáo dục, theo Chinadialogue, một trang mạng chuyên về biến đổi khí hậu và môi trường.
Ở Singapore, nông nghiệp đô thị đã trở thành vấn đề an ninh lương thực, còn ở Thái Lan, nó lại được coi là một hình thức tiện lợi và kinh tế để góp phần cung cấp thực phẩm cho người nghèo. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết châu Á đang đô thị hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong 20 năm qua, và cung cấp thực phẩm cho dân cư thành thị sẽ là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà quy hoạch đô thị trong thế kỷ 21 này.
Bên cạnh đó, một thách thức không nhỏ nữa là giảm thiểu tác động của nông nghiệp đối với môi trường, khi việc tiêu thụ và sản xuất thực phẩm là “thủ phạm” thải ra 30% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và biến đổi khí hậu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng trở lại đối với an ninh lương thực.
Trong bối cảnh đó, các đô thị sẽ phải áp dụng một phương pháp lợi cả đôi đường, vừa đảm bảo dinh dưỡng lành mạnh cho con người, vừa không đe dọa tương lai của Trái đất.
Tác giả bài viết: Khánh Ly (Tổng hợp)
Nguồn tin: bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã