Phải nhìn nhận rằng, cây trồng biến đổi gen là thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại. Cây trồng biến đổi gen giúp bảo tồn tiềm năng năng suất cây trồng do khắc phục được việc tổn thất năng suất gây ra từ sâu hại, sâu bệnh hay điều kiện hạn hán…
Một trong những ưu việt khác của cây trồng biến đổi gen đó là việc giảm chi phí sản xuất đầu vào do tiết kiệm được chi phí cần dùng cho việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giúp gia tăng hiệu quả canh tác và thu nhập cho người nông dân.
Đừng dán nhãn “ngáo ộp” cho GMO
Theo GS Lê Đình Lương, Chủ tịch Hội di truyền học Việt Nam, cuộc tranh luận kịch liệt về sinh vật chuyển gen (GMO) tại châu Âu 22 năm trước có tầm ảnh hưởng nặng nề với Việt Nam. Cho đến nay, mặc dù diệc tích cây trồng biến đổi gen đã lên tới trên 175 triệu hec-ta và đã có mặt ở 29 quốc gia trên thế giới song với Việt Nam, cây trồng biến đổi gen vẫn là khá mới mẻ và còn gây nhiều tranh cãi.
“Cái lớn nhất chính là tâm lý xã hội, truyền thông về GMO đã tạo ra nỗi sợ hãi vô cớ. Nếu cứ nhìn sinh vật biến đổi gen như một quái vật dán nhãn thì nông dân biết làm gì?” – GS Lương nhấn mạnh.
PGS TS Nông Văn Hải, Cục trưởng cục biến đổi gen, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho rằng, ngay từ đầu việc nhìn nhận về cây trồng biến đổi gen chưa đầy đủ, thậm chí méo mó. “Đã có lần tôi nói rằng chúng ta đang coi GMO như ngáo ộp, mà đã là ngáo ộp lại dán mác lên thì ai dám dùng?”
Ông Hải cho rằng, thực tế chúng ta chỉ nên dùng là cây trồng sinh học đúng hơn là cây trồng biến đổi gen vì thực tế khoa học cho thấy chúng ta chỉ thay đổi 2-3 gen trong tổng số 2.000-3.000 tế bào gen nên khi dùng từ “biến đổi” dễ dẫn đến tâm lý lo ngại.
Chần chừ là chúng ta thua cuộc
Cây trồng biến đổi gen có thể là câu trả lời cho rất nhiều vấn đề nan giải mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp phải. Việt Nam đang phải nhập khẩu một lượng lớn ngô, đậu tương làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 “Việt Nam hướng tới sẽ đưa một số cây trồng biến đổi gen vào sản xuất năm 2015 và đến năm 2020 sẽ phát triển cây trồng biến đổi gen chiếm 30-50% diện tích”.
GS TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, vấn đề không phải là công nhận hay phản bác GMO mà điều quan trọng là bài toán kinh tế. Nếu người nông dân trồng ra không được thị trường đón nhận thì sản xuất đã thất bại. Hiện tại, cây trồng biến đổi gen ngay cả trên thế giới cũng chỉ mới áp dụng trên 4 loại cây trồng là ngô, đậu tương, bông, cải dầu. Ở Việt Nam, bước đầu là trên ngô để làm thức ăn chăn nuôi. Điều này hoàn toàn hợp lý vì giải được bài toàn nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi mà chúng ta chưa chủ động được.
Theo GS Vang, xu thế thế giới cho thấy diện tích cây trồng biến đổi gen đang tăng dần, tăng nhiều ở các nước đang phát triển. “Không ai cấm cây trồng biến đổi gen. Mà đã không cấm thì cũng không cần thiết phải công nhận. Tuy nhiên, cần ghi nhãn mác đầy đủ và tuân thủ đúng theo quy định về tỷ lệ của từng quốc gia” – GS Vang nhấn mạnh.
Gần 20 năm áp dụng cây trồng biến đổi gen trên thế giới được xem là những thử nghiệm, đánh giá và kết luận xác đáng để thuyết phục các nhà lãnh đạo đưa ra quyết sách đúng. Khi mà đại bộ phận công chúng còn mơ hồ, vai trò của truyền thông và sự mạnh dạn, dũng cảm của các nhà khoa học, nhà quản lý là vô cùng quan trọng nhằm thay đổi cách nghĩ, xua đi tâm lý lo ngại không cần thiết để áp dụng cái mới, đưa thành tựu khoa học vào sản xuất, tránh bị tụt hậu./.