Cần thay đổi để đáp ứng yêu cầu nguồn gỗ sạch
Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng nhất của Việt Nam, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt được từ thị trường này lên tới trên 2,5 tỉ USD, chiếm gần 40% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ tất cả các thị trường.
Tuy nhiên, TS. Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends) cho rằng, chỉ cần một thay đổi nhỏ ở các thị trường xuất khẩu chính cũng có thể gây ra những tác động đối với ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
Đơn cử như chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa của Chính phủ Hoa Kỳ và kế hoạch của chính phủ nhằm cân bằng thương mại giữa quốc gia này và các quốc gia khác, bao gồm cả với Trung Quốc có thể có những tác động đến ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Các biện pháp siết chặt kiểm soát hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng hóa từ Trung Quốc có thể làm cho việc xuất khẩu đồ gỗ của Trung Quốc vào Hoa Kỳ trở nên khó khăn hơn.
Theo ông Phúc, loại bỏ nguồn gỗ nguyên liệu rủi ro cao có nguồn gốc từ nhập khẩu, thay thế bởi các nguồn gỗ nguyên liệu “sạch” là nhu cầu cấp bách. Điều này không những nhằm đáp ứng với các yêu cầu hiện nay từ các thị trường xuất khẩu quan trọng truyền thống của Việt Nam mà còn góp phần chuẩn bị sẵn sàng cho ngành gỗ Việt Nam trong việc đáp ứng với các yêu cầu mới tại các thị trường.
Hoa Kỳ từ chối nhập hải sản không rõ nguồn gốc: Ngư dân thêm khó
Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản NK (SIMP) vào nước này. SIMP sẽ chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu hải sản Việt Nam chỉ còn hơn 2 tháng nữa để chuẩn bị, trong khi rất nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ những yêu cầu, quy định của chương trình này.
Theo bà Heather Brandon (Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Hoa Kỳ - NOAA), sẽ có 13 loài hải sản nhập khẩu được NOAA giám sát kể từ ngày 1/1/2018, gồm: cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ (cá ngừ đại dương, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây vàng), cá mú, cá nục heo (Mahi Mahi), cua hoàng đế, cua xanh Đại Tây Dương, tôm, bào ngư và cá tuyết Đại Tây Dương. Trong đó, 11 loài sẽ được giám sát ngay từ 1/1/2018, riêng 2 loài bào ngư và tôm sẽ giám sát sau một chút bởi cần thu thập thêm thông tin. Sau này, SIMP sẽ áp dụng với tất cả các hải sản NK vào Hoa Kỳ.
Có 2 loại thông tin truy xuất nguồn gốc mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Đó là thông tin thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo qua hệ thống điện tử vào thời điểm nhập khẩu thông qua hệ thống số liệu thương mại quốc tế. Đồng thời, hồ sơ lưu về chuỗi lưu giữ, các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm được đưa vào Hoa Kỳ phải được nhà nhập khẩu lưu giữ trong thời hạn 2 năm và cơ quan kiểm toán có thể yêu cầu trình xuất.
Như vậy, sau EU, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy - hải sản thứ hai trên thế giới áp dụng chương trình giám sát thủy - hải sản nhập khẩu, nhằm chống lại khai thác IUU.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, phân tích: Khác với quy định về chống IUU của EU, chương trình SIMP của Hoa Kỳ chỉ áp dụng đối với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các yêu cầu này vẫn phải xuất phát từ các nhà xuất khẩu, trong trường hợp có sự cố, chắc chắn sẽ tác động đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường này.
Đại diện NOAA cho rằng, các quy định của SIMP được thiết lập không phải là tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp hay ảnh hưởng đến hoạt động giao thương giữa Hoa Kỳ với các nước mà mục đích chính là chống đánh bắt thủy - hải sản bất hợp pháp và gian lận thương mại.
Bà Sắc cho rằng, hệ thống tàu thuyền khai thác thủy hải sản hiện nay ở Việt Nam chủ yếu có công suất nhỏ nên rất khó tập hợp, lấy thông tin cũng như báo cáo. Trong khi đó, thời gian để chuẩn bị đáp ứng của quy định của SIMP không nhiều. Do vậy, nhiều khả năng doanh số xuất khẩu hải sản của các doanh nghiệp vào thị trường Hoa Kỳ sẽ bị sụt giảm khi SIMP có hiệu lực.
Nhiều doanh nghiệp lo lắng, với khối lượng công việc rất lớn trong SIMP, liên đới từ tàu thuyền, nhà xưởng cho đến các cơ quan nhà nước thì việc chỉ còn hơn 2 tháng nữa để thực hiện sẽ gây nhiều áp lực cho họ. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp chỉ chế biến liên quan đến một loài thủy - hải sản thì không sao, nhưng trên thực tế có nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nhiều loài cùng lúc thì khi thực hiện sẽ rất khó khăn.
Bà Heather Brandon khuyến cáo các DN Việt Nam đang XK hải sản sang Hoa Kỳ cần thu thập những dữ liệu cần thiết ngay từ bây giờ và chuyển cho nhà NK Hoa Kỳ. Những dữ liệu bao gồm: Tên và cờ của tàu đánh cá; bằng chứng giấy tờ cho phép đánh cá (giấy phép); mã nhận dạng tàu duy nhất (nếu có); các loại ngư cụ được sử dụng; tên cơ sở nuôi hải sản. Nếu hải sản NK vào Hoa Kỳ không có đầy đủ những thông tin trên, sẽ bị từ chối thông quan. Thậm chí kể cả hàng đã được thông quan nhưng NOAA nghi ngờ có gian lận, cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Chú trọng an toàn thực phẩm
Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có nhiều quy định mới, do đó doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt để có thể tuân thủ những quy định mới này.
Theo quy định mới trong Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm, tất cả các nhà máy đăng ký phải gia hạn đăng ký sau mỗi hai năm, bắt đầu từ năm 2016, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 đến 31/12. Trong tháng 12/2016, có 1.845 nhà máy thực phẩm ở Việt Nam đăng ký với FDA để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, nhưng trong tháng 1/2017 con số này rớt xuống còn 806 nhà máy.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, giai đoạn năm 2016 - 2017 là thời gian quan trọng triển khai các chương trình hành động về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tổ chức sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm theo chuỗi liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và thị trường. Trong đó, tăng cường nâng cao thực thi pháp luật như Luật an toàn thực phẩm, Thú y và sắp tới là đối với ngành hàng thủy hải sản. Đồng thời, kết nối tuyên truyền các địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản an toàn đến người tiêu dùng.
Theo bà Ratih Puspitasari, Giám đốc Phụ trách Hợp tác Khoa học và Luật định của Cargill khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Việt Nam nên chú trọng đẩy mạnh những tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chất lượng thực phẩm, an toàn thực phẩm, giá trị dinh dưỡng và phát triển bển vững. Trong đó, cần có các chính sách rõ ràng để thúc đẩy an toàn thực phẩm, thực hành tốt về chăn nuôi, kiểm soát chặt điều kiện vệ sinh và môi trường chăn nuôi. Đồng thời, có các quy định nghiêm ngặt về sử dụng thuốc trong chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi theo tiêu chuẩn quốc tế, học hỏi phương pháp chăn nuôi từ những thị trường thành công.
Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã