Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) giá trị XK rau quả tháng 9.2018 của Việt Nam ước đạt 380 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng năm 2018 ước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 3 tại Hà Nội sáng 14.10, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng khẳng định: Trong 4 tháng đầu năm 2018, lần đầu tiên giá trị XK rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô. Dự báo năm 2018, XK nông lâm thủy sản của Việt Nam có nhiều triển vọng đạt khoảng 40 tỉ USD.
Chủ trì diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị nông sản Việt là khâu tiêu thụ. Hiện nay, Việt Nam đã có 10 mặt hàng nông sản XK đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 5 mặt hàng có giá trị trên 2 tỉ USD. Trái cây đã chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỉ USD trong năm nay.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam được mùa, sản lượng cao kỉ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá, điển hình là vụ vải thiều ở Bắc Giang, vụ nhãn ở Hưng Yên và Sơn La... Riêng vụ vải thiều của Bắc Giang vừa rồi đạt doanh thu kỷ lục 6.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 3.700 tỉ đồng thu trực tiếp từ quả vải, còn lại là các dịch vụ khác...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh những thông tin rất tích cực, “cần phải lý giải tại sao năng suất tự nhiên của chúng ta không thấp, thậm chí có những loại cao nhất thế giới, ví như lúa 8 tấn/ha, tôi đã đi xem những mô hình càphê tái canh 8 tấn/ha, càphê trồng mấy chục năm nay rồi canh tác tự nhiên cũng lên tới 3,5 tấn/ha.
Cá tra mấy trăm tấn/ha có lẽ là “cá nhiều hơn nước”; rồi nuôi tôm siêu thâm canh của tập đoàn Việt Úc ở Bạc Liêu mấy trăm tấn/ha/năm. Vậy tại sao năng suất lao động của chúng ta lại thấp? Tại sao 38% lao động nông nghiệp, 60% cư dân nông thôn mà đến thời điểm này chỉ đóng góp vào GDP có 15% thôi?”
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý, trong khâu phân phối lưu thông, thị trường ở đây không chỉ là thị trường trong nước, mà còn là “chợ thế giới, chợ toàn cầu”. Thị trường-chợ ở đây không chỉ có hơn 90 triệu dân Việt Nam mà còn cho 7 tỉ người trên thế giới”.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chúng ta đang tính toán để xây dựng những sàn giao dịch về nông sản, phát triển những thị trường giá cả tương lai để khắc phục bớt rủi ro cho người nông dân, để phân chia rủi ro và phân phối lợi ích đồng đều hơn giữa người sản xuất, người tiêu thụ và các trung gian của người phân phối…