Đi khắp Tây Nguyên, từ thủ phủ cà phê Đăk Lăk, đến Gia Lai, Lâm Đồng... vào thời điểm này, đâu đâu cũng thấy những vườn cà phê tái canh VnSAT xanh mơn mởn, đầy sức sống, mỗi nụ cười, ánh mắt, giọt mồ hôi của người dân đều toát lên niềm hi vọng trong cái nắng chói chang, khô cháy của tháng 5 Tây Nguyên.
Chị Đào Thị Thu Hồng ngụ thôn 14, xã Ea Ktur (huyện Cư Kun, Đăk Lăk) đang trốn cái nắng trong vườn cà phê 1,25 ha chia sẻ với chúng tôi: Năm 2015, khi vườn cà phê bước sang tuổi 20, chất lượng hạt kém dần, năng suất sụt giảm, nhiều cây già cỗi nhiễm bệnh và héo úa, chết dần.
Để vực dậy khu vườn từng nuôi sống gia đình, sau Tết Nguyên đán 2016, tôi bắt tay vào cắt bỏ cà phê rồi thực hiện các biện pháp làm sạch đất để chuẩn bị tái canh theo hướng dẫn của VnSAT.
Chị Hồng nhớ lại: “Hồi đó gia đình làm theo quy trình tái canh của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và dự án VnSAT nên mọi thứ khác hẳn so với cách làm truyền thống. Mọi công việc đều phải tỉ mỉ, khoa học với các quy định ngặt nghèo.
Sau khi chặt bỏ cây già cỗi, gia đình thuê máy múc hết gốc và cày xới toàn bộ đất vườn, phơi suốt gần nửa năm. Trong quá trình phơi đất, gia đình thuê máy cày, máy bừa xới đi, xới lại bề mặt vườn nhiều lần nữa và cào hết rễ cây cũ mang đốt.
“Cứ thế làm đi, làm lại nhiều lần. Đến đầu mùa mưa, khi đất vườn được cán bộ dự án xác định đạt tiêu chuẩn, gia đình nhận giống mới từ WASI về trồng. Cán bộ dự án liên tục theo dõi, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật nên cây phát triển mạnh, tỷ lệ chết rất ít. Đến nay lứa đầu tiên của đợt “trẻ hóa” cà phê đã bước sang năm thứ 4, phát triển mạnh và đã cho thu hoạch” - chị Hồng phấn khởi nói.
Ở thôn Tân Thành, xã Hòa An (huyện Krông Păk, Đăk Lăk), gia đình ông Trần Hữu Lê cũng đang vui mừng khi vườn cà phê được tái sinh một cách hiệu quả. Sau 4 năm, những gốc cà thấp bé với 5-6 cặp lá ngày nào giờ đã lớn phổng, tỏa tán rậm rạp che kín gần hết bề mặt vườn.
Cành cà phê dài gần 1,5m, cong vút như cần câu. Cây nào cũng to và cao gần quá đầu người. Các cành trên cây cứ đều đều từ 15-16 mắt lá với chi chít quả non. Ông Lê bảo, năm nay thời tiết thuận lợi thì vườn sẽ cho thu hoạch cao.
Còn ở cao nguyên Lâm Đồng, gia đình ông Sỳ Mộc Seng (dân tộc Hoa) ngụ xã Liên Đầm, huyện Di Linh cũng khoe với chúng tôi vườn cà phê tái canh tươi tốt đầy hứa hẹn.
Ông Seng cho hay: Sau mấy chục năm khai thác, năm 2018 vườn bước vào giai đoạn suy thoái, già cỗi, năng suất kém nên quyết định đăng ký tham gia dự án VnSAT của tỉnh Lâm Đồng và được chấp thuận.
Dự án VnSAT đã hướng dẫn quy trình chặt chẽ, khoa học, từ chặt bỏ cây già cỗi, đến cách xới đất, lọc rễ cũ, cải tạo… một cách bài bản, công phu. Sau nửa năm cải tạo vườn, cán bộ dự án tổ chức kiểm tra mẫu đất và khi vườn đảm bảo tiêu chí sạch nấm bệnh thì việc xuống giống mới được tiến hành.
Ông Sỳ Mộc Seng cho biết: Toàn bộ giống cây trên vườn là loại chất lượng cao, chịu hạn tốt, được VnSAT hỗ trợ chi phí 100%.
Ngoài ra, các chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cũng được VnSAT hỗ trợ. Sự hỗ trợ ban đầu của VnSAT rất có ý nghĩa, điều kiện ban đầu để bà con tái canh cà phê thành công và giờ đây đã thu trái ngọt.
Dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê tái canh, ông Sỳ Mộc Seng ngụ xã Liên Đầm (huyện Di Linh, Lâm Đồng) khẳng định: Từ sự hỗ trợ của dự án VnSAT, đến nay, vườn cà phê 1ha của gia đình đã bước sang năm thứ 3 và cây bắt đầu cho thu bói. Cà phê cao gần 2m, tán rộng, lá dày và hoa bói có tỷ lệ đậu quả cao. Ngoài ra, gia đình cũng thực hiện trồng xen các loại cây trồng khác như sầu riêng, bơ và mắc ca để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm thu nhập...
Ông Trần Hữu Lê ở thôn Tân Thành, xã Hòa An (huyện Krông Păk, Đăk Lăk) thì vui mừng cho biết: Đến nay, vườn cà phê tái canh của gia đình đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch chính. Vụ năm 2019 vừa qua, cây cho thu hoạch trên 1 tấn nhân. Trung bình, mỗi cây cho thu từ 2-3kg nhân. Có những cây cho thu bói lên đến 5kg nhân. Năm nay, nếu thời tiết thuận lợi, cây phát triển mạnh thì gia đình sẽ có nguồn thu đáng kể.
Còn chị Đào Thị Thu Hồng thôn 14, xã Ea Ktur (huyện Cư Kun, Đăk Lăk) cho hay: Sau lứa cà phê tái canh đầu tiên phát triển mạnh, năm 2018, rồi 2019, chị tiếp tục tái canh thêm 5 sào. Quy trình tái canh mới đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Cây có sức, kháng bệnh cao, phát triển mạnh.
Để khẳng định điều đó, chị Hồng chỉ tay về rẫy cà nhấp nhô cây thấp, cây cao của một hộ dân trong vùng và nói: “Chỗ đấy họ cũng tái canh cùng lúc với gia đình tôi nhưng làm theo kiểu cũ. Họ đào gốc cây cũ lên, xử lý đất qua loa rồi đặt giống mới xuống nên cây chết nhiều lắm.
Cứ lâu lâu họ lại mua giống mới về trồng dặm vào gốc cây chết. Dù đã năm thứ 4 nhưng cây vẫn lưa thưa, kém hiệu quả. Mô hình tái canh mới do VnSAT hỗ trợ dù tốn thời gian, công sức ban đầu nhưng sau này cây khỏe mạnh, nhanh được thu hoạch”.
Lứa tái canh đầu tiên ở 6 sào vườn của gia đình chị Hồng bước sang năm thứ 3 cho thu 8 tạ nhân. Đến năm thứ 4 thì cho thu về 1,2 tấn nhân. Trong khi đó, lứa cây tái canh năm 2018 cũng vừa cho thu bói vụ vừa rồi với 3 tạ nhân.
Bà Đinh Thị Tiếu Oanh, Trưởng Bộ môn cây công nghiệp, WASI cho biết: Mô hình tái canh cà phê vối được WASI phối hợp với Ban Quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk thực hiện từ nhiều năm trước và đã đạt được kết quả khả quan. Hiện nay, cà phê của những mô hình này phát triển mạnh và ít bị sâu, dịch bệnh hơn so với quy trình tái canh truyền thống.
“Nếu tỷ lệ cây chết ở mô hình truyền thống đến 30-40% thì việc tái canh này đã giảm được tỷ lệ cây chết xuống dưới 10%. Từ việc áp dụng nhiều biện pháp về khoa học, kỹ thuật tái canh, giống cây lẫn quy trình chăm sóc… nên các vườn cây phát triển mạnh, tăng năng suất cây trồng. Nhờ quy trình tái canh này, mà thời gian được rút ngắn, giúp nông dân sớm thu hồi vốn sớm và hướng đến phát triển bền vững”, bà Đinh Thị Tiếu Oanh khẳng định.
“Sắp tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý dự án VnSAT và các đơn vị liên quan để kiểm chứng lại một lần nữa sự phát triển của quy trình tái canh cà phê mới. Đồng thời củng cố tài liệu, bổ sung thông tin để giúp người dân nhận thức sâu hơn về quy trình.
Đây là vấn đề quan trọng nên các cơ quan liên quan cũng cần có cái nhìn tổng quát và hướng đến thực hiện tái canh để phát triển bền vững, hướng đến vườn cây cho khai thác trong thời gian trên 20 năm”, bà Định Thị Tiếu Oanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk cho biết: Dự án đã hỗ trợ người dân thực hiện tái canh hàng trăm ha và đạt hiệu quả cao, đến năm thứ 2 cho thu bói, sang năm thứ 3 thì thu hoạch chính.
Vừa qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh Đăk Lăk, chương trình tái canh được đẩy mạnh. Trong đó, nhiều ngân hàng đã có chương trình hỗ trợ 850 hộ dân vay vốn để tái canh tổng diện tích 1.500ha. Trung bình, mỗi ha, nông dân được hỗ trợ vay vốn khoảng 250 triệu đồng. Như vậy, có thể thấy,thời gian tới, từ những mô hình tái canh cà phê của VnSAT sẽ được nhân rộng ra nhiều nơi tại Đăk Lăk.
Thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng tái canh cây cà phê vối bền vững tại tỉnh Kon Tum đã cho kết quả tích cực: Trên 85% diện tích cây cà phê đạt các chỉ tiêu sinh trưởng vượt trội, năng suất quả tươi trung bình đạt 15,83 kg/cây.
Cùng với đó, các biện pháp kỹ thuật tổng hợp áp dụng để thực hiện tái canh đã được triển khai có hiệu quả. Các giống cà phê cho năng suất cao như: TRS1, TR4, TR9, TR11, TR13… đã được triển khai ứng dụng trong tái canh cà phê.
MINH HẬU – KIM SƠ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã