Trên diện tích 3 ha đất vườn đồi, trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Hiến, ở thôn Tân Phúc Thành 2 chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp, hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Năm 2015 thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình ông đã tiến hành cải tạo vườn tạp và đưa các loại cây ăn quả có múi về trồng như: cam Cao Phong, cam Chanh, Bưởi Phúc Trạch,.... Đặc biệt, 500 gốc bưởi Phúc Trạch được trồng bây giờ đã cho thu hoạch năm thứ 2, cây vẫn phát triển rất tốt, quả đều, đẹp, vị ngọt thơm không thua kém gì so với bưởi Phúc Trạch chính gốc. Ông Hiến vui mừng khoe: “Năm nay được mùa cả bưởi và cam. Riêng vụ này, bưởi Phúc Trạch được bao nhiêu thương lái đến tận vườn mua bấy nhiêu mà không có mà bán. Nhẩm tính sơ sơ, bán hết số cam bưởi này sẽ cho thu về gần 100 triệu đồng”.
Vườn Bưởi Phúc Trạch năm nay của gia đình chị Hương được mùa
Cũng là hộ dân trong thôn, trên diện tích 15 sào của gia đình chị Hoàng Thị Hương trước đây thứ thì bỏ hoang cỏ dại mọc, một phần chị cũng trồng mấy loại cây công nghiệp ngắn ngày nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Từ khi được chính quyền địa phương vận động cải tạo, phá bỏ vườn tạp và sự được hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật chị đã đưa cây bưởi Phúc Trạch về trồng. Vườn bưởi của gia đình chị đã cho thu hoạch sang năm thứ 3, mỗi năm ước tính thu về 50 triệu đồng. Riêng năm nay gia đình đã chăm sóc vườn theo đúng hướng dẫn, thực hiện đầy đủ các quy trình kĩ thuật như làm cỏ, vun gốc, tỉa cành, tạo tán, bón phân đầy đủ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, đặc biệt nhờ áp dụng biện pháp thụ phấn bổ sung, nên tỷ lệ đậu quả cao gấp 2 lần so với năm trước. Trung bình mỗi gốc bưởi Phúc Trạch bình thường cho từ 40 - 45 quả loại đẹp, mỗi quả có giá giao động từ 20 - 25 nghìn đồng tùy vào kích thước và độ bắt mắt của quả bưởi. Chị Hương nhẩm tính, mùa bưởi năm nay, gia đình đã có thu nhập gần vài trăm triệu đồng.
Còn với gia đình ông Nguyễn Đình Lục, thôn Trung Tiến, xã Kỳ Thượng, những ngày này các thành viên đều hết sức phấn khởi khi thành quả của họ được đơm hoa, kết trái. Gắn bó với nghề trồng bưởi đã nhhiều năm nay, gia đình ông đã trồng hơn 200 gốc Bưởi phúc Trạch trên diện tích 1ha. Nhờ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của các cấp chính quyền, đặc biệt là Hội Nông dân xã Kỳ Thượng trong vay vốn, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, gia đình ông đã cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả. Ngoài trồng bưởi Phúc Trạch, ông còn đem vào trồng mới các giống cây ăn quả có múi cho năng suất, chất lượng cao, đáp ứng thị trường .
Kỳ Thượng là xã miền núi, vùng bán sơn địa của huyện Kỳ Anh, có diện tích tự nhiên 13.000 ha. Với một quỹ đất dồi dào, xã Kỳ Thượng có điều kiện để phát triển các loại cây ăn quả. Để đưa các loại cây có múi trở thành cây chủ lực, trong những năm gần đây, xã Kỳ Thượng đang triển khai đề án phát triển các loại cây ăn quả có múi như cây bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh và cam chanh nhằm tạo thành vùng hàng hóa tập trung của địa phương. Xã đã vận động nhân dân phá bỏ vườn tạp, chuyển đổi các loại cây trồng, mở rộng diện tích trồng các loại cây ăn quả, góp phần nâng cao thu nhập và thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để phát triển cây bưởi Phúc Trạch cũng như các loại cây ăn quả có múi theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, chính quyền xã Kỳ Thượng đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, động viên người dân tham gia. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới tiêu đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật. Những năm qua, xã Kỳ Thượng đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng kinh tế hàng hóa. Trong đó, cây bưởi Phúc Trạch, bưởi da xanh, cam cao phong là một trong những loại cây trồng có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống. Đến nay, xã Kỳ Thượng đã có trên 200 hộ trồng các loại cây có múi với tổng diện tích 75 ha. Bình quân mỗi hộ trồng từ 300 - 500 gốc, chủ yếu tập trung ở các hộ có vườn đồi vùng cao.
Với hiệu quả kinh tế bước đầu mang lại, cho thấy, cây bưởi Phúc Trạch thích nghi tốt trên xã vùng thượng Kỳ Anh, mở hướng lựa chọn mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hiệu quả sản xuất cũng đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất gắn với thị trường, thực hiện quy trình chăm bón theo đúng quy trình hướng dẫn. Việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả quy mô cũng đã góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất cho các hộ dân trên địa bàn xã Kỳ Thượng./.
Nguyễn Hoàn/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã