Học tập đạo đức HCM

Các nội dung về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới theo Nghị định 145 /NĐ-CP

Thứ năm - 24/12/2020 09:22
Ngày 14/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị đinh số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: https://kiemsat.vn/)
Ảnh minh họa (nguồn ảnh: https://kiemsat.vn/)

Nghị định gồm 11 chương, 115 điều, 5 phụ lục, có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành nhiều nội dung của Bộ luật Lao động 2019, đó là quản lý lao động, hợp đồng lao động, cho thuê lại lao động, đối thoại tại nơi làm việc, tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, lao động nữ và vấn đề bình đẳng giới, những quy định riêng đối với giúp việc gia đình, giải quyết tranh chấp lao động.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 145/2020/NĐ-CP là các nội dung về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, được quy định tại chương IX với 4 mục, 14 điều (từ điều 74 đến điều 87).

Các quy định về bảo đảm bình đẳng giới và các quy định riêng đối với lao động nữ

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ; ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với lao động nữ trong trường hợp hợp đồng lao động hết hạn; đồng thời, thực hiện các chế độ, chính sách đối với lao động nữ tốt hơn so với quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm tăng cường phúc lợi và cải thiện điều kiện làm việc như có đủ buồng tắm, vệ sinh phù hợp theo quy định của Bộ Ytế, khuyến khích phối hợp với tổ chức đại diện cho người lao động lập kế hoạch, có giải pháp để lao động có việc làm thường xuyên, thời gian biểu linh hoạt, không làm trọn thời gian, giao việc tại nhà, nâng cao tay nghề, lao động nữ được đào tạo thêm các nghề dự phòng phù hợp với đặc điểm cơ thể, sinh lý, chức năng làm mẹ (Điều 79).

Nghị định cũng nêu rõ  khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện cho lao động nữ đang mang thai được nghỉ đi khám thai nhiều hơn quy định tại Điều 32 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

Lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động, số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.

Nghỉ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ để vắt, trữ sữa mẹ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng quy định về tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động như sau: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí dành quỹ đất xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động trong kế hoạch sử dụng đất của địa phương; xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người lao động…

Nhà trẻ, lớp mẫu giáo dân lập, tư thục ở nơi có nhiều lao động được hưởng các chính sách áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp quy định tại Điều 5 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP về chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Đặc biệt, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Nhà nước có chính sách hỗ trợ khi người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác bảo đảm các điều kiện theo quy định thì được hưởng các ưu đãi theo quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường. Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động thì được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Luật Nhà ở. Trường hợp đầu tư, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo thì được miễn hoặc giảm tiền thuê cơ sở vật chất.

Ngoài ra, người sử dụng lao động được Nhà nước hỗ trợ thêm như sau: Người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc quy định tại Nghị định số 145/2020/NĐ-CP được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Bộ Tài chính.

Các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục nơi làm việc

Nghị định số 145/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể khái niệm phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc, nội dung của quy định phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động cũng như người lao động trong phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc.

Điều 84 của Nghị định đã  quy định những hành vi bị coi là quấy rối tình dục nơi làm việc như sau: Quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc, như: các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Các quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới

Trách nhiệm tổ chức thực hiện chính sách đối với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới được quy định tại Mục 4, điều 87 của Nghị định theo đó giao trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ cho  Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên thực hiện giám sát các quy định trên trong phạm vi quyền hạn.

                       

Ban Chính sách – Luật pháp,TW Hội LHPN Việt Nam/Trang chủ - Cổng Thông Tin Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (hoilhpn.org.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm88
  • Hôm nay17,802
  • Tháng hiện tại1,093,642
  • Tổng lượt truy cập91,157,035
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây