Trong tổng thể bức trang chung, quá trình thực hiện bật lên rõ nét vai trò của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An. Đơn vị đã làm tốt công tác tham mưu, truyền tải hiệu quả tinh thần của Luật Thú y, Thông tư số 04/2016/TT - BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về phòng chống dịch bệnh động vật thuỷ sản và các văn bản chỉ đạo khác của Trung ương, của tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT, ngày 15/5/2020 UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 2957/UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành thực hiện nghiêm các nội dung trọng tâm.
Chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt, đây là những yếu tố then chốt giúp ngành nghề thủy sản Nghệ An đạt được những kết quả khả quan.
Muốn phát huy tối đa hiệu quả, đòi hỏi phải “cầm tay chỉ việc”, giữa lý thuyết và thực hành phải đảm bảo song đôi.
Trên thực tế, Chi cục đã tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ Thú y huyện, cán bộ phụ trách thủy sản cấp xã về các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, phương pháp điều tra ổ dịch, thu thập thông tin, phương pháp lấy mẫu, báo cáo dịch bệnh theo hệ thống, các biện pháp phòng, chống dịch…
đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện bố trí cán bộ thường xuyên xuống cơ sở, khâu nối với UBND các xã có diện tích nuôi tôm để triển khai rốt ráo biện pháp phòng chống dịch.
Đối với các ao nuôi có tôm chết bất thường đã chủ động lập biên bản hiện trạng đầm nuôi, yêu cầu các hộ không được làm thất thoát nguồn nước ra ngoài. Song song với đó phải rải vôi xung quanh bờ để hạn chế ký chủ trung gian phát tán mầm bệnh.
Ngay khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, Cơ quan thú y đã phối hợp với phòng NN-PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thành, thị, UBND cấp xã có ao nuôi bị bệnh hướng dẫn xử lý ổ dịch bằng cách sử dụng Chlorine 65-70% nồng độ 30ppm, hoặc vôi khối với số lượng 5-7 tấn/ha, sau 7-10 ngày mới tháo nước ra ngoài.
Đến thời điểm này, Chi cục đã cấp 23.900 kg hóa chất Chlorine 65% cho huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Diễn Châu và thị xã Hoàng Mai để xử lý ao nuôi bị bệnh Đốm trắng và Hoại tử gan tụy cấp tính.
Ghi nhận thực tế, từ đầu năm 2020 dịch bệnh trên tôm đã xuất hiện tại tại 222 đầm thuộc 4 huyện, thị, gồm thị xã Hoàng Mai, các huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và Diễn Châu.
Cơ quan chuyên môn xác định mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, trong kênh cấp và kênh thoát nước; công tác khử trùng khu vực xung quanh ao nuôi chưa được chú trọng; động vật trung gian di chuyển đã truyền bệnh từ ao này sang ao khác; một số chủ hộ không tích cực khai báo, lấy mẫu xét nghiệm bệnh mà tự ý xử lý, không có sự hướng dẫn, giám sát của chính quyền địa phương và cán bộ thú y.
Về nguyên nhân khách quan, thời tiết chuyển mùa, nắng, mưa thất thường cũng là yếu tố quan then chốt khiến tôm nuôi bị sốc, mẫn cảm và bùng phát bệnh.
Dù vậy, đánh giá một cách tổng quan thì tính chất và quy mô dịch bệnh trên tôm năm 2020 tại Nghệ An cơ bản trong tầm kiểm soát. Các ổ dịch nhìn chung được phát hiện, lấy mẫu kịp thời và xử lý nhanh gọn trong diện hẹp. Tôm tại các vùng nuôi duy trì tốc độ sinh trưởng ổn định.
Trao đổi với NNVN, ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: “Hiện nay trình độ kỹ thuật của người nuôi đã được nâng cao, nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học, đầu tư nuôi tôm công nghệ siêu thâm canh hai giai đoạn trong lồng nổi và nhà kín, nhờ đó mang lại kết quả vượt trội.
Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là trong bối cảnh thời tiết đang diễn tiến rất phức tạp, khó lường. Nắng nóng cao điểm đã duy trì liên tục trong thời gian dài, chưa kể những ngày tới có thể xen kẽ những đợt mưa giống, nhiều khả năng môi trường sẽ có sự thay đổi đột ngột, nếu không chủ động công tác ứng phó thì con tôm dễ bị sốc và bùng phát bệnh”.
Dự kiến cuối năm 2020 giá trị sản lượng thủy sản của tỉnh Nghệ An chiếm khoảng 16,14% tổng giá trị của ngành, con số này thấp hơn mức bình quân cả nước. Dù vậy xét tổng quan thì dư địa phát triển ngành thủy sản của địa phương, gồm cả nước mặn, lợ và nước ngọt rất lớn.
Hiện diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 1.438 ha (cả 2 vụ đạt 2.274 ha), sản lượng đạt trên dưới 8.000 tấn/ năm, quy đổi giá trị sản xuất khoảng 730 tỷ đồng. Cần biết con tôm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực Quốc gia, với việc Nghệ An có định hướng phát triển rõ ràng chắc chắn hiệu quả trong tương lai sẽ tăng lên nhiều.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam nhấn mạnh, việc Sở NN-PTNT đưa con tôm vào danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực là hoàn toàn đúng đắn, vừa đảm bảo nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường nội địa và quốc tế, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh nhà và định hướng phát triển chung của Bộ NN-PTNT:
“Muốn phát triển bền vững ngành này nhất định phải tập trung vào công tác nuôi trồng là chính, phải chú trọng nâng cấp vùng nuôi và con giống. Hiện nay Nghệ An có nhiều mô hình nuôi tốt, điển hình như nuôi trên bể tròn nổi của ông Nguyễn Việt Thắng tại xã Diễn Trung (Diễn Châu)”.
Việt Khánh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã