Hơn 100 năm trước, người Pháp đưa cây cà phê đến trồng trên vùng đất đỏ bazan Khe Sanh. Cho đến nay, dù trải qua bao thăng trầm, cây cà phê vẫn là nguồn sống cho biết bao nông dân nơi vùng đất biên cương này.
Bên quán cà phê ngay tượng đài Chiến thắng Khe Sanh, chúng tôi vừa nhâm nhi vừa ngắm thị trấn Khe Sanh mờ trong sương ấm những ngày cuối hạ. Nghe chúng tôi hỏi về cây cà phê, Trần Hải, chủ quán, cũng là một doanh nhân khá thành công với cây cà phê đã nói như cởi lòng.
Hải bảo, cà phê không phải là loại cây trồng dành cho những người làm chơi, ăn thật. Bởi, nếu dù anh có điều kiện tài chính, cơ sở vật chất... để đầu tư nhưng không quan tâm đúng mức, không tâm huyết với cây hoặc còn có mục đích khác, thì sẽ cầm chắc thất bại. Với cây cà phê, đặc biệt là giống Arabica này thì không thể chấp nhận cách làm kiểu “vui thú điền viên” hay “cưỡi ngựa xem hoa”. "Phải để mồ hôi thấm đượm những hạt cà phê, phải dành tâm huyết vào nó thì mới có cơ may thành công được", Hải chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về cây cà phê Khe Sanh, Hải say sưa nói về loại cây trồng này như một “giảng viên” thực thụ. Hải nói, cà phê Arabica là loại cây trồng rất khó tính, chỉ cần thiếu phân bón là hậu quả sẽ rõ ngay vào dịp thu hoạch. Để cà phê cho năng suất cao, cần rất nhiều công đoạn. Riêng bón phân đã là một quy trình tỉ mỉ từ: bón phân cho cây non, bón cho cây trưởng thành sắp ra quả rồi cả khi cà phê vào giai đoạn cuối kỳ ra quả để quả chắc, chín đều, cho màu sắc đẹp...
Ngoài ra, việc chăm sóc cà phê trong mùa mưa, phòng các loại bệnh, rồi trồng xen canh cây trồng khác để che bớt nắng gắt cũng rất quan trọng. Nếu có tâm huyết bỏ vốn đầu tư quy mô lớn, lâu dài cho cà phê ngoài nắm chắc các kỹ thuật chăm sóc cần tìm hiểu kỹ về yếu tố con người, tập quán, tâm tư nguyện vọng và nhận thức của nguồn nhân lực tham gia...
Rời quán cà phê của Hải, theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi đến xã Hướng Phùng. Đây là vùng trồng cà phê Arabica ở huyện Hướng Hóa mới hình thành cách đây khoảng 20 năm.
Nông dân Nguyễn Thái Quế, ở bản Mã Lai – Pun, người gắn bó với cây cà phê từ ngày ở miền xuôi lên xã Hướng Phùng lập nghiệp, chia sẻ: “Chi phí cho mỗi héc-ta cà phê cần 30 triệu đồng tiền phân bón, công chăm sóc, tỉa cành, phun thuốc. Công hái mất thêm 25 - 30 triệu đồng nữa. Nếu năng suất đạt 13 -15 tấn/ha và bán với giá 7.000 đồng/kg cà phê như năm 2017 (thời điểm giá cà phê cao), lợi nhuận thu về chỉ hơn 30 triệu đồng/ha, sau khi đã trừ mọi chi phí".
Tính toán là vậy, tuy nhiên trong ánh mắt của người nông dân này vẫn hằn lên nhiều nỗi niềm lo lắng. Theo Quế, trong bối cảnh nhiều loại cây trồng đang phải đối mặt với giai đoạn khó khăn, với cây cà phê cũng vậy. Như niên vụ cà phê vừa rồi, với giá bán chỉ xấp xỉ 4.500 đồng/kg, trong khi chi phí đầu vào như phân bón, công hái không giảm nên không riêng gì anh, mà nhiều nông dân trồng cà phê khác ở huyện Hướng Hóa này cầm chắc thua lỗ trong tay. Nhiều nông dân khác đã bắt đầu tính chuyện chặt bỏ, chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Dẫu biết rằng có nhiều sự cố gắng của nhiều người tâm huyết, song cây cà phê Khe Sanh đang mang trong mình "nốt trầm" giữa bối cảnh khó khăn chung của nhiều loại nông sản và đang chờ đợi ngày được tháo gỡ để vươn lên.
Trước đây, chất lượng cà phê Khe Sanh là điều khiến không ít người trăn trở. Đã có thời điểm, vì nhiều lý do, chất lượng cà phê từ vùng Khe Sanh bị đánh giá thấp, dẫn đến thương hiệu cà phê Khe Sanh bị ảnh hưởng. Đơn cử, do trong quá trình canh tác, chăm sóc thiếu vai trò “nhạc trưởng” quản lý, giám sát nên nông dân đã không bón phân cho cà phê đúng tiêu chuẩn, định lượng. Khi thu hoạch thì mạnh ai nấy làm, khiến tình trạng thu hoạch không đảm bảo tỷ lệ quả chín, trộn tạp chất để tăng trọng lượng…
Từ thực tế trên, với sự hỗ trợ từ Viện Mê Kông, Hội Cà phê Khe Sanh đã ra đời với 27 thành viên tham gia đầy đủ với nhiều thành phần như: Các nhà máy, cơ sở kinh doanh, chế biến cà phê, nhóm trưởng nhóm nông dân các thôn, bản, các hộ nông dân trồng cà phê trên địa bàn…
Ngay sau khi thành lập, hội đã kết hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan ban hành quy chế thu hái cà phê với tiêu chuẩn như: Tỷ lệ quả chín phải từ 95%, không ngâm nước, không được trộn tạp chất, giúp người dân thay đổi tập quán thu hái, để nâng cao giá bán, giảm chi phí trong quá trình chế biến cho các doanh nghiệp.
Ông Hồ Văn Kài, Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh cho biết: Hội ra đời là cơ hội tốt để thực hiện hiệu quả các hoạt động trong chuỗi giá trị cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế. Về lâu dài, sẽ nâng cao nhận thức và hành động vì lợi ích của các hội viên và cộng đồng, hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn để cùng nhau phát triển thị trường cà phê.
“Hội cà phê Khe Sanh ra đời sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án góp phần giúp nông dân và doanh nghiệp tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời là tiền đề để xây dựng thương hiệu uy tín và bền vững cho cây cà phê Khe Sanh trên thị trường quốc tế”, ông Kài nhấn mạnh.
Để xây dựng thành công thương hiệu cà phê, thì cả nông dân và doanh nghiệp đều phải có ý thức được chất lượng sản phẩm. Bởi hơn ai hết, những người làm cà phê đều hiểu rằng, muốn nâng cao giá trị cà phê, trước hết phải bắt đầu từ chất lượng sản phẩm. Ông Hồ Vương, Giám đốc Công ty TNHH Vương Thái, một trong những doanh nghiệp cà phê hàng đầu ở huyện Hướng Hóa nói rằng: Muốn nâng cao chất lượng, giá bán cho cà phê, tiến tới xây dựng thương hiệu bền vững cho cây cà phê Khe Sanh thì ngoài khâu trồng, chăm sóc phải đảm bảo yêu cầu khoa học kỹ thuật, quá trình thu hái và bảo quản, chế biến cũng có vị trí hết sức quan trọng.
Theo vị chủ doanh nghiệp này, để cà phê Khe Sanh khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới, cần có sự cộng đồng trách nhiệm của cả nông dân lẫn doanh nghiệp, đồng thời xây dựng mối liên kết “4 nhà” một cách chặt chẽ, thực chất. Trong đó, điều cần làm ngay là doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mối liên kết với nông dân để hình thành vùng nguyên liệu sạch, bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Trong câu chuyện giữa chúng tôi với nhiều nông dân trồng cà phê đã từng tiếp xúc, dù vẫn còn nhiều trăn trở, băn khoăn với loại cây trồng này, nhưng từ nói và ánh mắt của họ vẫn ánh lên niềm hi vọng về con đường sáng cho thương hiệu cà phê Khe Sanh. Rồi một ngày không xa nữa, cà phê Khe Sanh sẽ có mặt trên nhữn kệ hàng trong các siêu thị nơi trời Âu, Mỹ!
Toàn huyện Hướng Hóa hiện có khoảng 5.000 ha cà phê (chủ yếu là cà phê Arabica). Để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định thương hiệu cà phê Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị đang triển khai đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê tại 10 xã trồng cà phê chủ lực của huyện Hướng Hóa, .
Theo đó, giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tái canh, trồng mới khoảng 1.900 ha để thay thế diện tích cà phê già cỗi. Bình quân mỗi năm tái canh 200 ha, phấn đấu đến năm 2020 đưa năng suất cà phê Arabica đạt bình quân 14 - 16 tấn quả tươi/ha, đưa sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 9.000 -10.000 tấn nhân/năm.
CÔNG ĐIỀN/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã