DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH HẠI
Để chủ động trong công tác phòng trừ các đối tượng dịch hại cây trồng vụ Hè Thu 2021, Chi cục Trồng trọt vào Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh dự báo thời điểm phát sinh gây hại một số đối tượng dịch hại chủ yếu như sau:
1.Trên cây lúa:
- Bọ trĩ:Thời tiết nắng nóng đầu vụ tạo điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại, cao điểm gây hại giai đoạn lúa từ 2-3 lá đến kết thúc đẻ nhánh nhất là trên các chân ruộng thiếu nước, gieo cấy muộn.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Dự báo trong vụ Hè Thu sâu cuốn lá phát sinh gây hại 3 lứa, cụ thể: Lứa 1 phát sinh gây hại giai đoạn đẻ nhánh (20-30/6), lứa 2 có khả năng phát sinh gây hại trên diện rộng, giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng (20-30/7), giai đoạn này lúa bước vào thời kỳ cuối của giai đoạn làm đòng, nếu không phòng trừ kịp thời, sâu phá hại bộ lá công năng làm ảnh hưởng đến năng suất lúa, lứa 3 gây hại cục bộ trên các trà muộn.
- Rầy nâu, rầy lưng trắng : Dự báo rầy phát sinh gây hại 3 lứa, cụ thể: Rầy lứa 1 xuất hiện và tích lũy số lượng, mật độ thấp, diện phân bố hẹp vào giai đoạn đẻ nhánh (20-30/6); rầy lứa 2 phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa làm đòng (15-30/7), có khả năng xuất hiện với mật độ cao ở dạng ổ, thời điểm này cần khoanh vùng, xử lý kịp thời để hạn chế rầy phát tán lây lan; rầy lứa 3 phát sinh gây hại vào giai đoạn trổ bông - chín (5/8-10/9), dự báo đây là lứa rầy có diện phân bố rộng, mật độ rầy cao có thể gây cháy làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa Hè thu nếu không chủ động phòng trừ kịp thời.
- Nhện gié:Những năm gần đây diễn biến của nhện gié khá phức tạp , dự báo trong vụ Hè Thu nhện gié xuất hiện sớm từ thời điểm lúa phân hóa đòng và sẽ tích lũy số lượng, gây hại đến cuối vụ nhất là trên các giống ADI168, KD18, KDĐB, HT1,…
- Bệnh lùn sọc đen Phương Nam, bệnh vàng lá di động: Vụ Hè Thu 2020, bệnh vàng lá di động phát sinh gây hại trên giống KD18, XM12 tại Cẩm Quan, Cẩn Sơn, Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên), là nguồn chuyển tiếp có khả năng phát sinh gây hại trên lúa Hè Thu 2021. Để có giải pháp phòng chống bệnh kịp thời, cần thu mẫu rầy lưng trắng (môi giới truyền bệnh lùn sọc đen Phương Nam), rầy xanh đuôi đen (môi giới truyền bệnh vàng lá di động), mẫu lúa ngay từ đầu vụ tiến hành giám định xác định nguồn vi để chủ động phương án tổ chức phòng trừ kịp thời.
- Bệnh khô vằn:Vụ Hè Thu thời tiết nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa rào là điều kiện thuận lợi cho bệnh khô vằn phát sinh gây hại, nhất là trên chân ruộng gieo cấy dày, bón thừa đạm, cao điểm gây hại từ giai đoạn đứng cái làm đòng đền cuối vụ.
- Bệnh bạc lá: Những năm gần đây, bệnh bạc lá có xu hướng phát sinh gây hại mạnh, bệnh phát sinh gây hại vào giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng trở đi, đặc biệt sau những đợt mưa lớn, bộ lá bị tổn thương tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây hại, các giống nhiễm như: KD18, Bắc Hương 9, Thái Xuyên 111, Nhị Ưu 838,…
- Chuột: Vụ Hè Thu, chuột phát sinh gây hại mạnh vào giai đoạn đầu vụ và giai đoạn đứng cái - làm đòng, nhất là trên những chân ruộng cao cưỡng gần gò đồi, ven làng. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất để tổ chức diệt chuột hạn chế nguồn tích lũy ngay từ đầu vụ, đồng thời công tác diệt chuột phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp mới có hiệu quả.
2. Trên cây trồng cạn
2.1. Cây đậu: Các đối tượng sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá, rệp có khả năng phát sinh gây hại từ giai đoạn cây con; nhện đỏ, sâu đục quả phát sinh gây hại từ giai đoạn phát triển quả đến cuối vụ.
2.2. Cây ngô: Sâu keo mùa thu phát sinh gây hại ngay từ đầu vụ, cao điểm gây hại giai đoạn 3-9 lá; bệnh khô vằn, sâu đục thân gây hại giai đoạn 7- 9 lá đến cuối vụ, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu bệnh để có giải pháp phòng trừ kịp thời và hiệu quả.
3. Trên cây ăn quả:
- Sâu đục thân, đục cành: Từ tháng 5 đến tháng 6 trưởng thành (xén tóc) đẻ trứng tại các nách lá ngọn cành tăm, sâu non đục phá từ cành nhỏ đến cành lớn và cả thân cây, thời gian phát dục của sâu non 8-9 tháng, cần phát hiện sớm cây bị hại để xử lý kịp thời, đặc biệt thời điểm trưởng thành vũ hóa (từ tháng 4 đến tháng 5) thu bắt trưởng thành để hạn chế phát sinh gây hại của sâu đục thân, đục cành.
- Ruồi đục quả: Xuất hiện và gây hại từ lúc quả còn nhỏ đến khi thu hoạch, gây hại mạnh nhất giai đoạn quả già đến chín. Khi bị ruồi đục quả có thể làm cho quả cong queo, dị dạng, thối rụng hàng loạt. Một số biện pháp phòng trừ ruồi đục quả như: Thường xuyên theo dõi diễn biến của trưởng thành để đặt bẫy diệt trừ (bẫy chua ngọt, bẫy dính,…); sử dụng biện pháp bao quả; thu hoạch sớm,…
- Nhóm nhện: Nhện phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, nhện gây hại làm rụng quả non, giai đoạn quả lớn nhện tích lũy mật độ cao gây hiện tượng rám quả ảnh hưởng đến mẫu mã, chất lượng, khi hại nặng có thể làm rụng quả./.
TRỊNH THỊ GIANG/http://sonongnghiep.hatinh.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã