Vải thiều Hải Dương lên sàn thương mại điện tử Lazada từ ngày 14/5/2021. Tính đến nay, hơn 3 tấn vải được tiêu thụ, chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đại diện sàn thương mại điện tử này, vải chủ yếu được bán là vải đầu mùa, có giá trị cao.
Sau Lazada, vải thiều Hải Dương tiếp tục chinh phục sàn thương mại điện tử Sendo vào ngày 24/5. Sau một ngày, vải bán được hơn 6 tấn, với giá khoảng 18.000 đồng/kg và dự báo có thể lên tới 12 tấn trong ít ngày nữa.
Dự kiến trong tháng 5 này, những vải thiều Bắc Giang sẽ tiếp sóng, lên kệ hàng online của một số sàn trong nước và quốc tế như Alibaba, Amazon. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thúc đẩy bán trực tuyến trên một số trang web như: dacsanlucngan.vn, hay vaithieubacgiang.vn.
"Đưa vải thiều nói riêng và nông sản nói chung lên sàn thương mại điện tử cần nỗ lực từ nhiều bên. Đây là chương trình được thí điểm từ năm 2020. Do dịch Covid-19, quá trình được triển khai nhanh và mạnh mẽ hơn", ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết.
Theo ông Chiến, bán nông sản qua sàn thương mại điện tử sẽ vấp phải 3 khó khăn. Đầu tiên là vấn đề cung ứng. Quả vải từ vườn đến tay người tiêu dùng phải qua một loạt bên trung gian như thương lái thu mua, nhà vận chuyển, rồi sàn thương mại điện tử. Để quả vải giữ được độ tươi ngon như khi mới thu hái đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt.
Thứ hai là cam kết chất lượng. Thói quen tiêu dùng của người Việt Nam lâu nay là mua trực tiếp, nhằm kiểm tra thực tế nông sản. Nếu mua online qua các sàn thương mại điện tử, người mua cần sự kiểm định của cơ quan chức năng, cam kết của các đơn vị trong chuỗi cung ứng, cũng như từ chính các hợp tác xã, người nông dân.
Tuy nhiên, rào cản khó nhất là kiến thức của nông dân về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. "Từng tiếp xúc với nông dân, tôi biết nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc tự mở gian hàng điện tử. Nếu bán bằng phương pháp này, họ sẽ mất thời gian nghiên cứu, cập nhật kiến thức sao cho hấp dẫn người mua. Khi ấy, chính quyền địa phương cần có những chính sách khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, tiêu thụ nông sản", ông Chiến phân tích.
Hồi tháng 3/2021, Cục Xúc tiến thương mại từng hợp tác với một số sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương như su hào, bắp cải, cà rốt... trong thời kỳ tỉnh này bị cách ly do dịch Covid-19. Từ kinh nghiệm ấy, cộng thêm việc đưa vải thiều lên sàn vừa qua, Cục nhận thấy các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và người dân đều chưa có khả năng xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm làm ra.
"Nếu cung vượt cầu, bà con nông dân cần đa dạng hóa thị trường đầu ra. Từ cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, đến cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất đều phải tìm hiểu kỹ thị trường. Muốn bán được hàng online, người bán phải xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, đóng gói trong bao bì đẹp để có điều chỉnh kịp thời", Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Hoàng Minh Chiến đề xuất.
Khâu nghiên cứu thị trường, theo ông Chiến, rất quan trọng. Ông lấy ví dụ với quả vải, thị trường Nga ưa chuộng vị ngọt đậm, nhưng người Pháp thích vị ngọt thanh, còn Nhật Bản lại tìm mua những quả vải có vị hơi chua.
Sàn thương mại điện tử chỉ là một trong số những kênh bán hàng của nông sản Việt, bên cạnh xuất khẩu. Ông Chiến tin rằng nếu thành thục "số hóa" và áp dụng "công nghệ 4.0" trong sân chơi online, nông sản Việt sẽ thuận lợi hơn khi ra thế giới.
"Bộ Công thương đã giao nhiều đơn vị liên quan, nhất là những nơi trực tiếp tham dự các Hiệp định thương mại tự do, ra bộ quy chuẩn hướng dẫn người dân hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, số lượng nghiên cứu và làm theo hướng dẫn này còn hạn chế. Đa phần bà con chưa tự nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu thị trường xuất khẩu. Bởi nếu muốn, chúng ta phải tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất, quy trình hữu cơ", ông Chiến bày tỏ.
Trước mắt, để bảo đảm hệ thống logistics đáp ứng yêu cầu kinh doanh của nông dân trên sàn thương mại điện tử, Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng làm nhiệm vụ kết nối giữa hai bên. Thêm vào đó, Cục sẽ hỗ trợ bà con nông dân việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm, đồng thời đào tạo, hướng dẫn để người dân làm chủ công nghệ. Cục hy vọng, đây sẽ là kênh phân phối bền vững cho các nông sản địa phương.
Sau vải thiều, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đưa thêm những nông sản có tính mùa vụ như xoài Yên Châu, mận Mộc Châu (Sơn La), vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, thanh long Bình Thuận... lên sàn thương mại điện tử.
Bảo Thắng
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã