Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời điểm dịch Covid - 19 bắt đầu bùng phát, người dân không còn tụ tập ăn uống thì giá gà đã bắt đầu đi xuống. Đến khi lệnh cách ly toàn xã hội được áp dụng thì sức tiêu thụ gà hầu như “đứng sững”, theo đó giá gà cũng tuột mạnh, gà ta thả vườn có lúc xuống dưới 40.000đ/kg.
Ông Mai Văn Rõ, chủ trang trại gà ta thả đồi quy mô 30.000 con ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân), nhớ lại: “Trong thời gian dịch Covid – 19 hoành hành, trong trang trại của tôi còn đến cả chục ngàn con gà ta đã đến tuổi xuất bán, nhưng khi ấy thị trường gần như đã “đóng băng”, không tiêu thụ được. Cũng may tôi nuôi gà số lượng lớn nên có nhiều bạn hàng, lúc ấy tôi chỉ biết trông chờ vào những bạn hàng chuyên mua gà về mổ, cung cấp nhỏ lẻ đến tay người tiêu dùng. Nhờ lực lượng ấy mà mỗi ngày tôi bán được 1 – 2 tạ gà, cả tháng qua dần dà đàn gà của tôi cũng tiêu thụ hết, nhưng giá rất rẻ, chỉ hơn 40.000đ/kg, có lúc xuống dưới 40.000đ/kg nhưng vẫn phải bán. Bây giờ thì giá gà ta thả vườn đã tăng khá, lên trên 55.000đ/kg”.
Anh Lê Xuân Bút ở xã Ân Đức (huyện Hoài Ân) trước đây chăn nuôi heo là chính, anh chỉ nuôi 1.000 con gà ta thả rông trong vườn nhà. Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành, ngành chức năng ở địa phương ngăn chặn những hộ chăn nuôi không an toàn sinh học tái đàn heo, anh Bút chuyển sang nuôi gà.
Thế là đàn gà của anh Bút tăng mạnh từ 1.000 con lên 4.000 con đủ mọi lứa tuổi. Đến khi anh có được 1.000 con đến lúc xuất chuồng thì dịch Covid – 19 ập đến, thị trường tiêu thụ "đóng băng", 1.000 con gà của anh không bán được nên bị cầm chuồng gần cả tháng, mới bán được cách đây 20 ngày với giá 50.000đ/kg nhưng vẫn bị lỗ.
“Trong thời gian cách ly xã hội xe cộ không lưu thông được nên gà cũng không tiêu thụ được. Gà mới được thương lái thu mua trở lại khoảng 20 ngày nay, sức mua tăng dần, khoảng 10 ngày nay thì tiêu thụ mạnh. Gà nuôi đến 3 tháng rưỡi thì hết tăng trọng, nếu không bán được thì chúng vẫn phải ăn. Bình quân 1.000 con gà mỗi ngày ăn 4 bao cám, nếu gà đến tuổi xuất bán mà bị cầm chuồng thì người nuôi lỗ khoản chi phí thức ăn tăng thêm đó”, anh Bút chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Trung ở xã Ân Phong (huyện Hoài Ân) nuôi trong chuồng 6.000 con gà ta, hiện giá gà ta đã tăng đến 55.000đ – 57.000đ/kg, sức tiêu thụ thì có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, đàn gà trên địa bàn huyện hiện đã giảm mạnh. Bởi khi dịch tả lợn châu Phi đã yên ổn, giá heo lại đang cao ngất ngưởng, chính quyền địa phương thì đang đẩy mạnh tái đàn heo nên người chăn nuôi tập trung hết vào con heo, dự báo trong thời gian tới gà sẽ khan hiếm.
“Khi mọi hoạt động của xã hội hoàn toàn khôi phục thì sức tiêu thụ gà thì còn tăng mạnh hơn nữa, đến khi ấy giá gà có thể tăng đến 65.000đ/kg”, anh Trung dự đoán.
Chị Nguyễn Thị Kim Thư ở phường Bình Định (TX An Nhơn), thương lái chuyên thu mua gà vườn cung ứng cho thị trường tiêu thụ các tỉnh Tây Nguyên, cho biết: “Hiện người tiêu dùng ở Tây Nguyên đã tiêu thụ thịt gà mạnh trở lại, do đó mỗi ngày tôi xuất bán được khoảng 1.000 con gà, giá cũng tăng dần”, chị Thư cho hay.
“Thị trường tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm đang dần ấm trở lại, tỉnh đang có chủ trương đẩy mạnh tái đàn heo và gà. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo cho ngành chức năng trong thời gian tới phải khẩn trương triển khai dự án nuôi gà gò đồi ở các huyện Hoài Ân, An Lão và Vĩnh Thạnh, những địa phương miền núi có nhiều diện tích gò đồi, phù hợp với điều kiện nuôi gà ta chăn thả”, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.
Vũ Đình Thung/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã