Nhằm tạo sinh kế cho người dân, vụ hè thu năm 2021, được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai mô hình “Sản xuất đậu xanh thương phẩm” tại 2 xã Lộc Yên và Hương Xuân (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh). Đây là mô hình thuộc dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây trồng trên đất bị bồi lấp sau bão lũ, tạo sinh kế cho người dân”.
Mô hình sử dụng giống đậu xanh APN208, là một giống đậu cao sản có chất lượng tốt, năng suất khá, khả năng chống đổ tốt, ít sâu bệnh gây hại.
Tại xã Lộc Yên có 60 hộ tham gia với 10 ha và xã Hương Xuân có 20 hộ tham gia với 5 ha. Để triển khai mô hình đạt hiệu quả, tiêu chí lựa chọn là vùng đất bãi bồi ven sông được bồi lấp hàng năm bởi các đợt lũ lụt nhằm cải thiện sinh kế cho người dân được đặt lên hàng đầu. Trong quá trình thực hiện, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với cán bộ cơ sở ở địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân từng địa phương tham gia mô hình, bám sát chỉ đạo các hộ làm đất, lên luống, bón phân, gieo trỉa đúng mật độ, đảm bảo quy trình kỹ thuật.
Qua đánh giá kết quả của mô hình cho thấy, giống đậu xanh APN208 phù hợp với các địa bàn triển khai, thời gian sinh trưởng phù hợp và năng suất đạt khá. Nếu tính toán chi phí đầu tư trồng đậu xanh cho 1 sào khoảng 420.000 đồng với mức đầu tư như nhau thì đậu cao sản ước đạt năng suất 62 – 63 kg/sào, đậu địa phương chỉ đạt từ 55 – 60 kg/sào. Với giá bán từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg thì đậu cao sản trồng theo mô hình sẽ mang lại nguồn thu cao hơn từ 150.000 đến 250.000 đồng mỗi sào so với đậu truyền thống của địa phương.
Vùng đất ven bờ sông Ngàn Sâu thuộc địa phận xã Lộc Yên và sông Tiêm thuộc địa phận xã Hương Xuân (huyện Hương Khê) sau mỗi trận lũ đi qua lại có thêm lượng dinh dưỡng từ phù sa bồi đắp. Nhiều năm nay, người dân nơi đây đã biết tận dụng lợi thế đó để phát triển các loại cây màu như: ngô, đậu, lạc,... nhằm tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, so với sản xuất cây màu vụ xuân thì vụ hè thu khó khăn hơn gấp bội bởi cái nắng dai dẳng kéo dài trên vùng đất “chảo lửa” bao đời nay, đến khi người dân chưa kịp trở tay thì mưa lũ lại tràn về. Không ít lần cơn lũ đã cuốn trôi của cải, hoa màu của bà con, vì thế mùa được, mùa mất, làm người dân không thể mặn mà để tiếp tục.
Bà Lê Thị Hạnh, thôn Hưng Bình, xã Lộc Yên, (huyện Hương Khê , Hà Tĩnh) là một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, trước đây cứ đến vụ Hè thu là phải bỏ hoang đất hoặc trồng cây ngô, cây sắn,... Hiệu quả kinh tế không cao lại tốn công chăm sóc. Khi tham gia mô hình đậu xanh cao sản, hiệu quả thu được cao hơn nhiều. Cây đậu xanh cao sản đặc biệt thích nghi và phát triển tốt với đồng đất địa phương, khả năng chịu hạn cao, ít bị nhiễm sâu bệnh, ít vốn đầu tư và công chăm sóc, thời gian gieo trồng ngắn nhưng tỷ lệ đậu quả rất cao, quả chín tập trung. Khi so sánh với giống đậu truyền thống thì quả đậu giống mới này to, dài hơn từ 2-3cm, hạt to gấp 1,4-1,5 lần, năng suất cao hơn.
Ông Phan Văn Hường – Phó chủ tịch UBND xã Hương Xuân cho biết: “Xã Hương Xuân chạy dọc theo dòng sông Tiêm nên các triền đất bị ngập lũ và bồi đắp sau lũ có diện tích lớn. Việc phát triển sản xuất của bà con vẫn còn theo truyền thống, sử dụng các giống năng suất thấp, ít đầu tư thâm canh. Vì vậy, việc đưa các giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các khoa học kỹ thuật mới là rất cần thiết. Năm nay, giống đậu xanh APN208 được đưa vào sản xuất trên địa bàn xã, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, quá trình sinh trưởng và phát triển của đậu xanh từ khi xuống giống đến lúc thu hoạch cây chịu hạn tốt, tỷ lệ cây sống cao, thời gian sinh trưởng trung bình, quả chín tập trung, cho năng suất cao và thích ứng tốt với vùng đất này. Đây chính là tiền đề để chính quyền cũng như người dân nơi đây có cơ sở nhân rộng phát triển sản xuất, tạo sinh kế trong những năm tới”.
Với những thành công mà mô hình đạt được, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp với 2 xã Lộc Yên và Hương Xuân tổ chức hội thảo đầu bờ với sự tham gia của các hộ dân tham gia mô hình và các xã lân cận để nhằm tuyên truyền, nhân rộng kết quả ra các địa phương khác, dần thay đổi tư duy tập quán canh tác sản xuất, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con trong sản xuất đậu, tạo sinh kế lâu dài cho các hộ dân./.
Nguyễn Hoàn/http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã