Đoàn viên thanh niên xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn thu gom rác thải tại các sông, suối trên địa bàn xã
Cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, các nghị quyết, chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 07/12/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, Quyết định số 11/2018/QĐ-UBND, ngày 11/4/1018 của Ủy ban nhân dân tỉnh “về ban hành quy định bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”. Nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được chú trọng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2020 cơ quan chức năng các cấp đã tổ chức 581 cuộc thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua kiểm tra, làm việc đã xử phạt hàng trăm đơn vị với số tiền hơn gần 1,5 tỷ đồng; đã kiểm tra 263 cơ sở chăn nuôi tập trung, xử phạt vi phạm hành chính đối với 27 cơ sở, xử phạt và đình chỉ hoạt động chăn nuôi đối với 25 cơ sở để hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải. Các dự án lớn, đặc biệt là dự án Formosa được giám sát chặt chẽ, hoàn thành việc kết nối hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm soát, giám sát…
Tuy vậy, nhận thức về bảo vệ môi trường của nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tự giác tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhiều địa bàn xảy ra ô nhiễm môi trường đất, nước do gia tăng các phương tiện giao thông, sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong sản xuất nông nghiệp. Xử lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại tại một số bệnh viện, cơ sở y tế chưa đúng quy định. Mới có 01/06 khu công nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, 05/18 cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Hầu hết các làng nghề đang nằm trong khu dân cư, phân bố rải rác, chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. Số lượng các lò mổ đạt yêu cầu vệ sinh trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng trên 30%. Lượng rác thải nhựa, rác khó phân hủy phát sinh ngày càng lớn do thói quen sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần, thải ra môi trường nhưng chưa được phân loại, xử lý. Nước thải sinh hoạt tại các đô thị, khu dân cư chưa được xử lý, xả thẳng ra sông, suối, hồ, ao, kênh, mương gây ô nhiễm nguồn nước. Công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay còn lạc hậu; xã hội hóa dịch vụ môi trường còn chậm, gặp nhiều khó khăn.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần phải quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các văn bản hướng dẫn thi hành và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng xã hội về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, nhất là trách nhiệm của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh; vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thân thiện với môi trường, giảm thiểu rác thải sinh hoạt, chủ động phân loại rác thải tại nguồn. Tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng môi trường, đa dạng sinh học, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường; lồng ghép các yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường vào các kế hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển của từng ngành, địa phương. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện “Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, trong đó chú trọng phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại các địa bàn nông thôn. Cùng với việc xem xét tăng chi ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường, cần có các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài về lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là xử lý nước thải, chất thải rắn... và các dự án phát triển kinh tế - xã hội thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học ký thuật, công nghệ sạch nhằm phòng ngừa ô nhiễm tại nguồn trong các hoạt động sản xuất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Thị Như Ngọc (Văn phòng Tỉnh ủy)/https://hatinh.dcs.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã