Hương Sơn có gần 85000 ha rừng, nhưng chỉ có 22 cán bộ kể cả cán bộ hợp đồng. Với lực lượng kiểm lâm khá mỏng như vậy nên trước đây, mỗi lần tuần tra kiểm soát phòng cháy, chữa cháy rừng ít nhất cũng cần phải 3-5 cán bộ và mất khá nhiều thời gian di chuyển, do địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn thì nay, với hệ thống camera giám sát thì chỉ cần một cán bộ là có thể quan sát, phát hiện được cháy rừng với khoảng cách vài km.
“Chính việc sử dụng camera này giúp anh em cán bộ chiến sĩ giảm thiểu được công sức, phát hiện được sớm, rõ nếu có những điểm phát lửa xảy ra”, Ông Nguyễn Văn Thành – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải cùng đoàn kiểm tra hệ thống camera giám sát PCCCR tại Hương Sơn
Tại huyện Nghi Xuân, là địa bàn thường xuyên xảy ra những đợt cháy rừng khá nghiêm trọng. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bước vào mùa nắng nóng này, Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân việc phòng chống cháy rừng, tạo các đường băng cản lửa, thành lập các đội trực gác để phát hiện sớm lửa rừng. Theo đó, lực lượng kiểm lâm tại đây tăng cường các đợt tuần tra, giám sát chặt chẽ tình trạng xử lý thực bì cũng như đốt bờ ruộng gần rừng và đặc biệt các hộ dân sống ven rừng trước đây có tập quán đốt rác trong vườn gây nguy hiểm tới rừng.
Đối với xã Thiên Lộc là xã miền núi thuộc phía Bắc huyện Can Lộc, có diện tích rừng lớn với gần 1.500 ha, địa hình đồi núi cheo leo. Vào mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 9 chịu ảnh hưởng rất lớn bởi gió Lào, khí hậu khô hanh khắc nghiệt, nhiệt độ trên dưới 40oC. Đây là điều kiện rất dễ dẫn tới bùng phát cháy rừng. Ngoài ra trên địa bàn còn có khu du lịch tâm linh chùa Hương Tích, mỗi năm đón hàng vạn du khách thập phương về vãn cảnh chùa, cũng là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Để chủ động phòng chống, ngoài việc phổ biến giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh, thì trước tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, thay vì tập trung tuyên truyền tại hội trường, các kiểm lâm viên đã trực tiếp đến tận từng gia đình sống gần rừng để tuyên truyền và hướng dẫn người dân trong việc phòng chống cháy rừng như: không sử dụng lửa để khai thác mật ong và đốt phụ phẩm nông nghiệp, đốt rác tại những nơi giáp ranh với rừng,.... Đồng thời ký kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng; tiến hành kiểm tra khoanh vùng đối với những khu vực trọng điểm, có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng; tổ chức lực lượng tuần tra canh gác thường xuyên để kịp thời phát hiện lửa sớm, không để cháy lan khi có các đám cháy xảy ra.
Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp khá lớn, trên 360.000 ha trải khắp trên 13 huyện, thị xã, thành phố (chiếm trên 60% diện tích tự nhiên), trong đó có trên 120.000 ha rừng dễ cháy. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ cháy rừng gây thiệt hại trên 300 ha rừng. Nhưng đến năm 2020, số vụ cháy rừng giảm xuống còn 07 vụ, làm thiệt hại 59 ha rừng. Có được kết quả này là do Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác phòng chống cháy rừng.
Ông Hoàng Quốc Huấn cho biết: “Trước thực tế hàng năm thường xảy ra tình trạng cháy rừng, chúng tôi đã có những kinh nghiệm trong phòng chống cháy rừng để mang lại hiệu quả cao nhất. Ngay từ đầu, chúng tôi đã có sự chỉ đạo sát sao đến từng địa phương trong công tác PCCCR, ví dụ như: Các hộ dân có rừng liền kề nhau thì thành lập ra một tổ để cùng nhau trực gác lửa rừng và khi có cháy xảy ra thì có ngay lực lượng kịp thời để chữa cháy ngay, không để đám cháy lan rộng sẽ khó dập tắt. Bên cạnh đó, việc đưa camera giám sát vào sử dụng, chúng tôi đã ưu tiên trên 04 địa bàn trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao (huyện Kỳ Anh, huyện Can Lộc, huyện Hương Sơn, huyện Nghi Xuân) nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cho các Hạt Kiểm lâm đóng tại các địa phương để nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng có thể xảy ra”.
Bước vào mùa nắng nóng, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức cao, các chủ rừng và nguời dân cần có biện pháp giáp sát chặt chẽ, thường xuyên nhằm ngăn chặn cháy rừng. Với sự vào cuộc khẩn trương của cả hệ thống chính trị và ý thức người dân được nâng cao cùng với những kinh nghiệm trong công tác PCCCR những năm qua, hi vọng mùa nắng nóng năm nay, những cánh rừng sẽ được bình yên./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã