Học tập đạo đức HCM

Hải Dương: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ

Thứ năm - 10/06/2021 09:32
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi quan trọng để hướng tới sự phát triển bền vững nhằm thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Kết quả đạt được

Trong những năm qua, Hải Dương đã và đang triển khai, thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và đạt được một số kết quả nhất định trong từng lĩnh vực.

* Lĩnh vực trồng trọt:

- Hiện, toàn tỉnh có khoảng 28 ha nhà màng, nhà lưới kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động sản xuất dưa lưới, rau ăn lá, hoa. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, giá trị sản xuất đạt khoảng 1-3 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau thông thường), lợi nhuận trung bình đạt 550 triệu đồng/ha/năm. Đã có một số diện tích có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động từ xa.

- Toàn tỉnh có khoảng 540 ha rau màu chuyên canh ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế 10-30% và tiết kiệm khoảng 55% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Diện tích thủy canh không dùng đất 0,5 ha, chủ yếu là các loại rau xà lách, cải…

- Diện tích cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch trong sản xuất lúa đạt 11.500 ha, chiếm 10% diện tích gieo cấy; rau (khoai tây) 100 ha. Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất giúp giải quyết vấn đề thiếu lao động, nâng cao năng suất lao động lên 30-40 lần so với thủ công, giảm giống, giảm chi phí lao động và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất cây trồng 10-20%, tăng hiệu quả kinh tế 20-30%.

- Diện tích ứng dụng giống lúa, rau màu năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh tốt (sử dụng công nghệ sinh học phân tử trong lai tạo,..,), sử dụng phân bón Nano, chế phẩm vi sinh vật đối kháng,... khoảng 5.000ha.

- Toàn tỉnh hiện có trên 15.500 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, trên 5.000 ha rau được sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu; có 1.500 ha rau, trái cây được cấp chứng nhận theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm sản xuất theo quy trình GAP đã phát huy hiệu quả vượt cả về năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm có chất lượng cao, đủ điều kiện để xuất khẩu sang các nước “khó tính” Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc như: vải, cà rốt, cải bắp...

- Sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng 421,7ha, chủ yếu là vùng sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích khai thác sản phẩm rươi, cáy tự nhiên với diện tích 403,7 ha (tập trung tại các vùng rươi cáy Tứ Kỳ 238,2ha, Thanh Hà 109,96 ha, Kinh Môn 39,36 ha, Kim Thành 16,2 ha). Sản xuất rau, lúa hữu cơ vùng chuyên canh 6 ha (cây rau khoảng 5 ha, trên lúa 01 ha), cây dược liệu 12 ha (cây hạt Chia 10 ha, Thiên môn đông 1 ha, Kim ngân hoa 1 ha,…)  mới bắt đầu ở dạng mô hình, đề tài khoa học.


Hải Dương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

 

* Lĩnh vực chăn nuôi:

Toàn tỉnh có 802 trang trại chăn nuôi, trong đó có 650 cơ sở (80%) đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chăn nuôi khép kín tự động, bán tự động, có hệ thống làm mát tự động, điệm lót sinh học, nuôi an toàn sinh học,...), 122 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP và chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

* Lĩnh vực thủy sản:

Diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha (chiếm khoảng 20% tổng diện tích). Theo đó, ứng dụng công nghệ thâm canh cao, bán tự động (“ao nổi”, vùng sản xuất tập trung, “sông trong ao”) cho năng suất cao gấp 2-3 lần so nuôi thường; số lồng cá nuôi trên sông thâm canh cao khoảng 7.000 lồng, năng suất vượt trội 1 lồng bằng 1 ha nuôi truyền thống. Một số diện tích có hệ thống quan trắc, cho ăn, điều chỉnh tự động kết nối điện thoại thông minh. Diện tích nuôi cá được chứng nhận VietGAP 171 ha. Sản xuất thủy sản hữu cơ hiện nay chủ yếu là các vùng rươi cáy không sử dụng phân bón, thuốc BVTV vô cơ.

Các vùng này dự kiến có thể mở rộng nâng tổng diện tích rươi cáy lên trên 730 ha năm 2025, gần 900 ha vào năm 2030; các vùng này ven sông lớn, cảnh đẹp nên có tiềm năng để phát triển thành các khu du lịch sinh thái nông nghiệp xanh cho giá trị kinh tế cao, tạo thương hiệu khác biệt riêng có cho tỉnh, phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Định hướng

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hải Dương tiếp tục thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất an toàn (theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, theo tiêu chuẩn quốc tế,…) đạt 30% diện tích. Trong đó: Diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, hoa: 100ha, diện tích tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đạt 30% diện tích, diện tích cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, rau: 25.000ha, diện tích được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên rau, lúa, trái cây: 3.200 ha, diện tích ứng dụng giống lúa, rau màu năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh tốt (sử dụng công nghệ sinh học phân tử trong lai tạo,..), sử dụng phân bón Nano, phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh vật đối kháng, thuốc BVTV sinh học...: 10.000ha; công nhận ít nhất 8 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 20 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh theo quy định; có 30-40% diện tích lúa, 60-70% diện tích rau màu, 40-50% diện tích cây ăn quả được bón phân hữu cơ; có 1.500 - 2.000 ha trồng trọt sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Có trên 95% trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGHAP là 300 cơ sở. Xây dựng 3 vùng sản xuất rươi cáy, lúa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái tại 3 vùng sản xuất rươi lớn An Thanh- Tứ Kỳ, Vĩnh Lập - Thanh Hà và Minh Tân- Kinh Môn.

Giải pháp

- Giải pháp về quy hoạch: Tổ chức thực hiện quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp nhất là những diện tích đất nông nghiệp cho năng suất, chất lượng cao để cập nhật vào Quy hoạch tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với những diện tích lúa cần phải bảo vệ nghiêm ngặt cần phải được quản lý bằng bản đồ số (GPS). Xác định, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở những địa phương có lợi thế.

- Giải pháp về đất đai: Thực hiện tốt chính sách bảo vệ đất trồng lúa và hỗ trợ cho người trồng lúa; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người nông dân khi bị nhà nước thu hồi đất; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi, đời sống của nông dân khi cho doanh nghiệp thuê đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; ban hành chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, đặc biệt là những diện tích đất để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như: thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất nông nghiệp; thủ tục về chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê đất; thủ tục về giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; thủ tục góp giá trị quyền sử dụng đất để hình thành cổ phần, cổ đông của doanh nghiệp...

Giải pháp kỹ thuật và khoa học công nghệ: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới trên các ngành, lĩnh vực nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tập trung các lĩnh vực có khả năng tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng thích ứng cao điều kiện sinh thái các vùng, điều kiện biến đổi khí hậu; trước hết là giống cây, con, giống thủy sản; các quy trình canh tác tiên tiến, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; chế biến thực phẩm giá trị gia tăng cao và tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; xử lý chất thải; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý, điều hành ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Củng cố, tăng cường năng lực hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở.

Hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ và sản xuất kinh doanh. Tập trung đổi mới phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đổi mới phương thức, cách thức xây dựng các mô hình, nhất là mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Giải pháp về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp: Thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách hỗ trợ, như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Phát triển hình thức liên kết công - tư, khuyến khích xã hội hóa tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giống công nghệ, trang thiết bị sản xuất, chế biến nông sản. Việc đầu tư các dự án hạ tầng sản xuất cần tập trung, tránh dàn trải, đồng thời cần đầu tư đồng đều giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

- Giải pháp về bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm: Tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, công tác thông tin, dự báo thị trường và dần trở thành một kênh quan trọng trong định hướng cho việc tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm chủ lực. Chủ động theo dõi diễn biến thị trường nhằm định hướng phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp, chủ động tránh các tranh chấp thương mại. Nghiên cứu xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp.

- Giải pháp về vốn: Tăng cường tranh thủ các nguồn kinh phí Trung ương đồng thời ưu tiên vốn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án của ngành nông nghiệp trên cơ sở đúng mục đích, có hiệu quả. Tăng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm cho ngành nông nghiệp để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ: chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, xây dựng và nhân rộng các mô hình mới có hiệu quả; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng trong ngành nông nghiệp nhất là đề tài, dự án nghiên cứu lai tạo, chọn tạo giống cây, con năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu; bảo quản, chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Giải pháp về nhân lực: Có kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn theo định hướng tái cơ cấu ngành. Triển khai rà soát, đánh giá nguồn lực cán bộ khoa học kỹ thuật, trong đó quan tâm đến nguồn nhân lực chuyên sâu của các lĩnh vực mũi nhọn, quan trọng nhất là lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Hoàn thiện và đổi mới nội dung, giáo trình giảng dạy, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội và nhu cầu của doanh nghiệp, gắn lý luận với thực tiễn, chú ý rèn luyện tay nghề, kỹ năng, tăng cường đào tạo kiến thức quản lý kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường; hiện đại hóa phương pháp giảng dạy, tăng cường tính chủ động của người học trên tinh thần học đi đôi với hành.

- Giải pháp về bảo vệ môi trường: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc BVTV trong danh mục cho phép và thu gom, xử lý bao bì đúng cách sau khi sử dụng. Xây dựng nhiều mô hình trình diễn về sử dụng thuốc BVTV góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm, rạ, phụ phẩm ngay tại ruộng đồng để trả lại lượng mùn, chất hữu cơ cho đất.

Thực hiện đánh giá hiện trạng, tác động của ô nhiễm môi trường đối với phát triển kinh tế - xã hội và có biện pháp xử lý các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm. Đầu tư, khuyến khích xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học như: nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học; khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ khí sinh học biogas, tăng cường công tác quản lý thức ăn, hóa chất, thuốc kháng sinh, chế phẩm sinh học sử dụng trong chăn  nuôi.

- Giải pháp về cơ chế chính sách: Trên cơ sở hệ thống chính sách đã được ban hành, sẽ tiếp tục xem xét để sửa đổi, bổ sung nhằm thúc đẩy, tạo động lực cho nông nghiệp hữu cơ, nhất là chuyển thực tế vào chính sách và chính sách đi vào thực tiễn.

Minh Khoa

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương
http://www.khuyennongvn.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập98
  • Hôm nay23,143
  • Tháng hiện tại1,036,530
  • Tổng lượt truy cập91,099,923
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây