Thời điểm tháng 3, nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ lúa đông xuân chính vụ. Hiện này phần lớn diện tích lúa trên đồng ruộng đang trong giai đoạn trỗ, chín, thu hoạch.
Tại Hậu Giang, từ cuối tháng 2 nông dân bắt đầu bước vào thu hoạch được hơn 1.000ha trong tổng số trên 77.000ha lúa đông xuân 2020-2021 đã xuống giống. Qua ghi nhận của Sở NN-PTNT Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 25.000ha lúa đông xuân trong giai đoạn trỗ, chín. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, trời nắng ráo dễ thu hoạch, lúa đạt năng suất và giá bán cao như hiện nay những nông dân sắp thu hoạch lúa rất phấn khởi. Từ đầu tháng 3 trở đi, nông dân Hậu Giang sẽ bước vào thu hoạch rộ lúa rộ lúa đông xuân chính vụ.
Để đảm bảo vụ lúa thắng lợi, Chi cục Trồng trọt - BVTV Hậu Giang khuyến cáo, bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra và phát hiện sớm sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời. Đối với rầy nâu khi phát hiện mật số cao trên 1.500 con/m2 có thể phun trừ bằng các thuốc đặc trị, phun kỹ để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rầy ở phía dưới gốc lúa và nên chọn những loại thuốc đặc trị, ít độc đối với thiên địch. Bên cạnh đó, cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt ở giai đoạn trước và sau trỗ đều.
Đến cuối tháng 2, nông dân tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch hơn 27.000ha trong tổng số trên 284.000ha lúa đông xuân, với niềm vui trúng mùa (năng suất từ 6,5 - 8,3 tấn/ha), bán được giá cao. Tùy theo trà lúa ở các vùng sinh thái khác nhau của tỉnh, nông dân sẽ thu hoạch từ tháng 2 đến đầu tháng 4. Trong đó vùng U Minh Thượng thu hoạch dứt điểm trong tháng 2, vùng Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên thu hoạch trong tháng 3 và nơi nào trễ lắm qua đầu tháng 4 sẽ dứt điểm.
Các huyện trọng điểm về lúa của tỉnh Kiên Giang như Hòn Đất (80.000ha), Giồng Riềng (47.000ha), Tân Hiệp (37.000ha), Giang Thành (29.000ha) đều đã bước vào thu hoạch rộ trong tháng 3 này. Nhiều nơi, năng suất diện tích đã cho thu hoạch đạt rất cao, như Tân Hiệp 8,3 tấn/ha, Giồng Riềng 7,9 tấn/ha, Hòn Đất 7 tấn/ha…
Ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, một số nơi nông dân đã tranh thủ đốt đồng và bơm nước vào làm đất để xuống giống vụ lúa tiếp theo để tranh thủ thời cơ giá lúa đang cao. Trong khi đó, vụ lúa xuân hè (có nơi gọi là hè thu sớm) không được ngành nông nghiệp các địa phương cơ cấu sản xuất do thời tiết bất lợi, nhất là tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn.
Cụ thể, theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang, sau khi thu hoạch lúa đông xuân hoặc vụ mùa, một số vùng nông dân đã gieo sạ lại vụ lúa xuân hè (một số nơi còn gọi là lúa hè thu sớm), chủ yếu ở địa bàn các huyện Gò Quao, Châu Thành, U Minh Thượng và Giang Thành. Trong khi phần lớn diện tích lúa của tỉnh đang thu hoạch rộ, nếu làm lúa xuân hè sẽ có nguy cơ bị lây lan một số dịch thiệt hại từ vụ đông xuân sang. Đồng thời, khả năng sẽ bị nắng hạn, thiếu nước tưới ở các vùng không chủ động được nguồn nước.
Trước tình trên, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết đã có công văn chấn chỉnh tình hình gieo sớm vụ lúa xuân hè 2021 trên địa bàn tỉnh. Vì theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn về nguồn nước và xâm nhập mặn mùa khô 2021 mực nước có xu thế xuống nhanh trong tháng 2 và tháng 3, khả năng mặn xâm nhập cao nhất trong năm xuất hiện vào đợt triều cuối tháng 3 đầu tháng 4 tới.
Tương tự, tại tỉnh Hậu Giang ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân phải tuân thủ thời gian cách ly giữa các vụ sản xuất, để đảm bảo rơm rạ sau vụ lúa kịp phân hủy, không gây ra ngộ độc hữu cơ và cắt được nguồn lây lan sâu, bệnh.
Bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết: “Mặc dù không có trong lịch mùa vụ nhưng một số nơi trong tỉnh vẫn xuống giống vụ lúa xuân hè hay còn gọi là hè thu sớm. Năm nay giá lúa cao nên nông dân sẽ có tâm lý tranh thủ xuống giống sớm để tận dụng thời cơ giá tốt. Tuy nhiên, ngành khuyến cáo nông dân phải tuân thủ lịch thời vụ. Theo kế hoạch, lịch gieo sạ vụ lúa hè thu 2021 của tỉnh, đợt 1 sẽ xuống giống từ ngày 28/3 tới”.
“Để chủ động sản xuất vụ hè thu 2011 sắp tới thắng lợi, nhất là kịp thời ứng phó với tình hình hạn mặn, dịch hại, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương vận động nhân dân không gieo sạ lúa trong thời gian này. Đến giữa tháng 3/2021, khi xác định được tình hình thời tiết và thời gian rầy nâu di trú, Sở NN-PTNT sẽ bố trí lịch gieo sạ cụ thể vụ lúa hè thu 2021 cho từng vùng trong tỉnh”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Lê Hữu Toàn khuyến cáo.
Đào Trung Chánh/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã