Tổng quan về Sâm khoai
Sâm khoai còn được gọi là Hoàng Sin cô, sâm đất, địa tàng thiên, thượng đẳng sâm, sâm Fansipan, táo đất... Có tên khoa học là Smallanthus sonchifolius, là một loài thực vật có hoa trong họ Cúc (Asteraceae). Loài này được (Poepp.) H.Rob. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1978.
Củ sâm khoai có vị ngọt mát, được mô tả giống vị của táo lẫn với lê, kể cả khi nấu chín vị vẫn không thay đổi nhiều. Củ sâm khoai bị oxy hóa ở tốc độ chậm, có thể bị sẫm màu sau 8 – 10h.
Sâm khoai có tiềm năng như một thực phẩm ăn kiêng. Sâm khoai tươi có rất ít calo; thành phần chủ yếu của nó là nước; năng lượng của nó phần lớn là ở dạng fructooligosacchiarides (FOS), các phân tử này hầu như không thể tiêu hóa được bởi con người. Sâm khoai tươi có khoảng 66 calo mỗi pound (15 calo/100g). Sau vài tuần lưu trữ, lượng calo sẽ tăng lên một chút vì một số đường không tiêu hóa được chuyển thành fructose, tăng lên ít nhất 100 calo mỗi pound (22 calo/100g). Sâm khoai không đặc biệt giàu vitamin và khoáng chất, mặc dù nó là một nguồn chất xơ và kali tốt, với 180 - 290mg/100gr củ. Sâm khoai ngon ngọt và tươi mát, nhưng cồng kềnh và chậm để tiêu hóa, nên nó thích hợp với việc ăn kiêng, ăn nhiều mà không sợ tăng cân, nếu ăn với lượng lớn có thể có tác dụng nhuận tràng.
Lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Lào Cai cùng cơ quan chủ trì đề tài đi thực tế vùng trồng tại hai xã A Lù và Y Tý
Sau một tháng lưu trữ, đó là khoảng thời gian được khuyến cáo để có được hương vị tốt nhất trong củ sâm khoai, một phần của fructose, glucose và sucrose có thể tăng đáng kể. Một nghiên cứu cho thấy rằng có tới 22% chất khô trong yacon là fructose và 5% glucose.
Củ có thể được làm ngọt bằng cách phơi bày chúng với ánh sáng mặt trời, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong thành phần chỉ trong một tuần. Hàm lượng fructooligosaccharide giảm từ 10 đến 40% và fructose, glucose và đôi khi tăng sucrose (Graefe 2004).
Sâm khoai thường được ăn sống như một loại trái cây. Đơn giản chỉ cần gọt vỏ và ăn. Cũng có thể nấu sâm khoai với các nguyên liệu khác để thành món ăn. Một số người ăn thân cây non như một loại rau (NRC 1989). Củ sâm khoai có thể được ép thành nước, uống riêng hoặc pha lẫn cùng các loại nước ép trái cây khác dùng để giải khát.
Các nghiên cứu đã chỉ ra trong củ của sâm khoai có các axit phenolic (chlorogenic, caffeic và acid ferulic) [4]; chứa tỉ lệ cao fructo oligosaccharides (FOS – chất xơ hòa tan) là nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp hạ đường huyết, cải thiện hoạt động của các loại vi khuẩn đường ruột có lợi và các tác dụng tốt khác trên đường tiêu hóa. Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh những tác dụng này.
Fructooligosacharides (FOS) là fructan bao gồm các chuỗi ngắn của các phân tử fructose. Fructan được tổng hợp từ sucrose trong các tế bào không bào của lá cây, thân và rễ. FOS là các thành phần thực phẩm tự nhiên có thể được tìm thấy trong sâm khoai, tỏi, hành tây, măng tây, astiso, chuối, lúa mì. Tuy nhiên, nồng độ FOS cao nhất được tìm thấy trong sâm khoai.
Sâm khoai hỗ trợ rất tốt trong chữa và điều trị bệnh tiểu đường
Các nghiên cứu trên thế giới về thành phần hóa học và tác dụng dược lý cho thấy sâm khoai có tiềm năng dược liệu lớn, cần nghiên cứu để so sánh với các nghiên cứu thế giới, so sánh với củ sâm khoai trồng trước khi theo quy trình nghiên cứu, từ đó có thêm dữ liệu cho củ sâm khoai tại Việt Nam.
Theo Phó giáo sư – Tiến sĩ Hồ Bá Do: “Cây này dễ trồng hơn cả khoai sọ, khoai tây. Tuy nhiên, điểm khác biệt là cây chỉ sinh trưởng tốt ở những nơi có khí hậu lạnh và độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Ở độ cao trên 1.600m cây mới cho củ ngọt, còn dưới độ cao này thì củ không ngọt, còn dưới 1000m thì không có củ”.
Còn Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang thì cho rằng: “Đông y ghi nhận sâm khoai có tính hàn, vị hơi đắng, cay. Củ sâm đất có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, long đờm, có tác dụng trị liệu như giảm đau, sưng trong viêm khớp, hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường, hỗ trợ chữa bệnh cao huyết áp … Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu uống; lá nấu canh ăn giúp giải nhiệt cơ thể, làm mát gan”.
Phát triển cây sâm khoai thành cây dược liệu tại Bát Xát – Lào Cai
Ở Việt Nam, trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện Dược liệu với công ty Honsho Nhật Bản, giống cây sâm khoai (do ông Tanaka mang từ Nhật Bản) đã được đưa vào trồng thử nghiệm tại trạm nghiên cứu cây thuốc Sa Pa (thuộc Viện dược liệu) từ năm 2000. Cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt và thu hoạch được nhiều củ. Về sau, sâm khoai còn được phân phát cho một số nông dân địa phương và trạm nghiên cứu thuốc Tam Đảo (thuộc Viện dược liệu) cũng cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, có thể do giá cả xuất khẩu chưa hợp lý nên loại cây này không được đưa vào sản xuất lớn và đã bị lãng quên.
Mô hình mở rộng của đề tài nhằm giúp bà con nông dân xóa đói giảm nghèo
Đến năm 2016, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bắt đầu trồng lượng lớn sâm khoai phục vụ cho sản xuất. Năm 2016 và 2017 được sự đầu tư của doanh nghiệp về chi phí chuyển đổi cây trồng lương thực, bà con xã Y Tý trồng sâm khoai để cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Đến nay, vì lý do về chiến lược phát triển vùng trồng và thương mại sản phẩm sâm khoai không được quan tâm thích đáng mà nhiều hộ nông dân trước có vườn trồng lớn nay cũng không trồng nữa. Hiện tại, xã Y Tý và xã A Lù (huyện Bát Xát) chỉ có khoảng 3 vùng trồng sâm khoai với diện tích khoảng 1ha/nương. Tuy hầu hết các hộ gia đình ở xã Y Tý đều trồng sâm khoai nhưng số lượng rất ít phục vụ gia đình, không mang tính chất sản xuất lớn hay thương mại.
Về trồng trọt và nhân giống cây sâm khoai hiện vẫn chưa được nghiên cứu và đưa ra quy trình dẫn đến tính không đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất cây trồng. Theo khảo sát ban đầu của nhóm nghiên cứu cơ quan chủ trì tại xã Y Tý và xã A Lù (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vào đầu tháng 6/2018, lượng cây sâm khoai giảm hẳn so với 2 năm trước đây và không có vùng bảo tồn giống. Những vườn trồng tương đối rộng (dưới 1ha) cũng không được đầu tư cho trồng trọt, khoảng cách các cây không đều, lẫn nhiều cỏ và cây trồng khác, chưa có chế độ phân bón hợp lý. Còn tại các hộ gia đình, lượng cây chỉ khoảng từ 5 – 30 cây, sự phát triển không đều, có những cây thấp nhỏ khoảng 30 – 40cm và có những cây cao >1m (thường là những cây trồng gần chuồng trâu, có sự ảnh hưởng của phân chuồng) trên cùng thời điểm khảo sát. Năng suất ước tính 2 năm gần đây đạt khoảng 18 – 20 tấn/ha.
Cây sâm khoai cho năng suất thu hoạch cao
Để khắc phục những khó khăn của tỉnh miền núi phía Bắc, Lào Cai đã có những giải pháp nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về định hướng phát triển cây dược liệu, hướng đến mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao và giảm nghèo bền vững. Hoạt động nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh về cây dược liệu đang đi theo định hướng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tạo sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường; xây dựng các vùng trồng dược liệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn nguồn gen.
Một trong số đó là đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây Sâm khoai (yacón) (Smallanthus sonchifolius) theo hướng GACP-WHO tại Bát Xát (Lào Cai) tạo các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng” đã bước đầu đưa ánh sáng khoa học đến với bà con các xã miền núi huyện Bát Xát.
Đề tài này triển khai với các mục tiêu chính như:
- Xác định được đặc điểm nông sinh học và thực vật, thành phần hóa học và tác dụng dược lý của củ Sâm khoai (Smallanthus sonchifolius) tại huyện Bát Xát - Lào Cai.
- Xây dựng được quy trình nhân giống tối ưu, đảm bảo cung cấp cây giống có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển trồng sâm khoai và xây dựng được quy trình kỹ thuật trồng, sơ chế, chế biến dược liệu sâm khoai có chất lượng cao theo hướng GACP – WHO.
- Nghiên cứu bào chế được các sản phẩm từ củ sâm khoai: Dược liệu sâm khoai, thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ bệnh đái tháo đường… có tác dụng tốt.
Vừa qua, đoàn công tác Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Lào Cai và công ty cổ phần y dược Tây Bắc cơ quan chủ trì đề tài đã đi thăm vùng trồng đánh giá bước đầu hiệu quả mô hình mở rộng đề tài đối với xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Đoàn công tác đi thực tế vùng trồng
Đánh giá về chuyến đi thực tế, ông Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Sở khoa học công nghệ Lào Cai cho rằng: “Đây là một tín hiệu đáng mừng cho bà con cũng như của tỉnh nhà. Từ du canh du cư, trồng sâm khoai theo hướng nhỏ lẻ, chăm sóc thủ công thì đến nay diện tích trồng tăng lên 100 ha với gần 90 hộ dân tham gia trồng sâm khoai dược liệu”.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ hình thành làng nghề mới về trồng, tập huấn kiến thức chăm sóc, sơ chế dược liệu; tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần và xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tình Vũ/http://khuyennong.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã