Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đang được nhiều địa phương quan tâm thực hiện nhằm gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho người nông dân. Cùng với đó, các doanh nghiệp khi tham gia liên kết sản xuất với nông dân cũng chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.
Tại tỉnh Trà Vinh, vụ lúa hè thu 2021, huyện Cầu Kè triển khai trồng lúa liên kết với doanh nghiệp gắn sử dụng phân hữu cơ cho đồng bào Khmer trên 400ha với 610 hộ tham gia sản xuất thuộc 3 xã như: Châu Điền, Phong Thạnh và Hòa An…
Mô hình này nhà nước hỗ trợ 50% vật tư đầu vào cho bà con nông dân bao gồm: lúa giống, phân bón, thuốc BVTV và tập huấn kỹ thuật. Phần vật tư nông nghiệp còn lại 50% bà con tự đối ứng. Đầu vào cung cấp phân bón hữu cơ cho bà con trong mô hình trồng lúa liên kết thông qua Công ty TNHH Dafa Việt, doanh nghiệp này có trách nhiệm đưa phân bón đến tận tay bà con.
Ông Thạch Sanh Thương, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất lúa số 1, ở ấp 2, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: Tổ hợp tác mới thành lập chưa đầy 1 tháng mà đã có 8 thành viên tham gia vào Tổ với tổng diện tích trên 15ha. Đây là lần đầu tiên được Nhà nước hỗ trợ 50% vật tư đầu vào trong vụ hè thu này. Chính vì vậy giúp nhiều nông dân giảm chi phí đầu tư và có thêm kỹ thuật mới để canh tác mong cuối vụ lúa trúng mùa bán giá cao.
Còn ông Thạch Sa My, thành viên trong Tổ hợp tác số 1 vui mừng cho biết: “Hơn 20 năm gia đình có đất canh tác 1ha lúa làm 3 vụ/năm, lần đầu tiên ở vụ hè thu năm nay được Nhà nước hỗ trợ 50% giống chất lượng cao OM 18, tôi sạ 120kg/ha. Hiện lúa gần 25 ngày tuổi đang xanh tốt và không có sâu bệnh. Tôi vừa nhận hỗ trợ phân bón của nhà nước về bón đợt đầu cho lúa, đợi đến vài ngày nữa tôi ra Tổ hợp tác nhận phân tiếp tục để mang về bón đợt 2 và đợt 3”.
Theo ông My, sản xuất lúa vụ hè thu thường chi phí khá cao, vừa bị áp lực dịch bệnh, thời tiết không thuận lợi nên chi phí đầu tư cho vụ này nội tiền phân thuốc cũng lên 1,2-1,3 triệu đồng/công chưa kể các khâu thuê mướn khác. Khi tham gia mô hình này, Nhà nước hỗ trợ phân hữu cơ bón cho lúa, tính ra giảm chi phí phân nửa so với canh tác vụ hè thu trước đó.
Ông Lê Vũ Linh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết: Hiện do ảnh hưởng biến đổi khí hậu việc sản xuất nông nghiệp thường gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy để sản xuất lúa liên kết bền vững gắn với tiêu thụ là rất cần thiết theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp Trà Vinh đang triển khai.
Mô hình sản xuất lúa liên kết được triển khai cho bà con Khmer trong vụ hè thu 2021 được xem lần đầu tiên do Phòng NN-PTNT huyện thực hiện, nhằm phát huy được hiệu quả cao giúp nông tăng tăng lợi nhuận, yên tâm sản xuất, còn doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định.
Bên cạnh đó, nông dân tham gia trong mô hình liên kết đều áp dụng quy trình sản xuất mới như 100% nông dân trong mô hình sử dụng giống xác nhận OM 18, gieo sạ cùng thời gian trong cùng cánh đồng, nông dân còn ứng dụng sạ hàng, sạ thưa tiết kiệm lúa giống so trước đây. Đồng thời, bón phân cân đối hơn, giúp lượng phân giảm đáng kể, nhất là sử dụng phân, thuốc hữu cơ.
Qua đó, chi phí sản xuất giảm đáng kể so với ngoài mô hình. Ngoài ra, cánh đồng liên kết tạo môi trường nâng cao trình độ sản xuất của nông dân về tổ chức, quản lý, nắm bắt thị trường, áp dụng khoa học công nghệ.
Vụ lúa hè thu năm nay, toàn huyện Cầu Kè có hơn 8.000ha đã xuống giống xong. Đến thời điểm này lúa đã lên xanh tốt, ít sâu bệnh, có nơi đang ở giai đoạn bón phân đợt đầu.
Ông Thạch Dương, cán bộ nông nghiệp xã Phong Thạnh cho biết: Toàn xã có 1.800ha đất sản xuất lúa 3 vụ/năm, tuy nhiên bà con nơi đây sản xuất lúa thường gặp khó khăn về đầu ra. Vụ hè thu năm nay, ngành nông nghiệp chọn 117ha sản xuất liên kết. Bà con dân tộc Khmer nơi đây khi tham gia vào mô hình được hỗ trợ phân bón hữu cơ và cuối vụ được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu đầu ra nên ai nấy đều phấn khởi.
Theo ông Dương, từ khi mô hình triển khai trên địa bàn, UBND xã cũng khuyến khích nông dân thành lập Tổ hợp tác để thuận lợi trong khâu tư vấn kỹ thuật trồng lúa hay nhận vật tư đầu vào từ hỗ trợ của nhà nước.
Đến nay, nông dân đã thành lập 9 tổ hợp tác với 75 thành viên tham gia đều nằm trong mô hình trồng lúa liên kết. Mục đích các Tổ hợp tác này có nhiệm vụ nhận vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV hay lúa giống… rồi phân bổ lại các thành viên trong Tổ hợp tác hay khi cuối vụ các thành viên thu hoạch lúa cùng lúc để có đủ sản lượng lớn bán cho doanh nghiệp.
Đây là chương trình đầu tiên do ngành nông nghiệp huyện phát động hỗ trợ phát triển cộng đồng triển khai nhằm giúp cho bà con nông dân Khmer nắm bắt các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” để áp dụng vào canh tác lúa làm theo quy trình đồng bộ trong sản xuất theo chuỗi giá trị lúa thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm hướng đến phục vụ xuất khẩu.
Ông Lê Vũ Linh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè cho biết, hiện tại toàn huyện có 150ha sản xuất lúa theo VietGAP có chứng nhận, đầu ra rất ổn định. Sang năm 2022 huyện khuyến khích mở rộng vùng sản xuất lúa VietGAP lên 500ha theo mô hình liên kết với doanh nghiệp.
"Sản xuất lúa hữu cơ bước đầu không cho năng suất cao như sản xuất lúa sử dụng phân thuốc hóa học. Nhưng cái được hữu cơ mang lại là giảm được chi phí đầu vào cho bà con nông dân, cải tạo đất, bảo vệ hệ sinh thái trong đất, không ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng sức khỏe con người. Cuối cùng cho ra nông sản an toàn." Ông Lê Vũ Linh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cầu Kè.
LÊ HOÀNG VŨ - NGỌC THẮNG
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã