Nên tổ chức các điểm bán gia cầm lớn
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Trọng Thủy - chuyên gia nông nghiệp, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới, cho rằng: Theo tôi hiện nay chưa đến mức chúng ta phải kêu gọi giải cứu gia cầm, mà đối tượng phải cứu bây giờ là người tiêu dùng phi nông nghiệp. Ở nông thôn hiện nay, hầu như gia đình nào cũng nuôi gia cầm, trong khi số hộ ở nông thôn lại chiếm tới khoảng 70%.
Ông Nguyễn Văn Hiển chăm sóc đàn gia cầm của gia đình ở thôn Phú Ninh, xã Thanh Vân, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Ảnh: Trần Quang
Chuyên gia nông sản Trần Đình Bích cho hay: Hiện nay tại Mỹ, hàng tháng Bộ Nông nghiệp nước này thường đưa ra một số liệu dự báo triển vọng giá nông sản trong thời gian tới. Đơn cử như giá trứng gia cầm hiện tại là bao nhiêu và trong tháng tới nó có thể tăng lên hay giảm xuống. Đây là các thông tin rất hữu ích và cần thiết cho nông dân, người sản xuất và người tiêu dùng mà Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi. |
Cùng với đó, trong mùa dịch này gần như người tiêu dùng đã tối giảm nhu cầu, mọi người phải thắt chặt và cân đối lại chi tiêu nên dù lúc này chúng ta có kêu giải cứu gia cầm thì nhiều người dân cũng không còn năng lực về tiền mặt để mua nhiều hàng.
“Cũng phải nói đến tâm lý giải cứu bây giờ đã phai nhạt và có thể có một bộ phận đã bỏ qua, không để ý đến thông tin giải cứu các mặt hàng nông sản. Hiện, sức tiêu thụ gà, vịt, ngan vẫn còn yếu nhưng bà con vẫn có thể bán được hàng, nên theo tôi chúng ta chưa đến mức phải giải cứu gia cầm” - ông Thủy nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Trọng Nam - lãnh đạo một doanh nghiệp chăn nuôi và thú y ở Thanh Hóa cho rằng: "Các bộ, ngành và người tiêu dùng, người sản xuất nên bỏ kiểu hô hào sản xuất, tiêu thụ và "giải cứu" theo kiểu ban ơn như chúng ta đã làm với dưa hấu, thanh long, lợn hơi...
Thay vào đó, các cơ quan chuyên môn cần có động thái tích cực và đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời cho các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn thì người dân và người tiêu dùng mới được hưởng lợi".
Để tiêu thụ được sản phẩm gia cầm cho người dân, ông Nam kiến nghị Bộ Công Thương cần nhanh chóng tổ chức các điểm bán hàng quy mô lớn với giá thành hợp lý, tránh để khâu trung gian thao túng, làm giá thì may ra mới kích cầu được thị trường, thu hút được người dân mua hàng.
Xem lại tính số liệu
Nói về số liệu thống kê đầu gia cầm do Bộ NNPTNT đưa ra, ông Thủy cho rằng, tất cả các số liệu thống kê, kể cả đầu lợn hơi năm 2019 và năm 2020 đều vượt rất xa so với thực tế.
Việc tiêu thụ gia cầm của người chăn nuôi tại các tỉnh, thành đều phụ thuộc nhiều vào khâu trung gian, thương lái. Ảnh: Trần Quang
Theo ông Thủy, bài học về số liệu thống kê đầu lợn vẫn còn rất thời sự. Chính các số liệu thống kê không sát thực tế đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường dẫn đến việc Nhà nước đưa ra các chính sách, quyết sách hỗ trợ thị trường, người chăn nuôi không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Số liệu thống kê thực chất là nguồn cung, một khi số liệu nguồn cung sai lệch thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong ứng phó với các biến động của thị trường. Ông Thủy cho biết thêm, khi chúng ta đưa ra số liệu đầu gia cầm quá lớn sẽ dẫn đến việc tư thương ép giá người chăn nuôi. Còn về phía người nuôi, khi con gà, vịt đến tuổi xuất bán là buộc phải tiêu thụ, nếu không cứ để nuôi thêm bà con sẽ càng phải chịu lỗ nặng.
"Thông tin, số liệu thống kê không chuẩn sẽ tiếp tay cho các khâu trung gian, lái buôn làm giá, thao túng thị trường gây hại cho người chăn nuôi- ông Thủy nhận định.
Trong khi giá lợn hơi tăng lên cao, mức 80.000 - 90.000 đồng/kg kéo dài 5-6 tháng nay, ngay chính Bộ NNPTNT cũng khuyến cáo người dân tăng chăn nuôi gia súc, gia cầm và người tiêu dùng hạn chế ăn thịt lợn để chuyển sang ăn gia cầm. Tuy nhiên trong thực tế, việc tự cung, tự cấp trong kinh tế hộ của nước ta còn nhiều nên khi chúng ta tăng đàn gia cầm lên quá cao, trong khi thói quen của người tiêu dùng Việt Nam vẫn 70% vẫn ăn thịt lợn, chính điều này đã khiến cho giá gia cầm giảm sâu trong thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT hiện Việt Nam có khoảng gần 500 triệu con gia cầm, nhưng theo nhìn nhận của ông Thủy, số đầu gia cầm thời điểm này chỉ khoảng 430-450 triệu con là cùng.
"Gần như các con số thống kê báo cáo hiện nay không được điều tra từ quy mô hộ và ở các cơ sở, mà chúng ta chỉ dựa vào các con số báo cáo từ năm 2018 tịnh tiến lên 2019 hoặc các cán bộ thống kê dựa vào số lượng thức ăn chăn nuôi bán ra để tính số liệu” - ông Thủy khẳng định.
Theo ông Trần Duy Khanh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để có được số liệu thống kê chuẩn xác và sát thực tế, Bộ NNPTNT và Tổng cục Thống kê cần thay đổi cách tính.
“Hiện nay cách thống kê của các bộ chủ yếu vẫn tính chọn thời điểm và số lượng đàn vật nuôi từng lứa một. Tuy nhiên thực tế, mỗi năm người chăn nuôi thường xoay vòng 3-4 lứa gia cầm, 2 lứa lợn, vì thế theo tôi chúng ta phải thống kê hết cả năm mới được số liệu tương đối chuẩn" - ông Khanh chia sẻ.
Nên duy trì ở mức 420 triệu con Chuyên gia Hoàng Trọng Thủy cho rằng: Để chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, nông dân được hưởng lợi thì Bộ NNPTNT khuyến cáo người chăn nuôi chỉ nên duy trì số lượng đàn gia cầm ở mức 410 - 420 triệu con thì sẽ ổn định được giá. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng cần khuyến cáo người dân chuyển đổi sang chăn nuôi các giống gia cầm truyền thống, giống bản địa và nên áp dụng các giải pháp an toàn sinh học để có hiệu quả bền vững, có đầu ra ổn định hơn. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã