Học tập đạo đức HCM

Người đàn ông vác tiền tỷ ‘đổ’ lên núi

Thứ tư - 19/08/2020 21:44
Nhiều người bảo ông là gã gàn bởi có tiền tỷ không an nhàn tuổi già mà lại mang “đổ” vào núi để làm trang trại, nhưng ông vẫn kiên định lựa chọn của mình.
Khu trang trại chăn nuôi của ông Bùi Ngọc Nhu. Ảnh: Đào Thanh.
Khu trang trại chăn nuôi của ông Bùi Ngọc Nhu. Ảnh: Đào Thanh.

Bỏ phố lên rừng

Ông là Bùi Ngọc Nhu, chủ trang trại thôn Khuôn Tâm, xã Lương Thiện, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vốn là ông chủ của Công ty da thuộc Đại Lợi ở quận Long Biên, Hà Nội. Sau đó, do yếu tố môi trường đòi hỏi khắt khe và do làm ăn gặp nhiều khó khăn ông từ bỏ công ty da thuộc, bỏ thủ đô, quyết định về núi rừng Tuyên Quang lập trang trại trồng rừng và chăn nuôi.

Năm 2012, ông Nhu bỏ tiền nhờ người quen ở Lương Thiện tìm hiểu mua đất rừng ở khu núi Chằm. Tiền mua đất, làm các thủ tục giấy tờ mất ngót nghét chục tỷ đồng.

Sau đó ông tiếp tục đầu tư cả trăm triệu làm đường lên tận đỉnh núi để ô tô có thể vào, rồi đặt nền móng làm các trang trại chăn nuôi; làm 1 nhà chòi bằng tôn sắt khá kiên cố vừa để thức ăn cho gia súc, vừa để nhân công có chỗ nghỉ ngơi. Việc làm này của ông khiến nhiều người cho là kỳ cục, chẳng khác gì đem tiền đổ vào núi. Nhưng vì đam mê, ông vẫn quyết tâm theo đuổi.

Trang trại của ông nằm trên đỉnh núi Chằm cao hơn 300m. Đây là ngọn núi cao tốp đầu của xã Lương Thiện. Con đường lên trang trại của ông vắt vẻo từng khúc cua, hai bên đường rợp mát bởi tán của những hàng keo độ 3, 4 năm tuổi.

Ở trên độ cao hơn 300m, cái nóng hầm hập 40 độ C của ngày hè bị xua đuổi để nhường chỗ cho bầu không khí thoáng đãng trong lành.

Sự chật chột ồn ã nơi phố thị được nhường chỗ cho những rừng bạch đàn, rừng lát vi vu gió thổi. Hơn 30 ha chỉ có rừng, cây thức ăn chăn nuôi và những ô chuồng men theo từng quả đồi là thành quả của người đàn ông thành thị bỏ 40 tỷ đồng chỉ với ước muốn được sống với rừng và có thể kiếm tiền từ rừng.

Nuôi lợn rừng mỗi năm ông Nhu thu lãi hàng tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Nuôi lợn rừng mỗi năm ông Nhu thu lãi hàng tỷ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, trang trại của ông Thu là một trong những trang trại lớn nhất Tuyên Quang hiện nay. Đặc biệt, trang trại chăn nuôi theo hướng hoàn toàn tự nhiên là xu hướng mà nông nghiệp đang hướng tới. Các cơ quan chức năng của tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân làm giàu chính đáng từ nông nghiệp.



Lợn rừng nhưng của trang trại

Lên núi, việc đầu tiên ông làm là trồng rừng. Khi cây rừng bắt đầu biết bám đất hút nước, hút dinh dưỡng để sinh trưởng ông bắt tay vào việc nuôi lợn rừng.

Ngoài thuê 4 nhân công làm việc cho trang trại, hằng ngày, ông leo đồi lấy cỏ rồi tự tay cho đàn lợn ăn. Đó cũng là cách người đàn ông tuổi U63 rèn luyện sức khỏe.

Hiện nay, ở trang trại của ông có đến 5 khu chuồng lợn. Những khu chuồng chiếm các vị trí đắc địa trên từng ngọn đồi, có cây rừng làm bóng mát, độ dốc vừa phải thuận tiện cho việc vệ sinh chuồng trại vừa đảm bảo thoáng mát.

Trước mặt các khu chuồng là khoảng khuôn viên rộng thênh thang với những thảm cỏ xanh mướt để cho chúng thỏa thích vừa tung tăng dạo bộ, vừa nhẩn nha kiếm thức ăn như ở trong rừng tự nhiên thực sự.

Thức ăn chăn nuôi ở đây 100% từ tự nhiên. Cám sắn, cám ngô do nhân công ông thuê trồng 4 ha. Cỏ, lá rừng, lá cây sắn được chọn làm thức ăn xanh… Ông xử lý vấn đề môi trường chăn nuôi theo vòng tròn khép kín. Phân gia súc được tận dụng làm thức ăn nuôi giun quế, làm hầm biogas, còn lại ông dùng để bón cây.

Ở dưới chân đồi, ông trồng cỏ đề phòng khi mưa có trôi phân qua cây thì có hàng dưới cùng là cỏ chắn lại. Như vậy ông giữ được toàn bộ phân vào cây trồng bằng phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không phải xử lý bằng công nghệ.

Ông Nhu cho biết, cách xử lý môi trường để những gì sinh ra từ đất thì trả về đất sẽ là tốt nhất, bền vững nhất.

Tổng diện tích khu trang trại, rừng trồng của gia đình ông Bùi Ngọc Nhu lên tới 30 ha. Ảnh: Đào Thanh.

Tổng diện tích khu trang trại, rừng trồng của gia đình ông Bùi Ngọc Nhu lên tới 30 ha. Ảnh: Đào Thanh.

Dù để đàn lợn rừng thỏa thích với môi trường tự nhiên nhưng để chúng không bị bệnh, ông thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch bệnh như: Tiêm phòng đị kỳ, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng khu chăn nuôi. Với người lạ muốn vào khu chăn nuôi ít nhất phải ở lại 1 ngày mới được vào các ô chuồng chăn nuôi… Bởi vậy, đợt dịch tả lợn châu Phi vừa rồi, đàn lợn của ông không con nào bị dính.

Một thuận lợi khi làm trang trại chăn nuôi lợn rừng là ông chưa khi nào lo lắng về đầu ra. Bởi những năm tháng làm doanh nghiệp đã cho ông khá khá các mối quan hệ ở thủ đô Hà Nội, đủ để tiêu thụ hết số lợn rừng chỉ biết ăn cám ngô và rau cỏ tự nhiên. Trung bình mỗi năm ông bán ra thị trường được 20 tấn. Với giá lợn hơi 180 nghìn/kg, mỗi năm ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng.

Vốn là doanh nhân ở thủ đô chỉ quen với các loại da, những con số… lên rừng dấn thân vào nghiệp nông dân với đồng đất, phân chuồng, cây cối khiến ông nhiều đêm trằn trọc, mất ngủ.

Như năm vừa rồi ông mất tới 50 con lợn đang độ tuổi sắp được xuất chuồng, chẳng hiểu do không che chắn cẩn thận chúng bị lạc hay mất cắp. Rồi việc trồng cây rừng cũng có trắc trở. Những đồi keo xanh rì lớn vù vù tầm 4 đến 5 năm tuổi bỗng đột ngột héo chết.

Hỏi các chuyên gia về lĩnh vực trồng trọt ông mới biết vùng đất này nhiều mối nên keo chỉ trồng đến 4 năm tuổi là phải thu hoạch. Ông đã tính đến chuyện trồng thử nghiệm cây lát, cây gió bầu xem có phù hợp với chất đất nơi này không.

Ông Nhu bảo rằng, người ta thường bỏ rừng về phố, nhưng ông lại bỏ phố lên rừng nhiều người cho rằng như vậy chẳng khác nào tự đưa mình vào ngõ cụt. Nhưng với ông khi đã tích lũy đủ vốn sống, tích lũy đủ kiến thức, sự từng trải, sự va đập của cuộc sống thì lựa chọn lên rừng là mở ra một con đường mới.

Một con đường ở đấy chỉ có không gian xanh, có cuộc sống trong lành mà vẫn có tiền. Cơ ngơi với trang trại mỗi năm thu về tiền tỷ đã chứng minh lựa chọn của ông là đúng, dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn.



Đào Thanh
Nguồn: NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập118
  • Hôm nay34,561
  • Tháng hiện tại984,876
  • Tổng lượt truy cập91,048,269
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây