Dưới cái nắng tháng tư như đổ lửa, ông Phan Văn Quân, Chỉ huy trưởng công trình xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang vui mừng cho biết: Đến thời điểm này đã hoàn thành được khoảng 30% khối lượng công việc xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Từ khi bắt tay vào việc, công trường luôn duy trì làm việc 3 ca/ngày, với tổng số lượng khoảng 600 đến 700 công nhân làm liên tục nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra. Ngay cả trong thời điểm xảy ra dịch bệnh covid-19, công trường vẫn duy trì tốc độ làm việc.
Để đảm bảo an toàn cho người lao động, Ban chỉ huy công trình đã yêu cầu công nhân nội bất xuất, ngoại bất nhập, toàn bộ tập trung tại chỗ, để tạo thành “khu cách ly” tại công trường.
Hàng ngày, trước khi vào ca làm việc, công nhân được kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho công nhân, nước rửa tay sát khuẩn luân để sẵn ở lối ra vào. Thực hiện giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn trên công trường.
Theo ông Quân, khi dịch bệnh xảy ra, quá trình xây dựng cũng gặp một số khó khăn, như việc nhập thiết bị từ nước ngoài về bị chậm. Còn thiết bị trong nước nhờ chủ động đặt hàng sớm nên vẫn đảm bảo cho quá trình thi công. Vì vậy, tiến độ thi công vẫn được đảm bảo nhằm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch.
Cũng cần phải nhắc lại, dự án hệ thống thủy lợi này đang triển khai thực hiện tại xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, gồm: cống Cái Lớn, cống Cái Bé và đê nối với quốc lộ 61. Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, do Bộ NN-PTNT làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu 3.309,5 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí xây dựng, thiết bị, tư vấn là 2.718,5 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 191,2 tỷ đồng, còn lại là nguồn dự phòng. Nhiệm vụ của dự án nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ, ngọt lợ luân phiên.
Vùng hưởng lợi của dự án với diện tích tự nhiên là 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha. Kết hợp với tuyến đê biển Tây, tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thức ứng với biến đổi khí hậu đã đặt ra 4 vấn đề then chốt. Trong đó, có vấn đề phát triển hệ thống thủy lợi ĐBSCL. Việc đầu tư hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển bền vững vùng ĐBSCL.
Dự án này, cùng với các công trình phụ trợ khác sẽ có kết quả trực tiếp trên diện tích hơn 384 ngàn ha, thực địa bàn 4 tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là dự án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng liên vùng nên cần tập trung thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật của công trình, sớm phát huy hiệu quả như mục tiêu đã đề ra. Phải đẩy nhanh tiến độ thi công, làm 3 ca trong ngày, đảm bảo đúng và vượt tiến độ, để đưa các công trình phòng chống hạn, mặn vào sử dụng càng sớm càng tốt.
Cuối tháng tư, chúng tôi đến cống Vũng Liêm (Vĩnh Long) các kỹ sư và công nhân trên công trình đang miệt mài với công việc.
Trao đổi, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 cho biết, đến nay công trình cống Vũng Liêm đã hoàn thành được 98% khối lượng. Cống Vũng Liêm được khởi công ngày 17/9/2018, vị trí cách sông Cổ Chiên 700m thuộc huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), với tổng vốn dự toán hơn 238 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ngân hàng thế giới WB.
Cống Vũng Liêm thuộc dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng ĐBSCL. Quy mô cống gồm 3 khoang, mỗi khoang có chiều rộng 25m, cửa van Clapc trục dưới vận hành bằng xi lanh thủy lực, có kè bảo vệ 2 bên bờ kênh trước và sau cống và có cầu giao thông tải trọng HL93...
Công trình này hoàn thành, cùng với các công trình khác trong tiểu dự án kiểm soát nguồn nước vùng Nam Mang Thít, cống Vũng Liêm sẽ giúp kiểm soát mặn và triều cường, tạo ra nguồn nước sạch, tiêu úng, cải tạo đất cho 28.459ha diện tích đất tự nhiên thuộc các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Cầu Kè (Trà Vinh).
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có các công trình ngăn mặn, giữ ngọt nhờ vậy đã giúp cho việc duy trì sản xuất được cả 3 vụ lúa trong năm. Trữ được nước ngọt cung cấp cho sản xuất cho các nhóm cây trồng rau màu, cây ăn trái và lúa.
Ứng phó với khô hạn, xâm nhập mặn tại thời điểm này ngoài các công trình thủy lợi nhỏ đưa vào sử dụng. Đặc biệt, với công trình tuyến kênh Mây Phốp – Ngã Hậu, cống Vũng Liêm và cống Tân Dinh. Ba công trình này đã và đang phát huy tác dụng ngăn mặn, trữ ngọt.
Tại Bạc Liêu, ngày 30/1/2020, cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) chính thức đưa vào sử dụng. Niềm vui khi công trình thủy lợi này đưa vào sử dụng là phát huy ngay hiệu quả.
Cống âu thuyền Ninh Quới, được khởi công xây dựng vào cuối tháng 26/11/2018, trên tuyến kênh Quản lộ Phụng Hiệp, thuộc địa bàn ấp Ninh Lợi, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, cách ngã tư Ninh Quới về hướng tỉnh Sóc Trăng khoảng 750m.
Ông Huỳnh Hoài Hận, Trưởng trạm Quản lý Thủy nông TX Ngã Năm (Sóc Trăng), cho biết: Từ khi cống Âu Thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành đến nay đã đáp ứng được nhu cầu ngăn mặn. Hệ thống nước từ sông Quản lộ Phụng Hiệp về TX Ngã Năm nếu không có cống âu thuyền Ninh Quới thì đến thời điểm này vùng ngọt của TX Ngã Năm sẽ bị nhiễm mặn rất nhiều.
Ngoài ra, cống âu thuyền Ninh Quới còn có thể điều tiết độ mặn cho vùng nuôi tôm ở phía Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Trước đây, khi chưa đưa cống âu thuyền Ninh Quới vào vận hành nước mặn sẽ chảy theo sông Quản lộ Phụng Hiệp đến vùng ngọt của Ngã Năm bị nhiễm mặn. Từ khi có cống âu thuyền Ninh Qưới ngăn lại, giữ mặn phục vụ cho vùng nuôi tôm của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) được đảm bảo.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong quá trình điều tiết, chống mặn cho vụ lúa hè thu, tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng Thủy lợi 10 rút găn thời gian xây dựng cống âu thuyền Ninh Quới xuống 14 tháng trước tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự báo từ trước. Nhờ cống âu thuyền Ninh Quới dẫn mước ngọt từ Sóc Trăng về rất hiệu quả.
Cụ thể, vụ lúa đông xuân tỉnh Bạc Liêu thắng lớn, năng suất đạt từ 7,5 - 8 tấn/ha. Tại ĐBSCL, đến giờ này cho thấy những công trình thủy lợi đưa vào sử dụng kịp thời phát huy hiệu quả. Nhờ bình tĩnh, tự tin và chủ động tốt của các ngành chức năng và chính quyền địa phương mà vụ đông xuân tại ĐBSCL đã thắng lợi toàn diện.
Tại ĐBSCL đến nay, các dự án thủy lợi lớn đã được đưa vào vận hành để phòng, chống xâm nhập mặn, gồm: Cống Âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu); Trạm bơm Xuân Hòa (Tiền Giang); các cống Tân Dinh, Bông Bót (Trà Vinh), cống Vũng Liêm và nạo vét kênh Mây Phốp - Ngã Hậu (Vĩnh Long); 18 cống kiểm soát mặn thuộc Dự án thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1. Các công trình này đã chủ động kiểm soát xâm nhập mặn cho 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát cho 300.000ha.
Nhóm PV ĐBSCL/ Nông nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã