Ngành NN-PTNT Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, an toàn. Trong đó giải pháp xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn được xem là hướng đi phù hợp đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế, tăng sản lượng, giá trị và xây dựng thương hiệu, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn giúp cơ quan quản lý kiểm soát thực phẩm trong quá trình sản xuất kinh doanh, truy xuất nguồn gốc và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Thông qua logo nhận diện “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”, người tiêu dùng phân biệt được sản phẩm đã kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi với sản phẩm khác để lựa chọn.
Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã cấp chứng nhận cho 09 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 11 sản phẩm gồm: 5 sản phẩm rau, 2 sản phẩm thịt, trứng, gạo, 2 sản phẩm nước mắm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là việc liên kết kiểm soát tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến tiêu thụ sản phẩm như: Trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt đến thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối tiêu thụ sản phẩm.
Tất cả các công đoạn đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng theo kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm toàn bộ chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có cam kết về đảm bảo an toàn…
Mục đích cuối cùng là tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm, có khả năng truy xuất được nguồn gốc.
Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hà - Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết: Để được chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cần một số điều kiện, thủ tục như sau.
Đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, cơ sở sơ chế nhỏ lẻ, hộ kinh doanh phải ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.
Đối với các cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh là các doanh nghiệp thì phải được cấp chứng nhận cơ sở đủ diều kiện ATTP, các cơ sở sản xuất ban đầu là các HTX, doanh nghiệp có chứng nhận VietGAP, các chứng chỉ tương đương hoặc có chứng nhận đủ diều kiện an toàn thực phẩm.
Các sản phẩm trong chuỗi được cơ quan chức năng lấy mẫu và có kết quả kiểm nghiệm tại phòng kiểm nghiệm được Bộ NN-PTNT chỉ định đáp ứng các quy định, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn thực phẩm.
Các sản của phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được Chi cục kiểm soát từ điều kiện đảm bảo an toàn đối với cơ sở sản xuất chế biến cho đến cơ sở kinh doanh để kiểm soát mối nguy an toàn thực phẩm.
Định kỳ hàng tháng lấy mẫu tại cơ sở kinh doanh để giám sát, vì vậy những sản phẩm trong chuỗi đạt các tiêu chí ATTP. Được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại. Giá cả các sản phẩm chuỗi ổn định, giúp các cơ sở sản xuất yên tâm và chủ động trong khâu sản xuất.
Các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xây dựng và phát triển đã góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm an toàn của người dân. Người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Ông Phan Hữu Thặng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết, trong thời gian tới Chi cục sẽ phát triển và triển khai đề án mô hình thí điểm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh, gồm 3 chuỗi là chuỗi thịt lợn, chuỗi thịt gà và chuỗi rau. Sau khi triển khai chi cục sẽ nhân rộng mô hình để phát triển thêm các chuỗi đảm bảo cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn các sản phẩm an toàn.
“Chúng tôi sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT, trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia vào các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Chi cục sẽ phối hợp các đơn vị liên quan để quảng bá các sản phẩm đã được xác nhận an toàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh về sản phẩm an toàn để đưa đến tay người tiêu dùng”, ông Thặng nói.
Phan Việt Toàn/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã