PV: Xin ông cho biết tình hình thu hoạch lúa hè thu của Hà Tĩnh hiện nay như thế nào?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Tính đến hết ngày 1/9, toàn tỉnh đã thu hoạch được 20.921 ha lúa hè thu, đạt 46,5% tổng diện tích. Theo dự kiến, năng suất bình quân vụ lúa hè thu năm nay sẽ đạt khoảng 49,96 tạ/ha, cao hơn năm 2020 là 2,73 tạ/ha và đạt cao nhất kể từ năm 2016 đến nay. Trong đó, một số địa phương dự kiến có năng suất vượt trội như: Cẩm Xuyên (56 tạ/ha); huyện Kỳ Anh (53 tạ/ha); Thạch Hà (51 tạ/ha)…
Tôi chưa thể khẳng định vụ lúa hè thu năm nay thắng lợi, vì chúng ta vẫn còn hơn 50% diện tích đang tiếp tục thu hoạch. Tuy nhiên, tính đến thời đểm này, đây là vụ sản xuất có nhiều thuận lợi.
Thứ nhất về điều kiện thời tiết, vụ hè thu 2021 gần như không gặp yếu tố khắc nghiệt của nắng nóng hay mưa lớn bất thường. Nhiệt độ bình quân từ tháng 6 - 7 là 290C - 310C, thuận lợi cho lúa sinh trưởng tốt. Năm nay, nguồn nước tưới dồi dào nên không có vùng nào bị hạn hán.
Đặc biệt, vào giai đoạn sinh trưởng quan trọng, từ trổ bông đến thu hoạch (trong tháng 8), nhiệt độ bình quân từ 27-370C, trời nắng đều suốt cả tháng, không có những hiện tượng thời tiết cực đoan (nhất là mưa lớn diện rộng) đã làm chất lượng chín tự nhiên của lúa tốt hơn. Điều này thể hiện rõ trên cánh đồng, so với những năm trước, lúa có màu vàng tươi trên diện rộng, tỷ lệ chắc hạt cao.
Từ 17/8, xã đầu tiên của Can Lộc đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu.
Thứ hai, vụ hè thu 2021, toàn tỉnh sử dụng đến 83,4% (37.512 ha) nhóm giống thích ứng rộng (VTNA2, Thiên ưu 8, Hương Thơm 1, KD 18, KD ĐB, Xuân Mai, Nếp 87, Nếp 98, TH 3-3, TH 3-5, PC6, BQ, Bắc Thịnh, Nhị ưu 838) đảm bảo cho lúa ổn định về năng suất, chất lượng cuối vụ.
Thêm một điểm thuận lợi nữa, thời vụ thu hoạch chung năm nay không sớm hơn so với năm 2020 nhưng số diện tích lúa được thu hoạch trong tháng 8 tăng cao (tính đến 31/8 là 16.813 ha, chiếm 37,4% tổng diện tích gieo cấy). Một số địa phương sẽ hoàn thành thu hoạch trước ngày 10/9 như: Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân…, sớm hơn trung bình toàn tỉnh từ 5 - 7 ngày và chủ động hoàn toàn thời vụ thu hoạch. Quan trọng hơn, ở các địa phương thu hoạch muộn hơn sẽ có thể tận dụng lượng máy gặt khá lớn, giải quyết được yêu cầu về tiến độ cũng như áp lực ở thời điểm lúa chín tập trung.
Về khó khăn thì như chúng ta biết, điều kiện dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho tình hình thu hoạch lúa hè thu vất vả hơn rất nhiều. Các địa phương một mặt phải “căn cơ” các giải pháp điều tiết thời vụ, máy gặt, lực lượng hỗ trợ bà con, mặt khác phải “căng mình” kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó thì thị trường tiêu thị khó khăn làm cho giá lúa giảm mạnh; thời tiết cuối vụ liên tục gặp mưa…
Mới chỉ sau 1 đêm mưa, chân ruộng ở thôn Nam Thượng, xã Thạch Đài (Thạch Hà) đã lầy lội, khó di chuyển.
PV: Tình hình thời tiết sắp tới sẽ ảnh hưởng thế nào đến tiến độ thu hoạch? Và, các địa phương và bà con nông dân cần làm gì để “né tránh” thời tiết xấu, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: Từ cuối tháng 8, thời tiết liên tục xuất hiện những đợt mưa xen kẽ đã làm đứt quãng công tác thu hoạch ở nhiều địa phương. Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hình thái này sẽ còn kéo dài đến sau 15/9, trùng với cao điểm thu hoạch lúa hè thu. Gần nhất, từ ngày 7 - 10/9 tới, mưa sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều nơi, các giờ nắng trong ngày rất ít và gián đoạn. Mưa tập trung nhiều về chiều và đêm, dù có thể không ảnh hưởng đến năng suất nhưng thời tiết này sẽ làm chậm tiến độ thu hoạch và quá trình trau phơi của bà con nông dân.
Trong khi đó, toàn tỉnh có 30% - 40% diện tích sẽ gặt tập trung từ ngày 5 - 10/9; 10% diện tích còn lại là sau 15/9. Đây là lúc các địa phương và bà con nông dân cần phải tập trung cao độ, linh hoạt các giải pháp hơn nữa để tranh thủ tất cả thời gian thuận lợi, thu hoạch nhanh, gọn lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Trước hết, các địa phương cần phải nắm chắc thời vụ, đánh giá tiến độ chín của từng trà lúa để có giải pháp điều tiết máy gặt, chỉ đạo bà con nông dân ra đồng thu hoạch nhanh, gọn theo phương án cuốn chiếu, đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19. Tốt nhất, lúa chín đạt tỷ lệ 75 - 80% trở lên là tiến hành thu hoạch.
Các địa phương Hương Sơn, Vũ Quang, Lộc Hà, TP Hà Tĩnh đang có tiến độ thu hoạch chậm hơn trung bình của tỉnh.
Theo dõi thường xuyên diễn biến thời tiết và đưa ra cảnh báo, khuyến cáo kịp thời cho bà con. Theo tôi, trong thời điểm này, chúng ta cần phải cảnh báo thông tin thời tiết sát hơn nữa, ví dụ như: dự báo theo từng ngày, khả năng có nắng bao nhiêu, vùng nào dễ có mưa, diễn biến như thế nào… để bà con nông dân chủ động. Trong đó, phải tranh thủ tối đa giờ nắng trong ngày để đẩy nhanh thu hoạch và trau phơi lúa.
Đồng thời, các địa phương cũng cần sẵn sàng phương án hỗ trợ lực lượng đối với những địa phương thu hoạch muộn; liên hệ cơ sở sấy lúa cho bà con trong trường hợp gặp mưa lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì phương án sấy lúa cần gắn với tiêu thụ để vận hành một cách tập trung, hiệu quả và bảo vệ thành quả cho bà con.
Đối với việc điều tiết máy gặt, các địa phương cần tuân thủ các quy định theo công điện số 11/CĐ - UBND ngày 20/8/2021 của UBND tỉnh “Về việc chỉ đạo chuẩn bị các nguồn lực tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa hè thu 2021 và triển khai sản xuất vụ đông 2021”.
Theo đó, các địa phương cần bố trí đủ, hợp lý máy gặt ở các vùng gắn với việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo thu hoạch nhanh nhất các diện tích còn lại. Thời gian tập trung nhất là từ nay đến 6/9 tới, thời tiết khá thuận lợi, nắng trên diện rộng và ít mưa.
Công ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh thu mua lúa tươi tại ruộng cho bà con nông dân theo hình thức liên kết sản xuất đến tiêu thụ.
PV: Vậy, những khó khăn trong vấn đề tiêu thụ liệu có làm ảnh hưởng đến thành quả chung của vụ hè thu năm nay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Thanh: So với mọi năm mà gần nhất là vụ lúa xuân 2021, giá lúa, mức độ tiêu thụ đều tụt giảm. Khó khăn này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 làm các thị trường trở nên ảm đạm, trong khi việc lưu thông vận tải không thuận lợi cũng làm giảm số lượng các đầu mối ngoại tỉnh về địa bàn.
Dù vậy, thì điều đó không phải là bức tranh chính của vụ lúa năm nay. Hiện nay, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn vẫn nỗ lực chia sẻ cùng bà con; nhiều địa phương có những chính sách hỗ trợ để “kích cầu” tiêu thụ lúa kịp thời. Điều này sẽ góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân.
Việc tiêu thụ lúa hiện nay ở Hà Tĩnh dù khó khăn nhưng vẫn không đến nỗi căng thẳng và cấp bách.
Về bản chất, sản xuất lúa gạo ở Hà Tĩnh vẫn là nền sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, tiêu thụ tiểu ngạch. Hơn nữa, tập quán của bà con không thiên hẳn về tiêu thụ lúa tươi mà chủ yếu là giải quyết an ninh lương thực, vừa phục vụ mục đích dự phòng rủi ro. Do vậy, việc tiêu thụ lúa hiện nay ở Hà Tĩnh có khó khăn nhưng không đến nỗi căng thẳng và cấp bách.
Bên cạnh tích cực kết nối tiêu thụ thì tôi nhắc lại, giai đoạn này vẫn là tập trung tranh thủ tối đa thuận lợi của thời tiết, thu hoạch an toàn, né tránh bất lợi để bảo toàn năng suất, chất lượng lúa hè thu, tránh thất thoát, thiệt hại trong quá trình thu hoạch, phơi sấy. Từ đó, các địa phương có lộ trình xây dựng chiến lược tiêu thụ dài hơi, vừa tranh thủ được thị trường và được giá cho bà con nông dân từ nay cuối năm.
Nguyễn Oanh (thực hiện)/https://baohatinh.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã