Quy trình nuôi tôm được thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu ương nuôi từ 20-25 ngày với mật độ nuôi 1.000 – 3.000 con/m2 , cỡ tôm thả: PL 10-12. Giai đoạn 2 nuôi từ 70 – 75 ngày với mật độ nuôi: 120 -150 con/m2 , cỡ tôm thả: 1.000 – 1.200 con/kg. Biofloc được gây nuôi trong ao thả tôm trong suốt giai đoạn 2 của quy trình.
Hiệu quả của mô hình
Tại Quảng Ninh, mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai từ tháng 3/2020 với diện tích 1,3 ha do 3 hộ tham gia (Tiên Yên 2 hộ; Cẩm Phả 1 hộ).
Thực tế cho thấy, sau 78 ngày thả 171,6 vạn con giống tôm PL12 và nuôi bằng công nghệ Biofloc hai giai đoạn, tỷ lệ tôm sống đạt trên 80%, kích cỡ dao động 50-55 con/kg, tổng sản lượng mô hình là 27.4 tấn/1,3 ha. Đến nay, các hộ dân đã thu hoạch tôm thương phẩm với giá bán bình quân từ 134 - 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đạt trên 1,2 tỷ đồng/ha.
Trong quá trình thực hiện mô hình, mặc dù có nhiều bất lợi về điều kiện thời tiết như nắng nóng kéo dài, mưa lớn, tình hình dịch bệnh xung quanh khu vực nuôi có diễn biến phức tạp… nhưng các điểm triển khai mô hình đều đạt, thậm trí vượt mức các chỉ tiêu, yêu cầu của chương trình.
Để có được hiệu quả, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát mô hình, kịp thời giải quyết những phát sinh, khó khăn của mô hình. Việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa nhóm hộ và cán bộ kỹ thuật, chuyên gia nuôi tôm được chú trọng, sâu sát.
Được hỗ trợ triển khai mô hình, ông Từ Văn Nam - Hộ dân ở xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) cho hay: "Ngoài kết quả về mặt năng suất, tính ổn định về môi trường ao nuôi, môi trường khu xả thải thì mô hình đã tiết giảm tối đa các chi phí về thức ăn, hóa chất. Tôm nuôi khỏe mạnh, giảm tỷ lệ chết trong giai đoạn 1 và có sức đề kháng tốt trong suốt chu kỳ nuôi. Thời gian thực hiện mô hình được rút ngắn so với công nghệ nuôi thông thường. Tôi nhận thấy quy trình nuôi chỉ sử dụng vi sinh, không sử dụng hóa chất nên tôm thương phẩm đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm và được các đơn vị thu mua quan tâm, ký hợp đồng bao tiêu. Giá trị thương phẩm còn cao hơn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg nên rất thuận lợi cho bà con. Điểm đáng chú ý mà tôi thấy mô hình này thực sự hiệu quả bởi tính ứng dụng cao, phù hợp với quy mô trang trại vừa và nhỏ, dễ áp dụng. Trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi theo công nghệ này".
Triển khai, đồng bộ hỗ trợ người dân nuôi trồng thủy sản
Được biết, ngày 18/9/2018, UBND Tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 3675/QĐ-UBND về việc Phê duyêt đề án tổng thể phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tiếp tục khẳng định con tôm là đối tượng chủ lực trong nuôi trồng thủy sản, đồng thời có các giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển.
Là đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu, hỗ trợ bà con nông dân kỹ thuật nuôi, áp dụng KHCN tiến tiến vào sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh đã đăng ký thực hiện và là một trong 3 tỉnh, đơn vị trực tiếp tham gia vào Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc”.
Theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh: Địa phương vốn phát triển nghề nuôi tôm từ khá sớm và là tỉnh đầu tiên trong cả nước nuôi tôm chân trắng theo phương pháp công nghiệp cao. Từ chỗ chỉ nuôi thử theo hình thức quảng canh cải tiến, đến nay đã có hàng nghìn ha ao, đầm được đưa vào nuôi trồng. Qua hơn 10 năm, mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp đã chứng minh được hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia và làm giàu….
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm phát triển tự phát từ nghề cá nhân dân nên hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập như: Hệ thống hạ tầng dùng chung (điện, giao thông, hệ thống cấp thoát nước…) không đồng bộ; Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới chỉ ở một phần rất nhỏ những nhà đầu tư quy mô nông hộ... Mặt khác, do tính chất sở hữu đất sản xuất chủ yếu là các hộ dân nên sản xuất manh mún, không tập trung, chưa đạt hiệu quả cao. Thực tế cho thấy những năm gần đây, tình trạng dịch bệnh trên tôm nuôi đã xảy ra trên diện rộng, thua lỗ liên tục khiến không ít diện tích nuôi tôm đang ở tình trạng sản xuất cầm chừng, các đối tượng thủy sản khác như cá biển, cua… được nuôi ít với hiệu quả chưa rõ rệt và thiếu tính bền vững.
Tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để tìm hướng phát triển nghề nuôi tôm mang tính phù hợp với cộng đồng người nuôi tôm, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững là rất cấp thiết. Trong thời gian qua, Khuyến nông tỉnh cũng đã mạnh dạn đề xuất các chương trình từ nhiều nguồn, song song với vận động các doanh nghiệp có công nghệ mới tham gia thử nghiệm các công nghệ mới như hệ thống nuôi trồng thủy sản bền vững là hệ thống dùng vi sinh vật có lợi để xử lý nước (công nghệ vi sinh, biofloc) và hệ thống tuần hoàn (Recirculating Aquaculture System - RAS).
Kết quả của mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước tiếp cận gần hơn với định hướng của Ngành. Thành công bước đầu trong triển khai dự án là cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ các hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh tiếp cận, học tập để từng bước phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững.
Nguyễn Chí Thành
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh
http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã