Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đam Rông đạt trên 16 ha, tập trung chủ yếu ở xã Đạ K’Nàng và xã Phi Liêng, thu nhập trung bình từ 900 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu biểu của huyện Đam Rông hiện nay là mô hình sản xuất dâu tây của gia đình anh Phí Văn Thìn ở thôn Trung tâm, xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Qua quá trình tìm hiểu và học hỏi các mô hình trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao ở Đà Lạt và Lạc Dương, anh Phí Văn Thìn nhận thấy cây dâu tây có thể trồng thích hợp với khí hậu tại xã Phi Liêng, huyện Đam Rông.
Đầu năm 2019 anh Phí Văn Thìn quyết định chuyển đổi một phần diện tích nhà kính trồng ớt chuông của gia đình sang trồng dâu tây. Giống dâu tây anh Thìn chọn là giống dâu tây Hàn Quốc (Hàn Santa) được trồng trên giá thể có máng chứa và đặt trên giàn cách mặt đất khoảng 1-1,2m, kết hợp với tưới nước, châm phân tự động qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Ban đầu chi phí đầu tư xây dựng nhà kính, giàn, máng đặt giá thể trồng dâu, hệ thống tưới nhỏ nhọt và tiền mua giống dâu khoảng 500 triệu đồng/1.000 m2. Dâu được trồng thành hàng với khoảng cách 10 cm/cây, một máng trồng 02 hàng. Giá thể được trộn từ trấu và xơ dừa, giữa hai luống dâu đặt một hệ thống dây tưới nhỏ giọt, trên mặt máng phủ màng nylon để giảm nước bốc hơi và hạn chế bệnh cho cây.
Nhờ quá trình tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm và nắm chắc kỹ thuật canh tác, sau hơn 01 năm trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, anh Thìn nhận thấy mô hình dâu tây phát triển tốt, bước đầu cho kết quả khả quan và thu nhập cao hơn các loại cây trồng khác. Sản phẩm được tiêu thụ tại địa phương và bán cho thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh, năng suất trung bình đạt từ 2,5 - 3,0 tấn/sào, bán với giá 200 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư giống, phân bón, công chăm sóc… lợi nhuận thu được từ 180 - 250 triệu đồng/sào.
Thấy được hiệu quả từ việc trồng dâu tây mang lại cũng như có đầu ra ổn định, anh Thìn tiếp tục đầu tư thêm 1.000 m2 diện tích canh tác cây dâu tây, nâng diện tích trồng cây dâu tây lên 2.000 m2.
Anh Phí Văn Thìn cho biết: “Trồng dâu tây đòi hỏi phải có kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch tỉ mỉ hơn các loại cây trồng khác nhưng cho thu nhập cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng ớt chuông hoặc cao gấp 4 - 5 lần trồng cà chua, dưa leo baby”.
Với kết quả bước đầu, mô hình trồng dâu tây công nghệ cao của gia đình anh Phí Văn Thìn đang được nhiều nông hộ trên địa bàn đến tham quan, học tập, trao đổi.
Nguyễn Văn Chính - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đam Rông, Lâm Đồng
Nguồn tin: http://www.khuyennongvn.gov.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch triển khai Phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với “Học tập số” trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới