Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) xoay quanh câu chuyện chế biến và mở cửa thị trường nông sản Việt Nam.
Từ câu chuyện tiêu thụ vải thiều, thanh long, dưa hấu, xoài,… cho thấy nông sản Việt Nam có tính thời vụ rất cao, vậy theo ông đây là lợi thế hay hạn chế với Việt Nam?
Nền nông nghiệp nhiệt đới của chúng ta có tính chất đa dạng, ngắn hạn của mùa vụ, đặc biệt những sản phẩm trồng trọt phía Bắc. Một vùng, một tỉnh có thể trùng sản phẩm với một vùng, địa phương khác. Chính vì đặc điểm đó dẫn đến khả năng cung ứng rất lớn.
Có những vùng chuyên canh khả năng cung ứng rất cao đối với một số nhóm đặc thù. Ví dụ, thanh long ở Long An, ở Bình Thuận hay vải thiều ở Bắc Giang trong tháng rưỡi có thể cung ứng 280.000 tấn. Hoặc mận, nhãn, xoài Sơn La, mận Lào Cai chỉ cung ứng trong vòng 1 tháng.
Ở ĐBSCL, chúng ta thấy được tính chất sản xuất hàng hóa lớn hơn, khả năng cung ứng lớn hơn, song cũng không thể tránh khỏi câu chuyện trùng sản phẩm. Đây là một đặc thù ngẫu nhiên, tự nhiên của chúng ta.
Sản phẩm năng lực cung ứng nhiều nhưng thị trường lại có những tiêu chí khác nhau. Mỗi một dạng hình thị trường lại có đặc điểm sản phẩm, hoặc mỗi một dòng sản phẩm lại có một tiêu chí khác nhau về thương mại, kĩ thuật.
Tuy nhiên, tận dụng được lợi thế danh mục nông sản đa dạng này hay không lại phụ thuộc vào năng lực vận hành của nhiều chủ thể, từ doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân đến sự đồng hành của các địa phương.
Vậy theo ông, chúng ta làm thế nào để biến hạn chế về trùng mùa vụ này thành lợi thế cạnh tranh?
Có 3 trục lớn chúng ta cần đặt ra để cùng hợp lực với trách nhiệm cao nhất phát triển nông nghiệp trong giai đoạn tới.
Trục thứ nhất, phấn đấu một nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh. Chúng ta tự quyết định được chu kì, dạng hình của sản phẩm. Đây là đòi hỏi của khoa học công nghệ nên chúng ta cần huy động sức mạnh công nghệ.
Trục thứ hai, sơ chế, bảo quản, đóng gói và chế biến. Tổn thất sau thu hoạch của chúng ta còn ở tỉ lệ cao, từ 1 - 1,5%. Bằng quyết tâm của ngành nông nghiệp, chính sách hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, chúng ta nỗ lực để giảm tỉ lệ hao hụt này.
Minh chứng, trong 3 năm vừa qua, chúng ta thu hút đầu tư rất lớn, hơn 60 tổ hợp chế biến, tương đương 2,6 tỷ USD thuộc 100% khu vực tư nhân. Bên cạnh đó là 7.700 cơ sở chế biến nhỏ lẻ theo các dạng hình khác nhau. Riêng trong lĩnh vực trồng trọt có khoảng 153 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Đó là một dư địa còn rất hấp dẫn từ những tập đoàn lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài chế biến, khâu bảo quản cũng đóng vai trò không thể thiếu. Với đặc thù thời tiết, thời gian lưu thông, luân chuyển, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19, bảo quản vô cùng quan trọng.
Hiện hệ thống kho lạnh của chúng ta còn đang hạn chế. Trung tâm trọng điểm sản xuất như vùng ĐBSCL mà hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đầy đủ. Vì vây, phải có chính sách về giá điện, năng lượng tái tạo, thậm chí quy hoạch các kho gần với cảng vận chuyển, cảng sông, cảng biển đòi hỏi cả ngành giao thông vận tải, ngành công thương cũng phải vào cuộc.
Trục thứ ba cần giải quyết là nguồn nhân lực. Phải chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh.
Các giám đốc HTX có thể đi học 1 tuần, 2 tuần để trau dồi kĩ năng liên tục. Sự cập nhập kiến thức là vô hạn và sự trau dồi kĩ năng cũng phải liên tục. Đó là những nút thắt chúng ta phải duy trì liên tục ở mọi cấp độ để phục vụ nền kinh tế nông nghiệp.
Dù nhìn thấy rõ nút thắt với nông sản Việt Nam là liên kết, bảo quản, chế biến và thị trường, song quá khứ chứng minh không phải lĩnh vực chế biến nào của chúng ta cũng thành công?
Tín hiệu lớn quyết định nhất là tín hiệu từ thị trường. Nó chi phối năng lực chế biến của mọi cấp độ, chi phối sản phẩm ngay từ khâu bắt đầu sản xuất đến chế biến ra sao, tỉ lệ như nào cho phù hợp.
Gần đây, tỉ lệ xuất khẩu giữa sản phẩm chế biến và sản phẩm thô đã được rút ngắn lại. Nếu vào thời điểm năm 2017 sản phẩm thô chiếm 90%, chế biến 10%, cho đến gần đây nhất tỉ lệ sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt 30%, thô 70%. Chúng tôi đặt lộ trình và mục tiêu phấn đấu cân bằng tỉ lệ này là 50 - 50 trên cơ sở chọn lựa các thị trường.
Tất nhiên, cũng có những dạng hình sản phẩm không cần sản phẩm chế biến, ví dụ như sản phẩm hàu có thể nuôi, khai thác và đưa thẳng đi xuất khẩu. Nói chung, chế biến cũng phải lựa chọn dạng hình sản phẩm theo tín hiệu thị trường. Thị trường đòi hỏi như nào chúng ta phải làm đúng như vậy.
Ngay cả sự hấp dẫn của các ngành nghề cũng do thị trường quyết định. Nếu trước đây mủ cao su lên ngôi đến nay được điều chỉnh có chừng mực vì liên quan trách nhiệm môi trường, thị trường săm lốp sau chế biến của cao su.
Tôi tin rằng thị trường là bất biến, không một thị trường nào cố định cho nên dòng đời của các sản phẩm, ngay cả dòng đời của cây trồng cũng phải vận hành theo thị trường. Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải điều chỉnh kế hoạch.
Đơn cử, hiện nay chế biến một số sản phẩm hoa quả như chanh leo lên ngôi nhưng sau đó chúng ta cũng phải tính đến những sản phẩm khác. Rất có thể 10 năm nữa thực phẩm chức năng là nguồn đóng góp doanh thu kỉ lục trong kim ngạch và đây có thể là một hướng đầu tư chế biến trong thời gian tới của chúng ta.
Từ đó, tôi cho rằng, sự vận động của ngành nông nghiệp phải bám theo hơi thở của cuộc sống hiện tại, đặc biệt là sự vận hành của thị trường thế giới, thương mại thế giới. Một ví dụ cụ thể là ở Trung Quốc, những đối tượng 45 tuổi trở xuống rất thích những sản phẩm sấy dẻo, sấy khô của chúng ta nhưng đối tượng từ 25 tuổi trở xuống rất thích sản phẩm snack. Đó là những dư địa mà chúng ta phải hướng đến. Hiện đã có những doanh nghiệp cá tra trong nước của chúng ta đã biết cách chiên, sấy giòn da cá tra thành snack được người trẻ tuổi ưa thích.
Tôi kì vọng vào sự năng động của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các start up bây giờ rất thông minh, chủ động, tận dụng tối đa được cả những phân khúc hẹp của thị trường. Điều đó cho thấy chúng ta cần phải làm quen và tận dụng triệt để cơ hội của công nghệ số, chuyển đổi số để thu thập thông tin, xử lý tín hiệu của thị trường chi phối vấn đề sản xuất.
Qua câu chuyện ông chia sẻ đã chỉ ra rằng, Nhà nước nên tập trung làm tốt vai trò chính sách và mở cửa thị trường, các phần việc còn lại nên để doanh nghiệp và người dân tự cân bằng, điều tiết có đúng không thưa ông?
Đúng là như vậy. Ngay từ năm 2017 chúng ta đã ý thức được việc xây dựng mạng lưới tham tán ngành nông nghiệp tại các thị trường trọng điểm. Chúng ta đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đã cho thí điểm đề án tham tán nông nghiệp tại một số vùng. Chúng ta đã có tham tán tại EU, Hoa Kỳ, Thụy Sỹ…
Bên cạnh hệ thống tham tán thương mại của ngành Công thương và các cơ quan đại diện ở nước ngoài, rõ ràng nông nghiệp cần có tham tán ở những thị trường chủ chốt, vừa giải quyết những vấn đề kỹ thuật, vừa giải quyết vướng mắc khó khăn, vừa là cầu nối cho các doanh nghiệp, vừa là chức năng phối hợp với các lực lượng Ngoại giao, Công thương.
Việc này cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới và được tiếp tục tham mưu, phối hợp và nhân rộng. Đó cũng là cơ hội để các cán Bộ, ngành nông nghiệp trưởng thành về mặt tư duy, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn và cọ sát quốc tế. Qua đó, tạo thành một mối liên kết chặt và có sự lan tỏa, kết nối. Việc này một mình tham tán khó có thể làm được mà phải là một hệ sinh thái liên ngành trong một cơ quan đại diện ở nước ngoài.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên Huân - Phạm Hiếu (thực hiện)/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã