Ngày 20/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan nhằm sớm hoàn thiện đề án Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản. Theo dự kiến, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án trong tháng 9/2021.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản là đề án lớn và có nhiều yếu tố cấu thành. Do đó, đề án cần hướng đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp. Từ đó cũng gắn liền với việc tái cơ cấu 3 trục sản phẩm nông nghiệp: quốc gia, vùng và OCOP.
Cũng theo Thứ trưởng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng, việc tổ chức sản xuất, nuôi trồng thủy sản cần được xây dựng theo chuỗi để có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm và dịch bệnh của các thị trường.
“Từ bối cảnh hiện nay và tiềm năng lợi thế vốn có, Chương trình phải đưa ra những hệ thống giải pháp, các đề án thực hiện giải pháp đó đi cùng cơ chế tài chính. Đặc biệt phải có đề án riêng về thú y phòng bệnh thủy sản và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề án về nuôi thủy sản trên biển và trong nội đồng cũng cần được quan tâm hơn”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT lưu ý.
Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản được xây dựng trên quan điểm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nuôi trồng thủy sản theo định hướng thị trường, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an sinh xã hội.
Bên cạnh đó phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế.
Phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới.
Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư và phát triển nuôi trồng thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt.
Tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ tại các vùng sản xuất tập trung theo phương châm chọn lọc theo thứ tự ưu tiên và đầu tư dứt điểm. Nhà nước chỉ đầu tư vào lĩnh vực trọng yếu làm tiền đề để các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển sản xuất.
Theo Tổng cục Thủy sản, mục tiêu tổng quát của Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản là phát triển ngành nuôi trồng thủy sản bền vững dựa trên sự gia tăng về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Kiểm soát được các yếu tố đầu vào, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được môi trường, dịch bệnh và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình thành được các vùng sản xuất tập trung để phục vụ xuất khẩu với hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ chế kiểm soát, giám sát đồng bộ.
Khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng hệ thống mặt nước sông suối, hồ chứa để phát triển các mô hình sản xuất phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Phát huy tiềm năng tự nhiên để phát triển nuôi trồng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn, giá trị cao, có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh cao và bền vững.
Theo đó, một số mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được đưa ra là nâng tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 5,6 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng trung bình 4,2%/năm.
Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 7,5 tỷ USD tăng 1,45 lần so với năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trung bình 6-7%/năm.
Trong giai đoạn 2025 - 2030, phấn đấu tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7 triệu tấn, tốc độ tăng sản lượng trung bình 4,6%/năm. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản đạt trên 12 tỷ USD, tăng 2,3 lần so với năm 2020. Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,6 - 9,9%/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nuôi trồng thủy sản trung bình 8 - 9%/năm.
Phạm Hiếu/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã