Học tập đạo đức HCM

Sống chung hiệu quả với hạn, mặn

Thứ hai - 27/04/2020 10:04
Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm hơn, vào sâu hơn, kéo dài hơn và độ mặn cao hơn so với đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016.

Sau 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), Đồng bằng sông Cửu Long đã thực sự "thay da đổi thịt”, vươn mình phát triển đầy ấn tượng, trở thành vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây, đóng góp lớn cho xuất khẩu. Thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành nông nghiệp, đặc biệt là từ mô hình kinh tế VAC.

Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân khu vực này. Không chịu đầu hàng trước thiên tai và khó khăn, người dân nơi đây đã sáng tạo, chủ động xây dựng nhiều mô hình kinh tế VAC và mô hình nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

Kinh tế nông thôn giới thiệu một số mô hình sáng tạo ứng phó với hạn, mặn và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại khu vực.

t9.jpg
Nhiều vườn cây ăn trái ở Châu Thành (Tiền Giang) đang “khát” nước. Ảnh M.Trung.

Nông nghiệp thiệt hại nặng nề

Tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm hơn, vào sâu hơn, kéo dài hơn và độ mặn cao hơn so với đợt xâm nhập mặn lịch sử năm 2015-2016.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, do ảnh hưởng của hạn mặn, vụ đông xuân 2019-2020, ĐBSCL thiệt hại khoảng 43.000ha lúa, trong đó nặng nhất là Trà Vinh, gần 19.600ha; Sóc Trăng trên 5.700ha; Long An hơn 5.300ha; Kiên Giang gần 5.000ha… Ngoài ra, khoảng 1.700ha cây ăn trái cũng bị thiệt hại.

Hiện tại, 5 tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Long An đã phải công bố tình trạng khẩn cấp vì hạn, mặn.

Là tỉnh thuộc khu vực hạ nguồn của ba nhánh sông Mê Kông (gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên), Bến Tre là địa phương chịu ảnh hưởng sớm và nặng nhất của tình trạng nước mặn xâm nhập. Trên 5.200ha lúa bị thiệt hại; khoảng 20.000ha cây ăn trái, 72.000ha dừa và hơn 1.000ha cây giống, hoa kiểng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng lúa nhiều năm, nhưng giờ đây mọi kinh nghiệm mà ông Lê Hoàng Dân và nhiều bà con ở xã Mỹ Nhơn (Ba Tri), cũng không thể giúp ích gì.

“Thông thường thì ăn Tết xong mới xuất hiện nước mặn xâm nhập vô đồng ruộng, nhưng từ cuối tháng 11 năm ngoái, nước mặn đã tràn về, đúng vào thời điểm 6 công lúa (1 công = 1.000m2) của nhà tôi chuẩn bị làm đòng. Cuối cùng, lúa bị cháy vàng, mất năng suất 100%, gia đình thiệt hại khoảng 12 triệu đồng trong vụ đông xuân này. Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục của các tỉnh miền Tây, 100 năm mới lặp lại một lần, thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục về hạn mặn trước đó. Xâm nhập mặn đến sớm hơn và kéo dài 4 tháng chưa chịu rút đi (những năm trước hạn mặn chỉ kéo dài 2-3 tháng rồi bớt dần), mà độ mặn cũng cao gấp 2 lần so với thời điểm năm 2016”, ông Dân cho biết.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, nước mặn đã làm ảnh hưởng đến tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh; hàng chục nghìn hecta cây trồng tại “thủ phủ cây ăn trái” đã và đang thiếu nước trầm trọng. Cai Lậy - vùng chuyên canh cây sầu riêng lớn nhất tỉnh Tiền Giang cũng đang trong tình trạng tương tự, nhiều diện tích cây sầu riêng bị khô héo, rụng trái gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.

Ông Phan Văn Lâm, ở xã Hiệp Đức (Cai Lậy), buồn bã chia sẻ: 12 công sầu riêng của gia đình hàng năm thu hoạch được vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay mọi việc đảo lộn khi toàn bộ vườn sầu riêng bị mặn xâm nhập nhiều ngày; trong khi kênh mương cạn kiệt không còn nước ngọt để tưới, tình hình vô cùng căng thẳng.

t10.jpg

Mô hình trữ nước tưới trong mùa hặn mặn của hộ ông Ngô Văn Tám, ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức (Cai Lậy - Tiền Giang). Ảnh Bá Thủy.

“Mặc dù vùng này ở xa biển và nhiều sông rạch xung quanh nước ngọt bao la, tuy nhiên, năm 2020 này, nước mặn về sớm, duy trì mức cao kéo dài nên người dân không thể lấy nước sông (lúc này đã bị nhiễm mặn-PV) tưới cho sầu riêng. Bên cạnh đó, nguồn nước ngọt dự trữ không đủ cung ứng cho các vườn cây, đành bất lực đứng nhìn vườn sầu riêng khô kiệt, cháy lá, xác xơ vì hạn, mặn”, ông Lâm buồn bã nói.

Tuy vậy, có thể khẳng định: Nhờ dự báo sớm, chính xác nên các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể, việc đẩy mùa vụ lúa lên sớm hơn đã giúp cho sản xuất lúa cơ bản thắng lợi với năng suất cao, sản lượng lớn. Với cây ăn trái, người dân cũng chủ động nhiều giải pháp nên thiệt hại cơ bản được kiểm soát

Chủ động xây dựng công trình ngăn mặn, trữ ngọt

Trước tình trạng hạn, mặn có nhiều diễn biến phức tạp, để tăng cường công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg về hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 530 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho 8 địa phương vùng ĐBSCL phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.Trong đó, Bến Tre 70 tỷ đồng, Long An 70 tỷ đồng, Tiền Giang 70 tỷ đồng, Cà Mau 70 tỷ đồng, Kiên Giang 70 tỷ đồng, Sóc Trăng 60 tỷ đồng, Trà Vinh 60 tỷ đồng, Bạc Liêu 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để ứng phó với hạn, mặn ở ĐBSCL, tích nước trữ ngọt được xem là biện pháp cốt lõi để giải cơn khát cho hàng ngàn hecta lúa và vườn cây ăn trái. Khắc phục thiếu nước, các ngành chức năng và nhiều doanh nghiệp thiện nguyện, chính quyền đã chủ động dùng xe bồn, xà lan chuyển nước ngọt từ thượng nguồn về, chia sẻ phần nào khó khăn cho người dân khu vực ĐBSCL.

Mặc dù, những việc làm nêu trên là rất đáng quý, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, ĐBSCL cần có những giải pháp căn cơ để cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho người dân và điều tiết hợp lý cho các vùng sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang... đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp công trình, phi công trình để “cứu nguy” cho hàng chục nghìn hecta lúa đông xuân đang thiếu nước.

Theo đó, các công trình thủy lợi được xây dựng với mục đích ngăn mặn, trữ ngọt và tạo điều kiện bổ sung thêm nguồn nước ngọt trong khi hạn mặn kéo dài. Thực tế, đã đưa 5 dự án vào tạm thời vận hành phòng, chống xâm nhập mặn từ tháng 12/2019, tháng 1/2020.

Các công trình trên đã chủ động trực tiếp kiểm soát xâm nhập mặn khoảng 83.000ha và hỗ trợ kiểm soát ảnh hưởng thâm nhập mặn đến 300.000ha. Cụ thể, Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư hệ thống máy bơm cao áp đặt tại cống Xuân Hòa để bơm cấp bổ hàng triệu mét khối nước ngọt; vận hành hệ thống cống đập ven sông, ven biển đảm bảo kín, ngăn mặn và trữ ngọt để phục vụ gần 30.000ha lúa vùng ngọt hóa Gò Công và gần 80.000ha vườn cây ăn trái.

Bạn với mặn, quen với hạn

Công tác ứng phó với hạn, mặn của các địa phương vùng ĐBSCL đang ở giai đoạn đỉnh điểm. Bên cạnh những biện pháp cốt lõi như tích trữ nước ngọt, xây dựng các công trình thủy lợi, hiện nay nhà nước đang hỗ trợ nông dân trong vùng mặn bằng cách hướng dẫn người dân chuyển đổi sản xất nông nghiệp theo hướng “sống chung cùng hạn, mặn”, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

t11.jpg
Thu hoạch cá lóc mùa khô hạn tại xã Định An, huyện Trà Cú, Trà Vinh - Ảnh T.TRÌNH.

Một trong những kết quả nghiên cứu tiêu biểu được các địa phương ứng dụng là đề tài nghiên cứu “Một số giải pháp trong tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng phó hạn hán, xâm nhập gia tăng để phát triển bền vững tại khu vực ĐBSCL”, do các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tiến hành. Qua đó đã đề xuất những mô hình canh tác cải tiến, kết hợp luân canh sản xuất lúa và thủy sản, kết hợp luân canh sản xuất lúa và cây màu.

Theo đó, Hậu Giang đã ứng dụng hiệu quả quy trình “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo và tăng hiệu quả kinh tế). Kết quả mang lại là giúp giảm từ 20 - 80kg lúa giống/ha, giảm chi phí thuốc trừ sâu và khoảng 10% lượng phân đạm; tăng lợi nhuận trung bình hơn 2 triệu đồng/ha lúa, đặc biệt là giảm khoảng 35% lượng nước tưới.

Một mô hình thích ứng với hạn mặn nữa là kết hợp luân canh sản xuất lúa và thủy sản (trồng lúa và nuôi tôm trên cùng một diện tích). Điểm mạnh của mô hình này là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa. Mức thu nhập trung bình của mô hình 2 vụ tôm 1 vụ lúa vào khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Mô hình đang phát triển ổn định và mở rộng diện tích lên hơn 160.000ha ở hầu khắp các địa phương nơi đây. Nhưng khó khăn cần tháo gỡ là phải đảm bảo chất lượng con giống, hệ thống thủy lợi ngăn mặn và phòng ngừa ô nhiễm nước, cũng như sản phẩm tôm tiêu thụ ngang bằng với các loại tôm nuôi thâm canh.

Năm nay mặn đến sớm, nhiều hộ dân ở "thủ phủ cá lóc" xã Định An (Trà Cú - Trà Vinh) đã chịu thiệt hại nặng nề, trong khi đó ao cá lóc nhà ông Nguyễn Tri Phương (ấp Giồng Giữa) vẫn ngon lành.

Ông Phương nuôi 100.000 con cá lóc. Biết trước sẽ gặp họa nước mặn tấn công, ông "chuyển khẩu" cho đám cá sang ao phía trong mà ông đã đào dự trữ nước ngọt từ mùa mưa. Nhờ vậy, số cá được an toàn khi nước mặn xâm nhập các ao nuôi.

t12.jpg

Giống bưởi chịu hạn, mặn của anh Nguyễn Văn Đổi đang phát triển tốt trong mùa hạn, mặn - Ảnh K.TÂM

Lúc ông Phương đào ao trữ nước "sơ cua", nhiều người nói ông làm chuyện "ngược đời". Nhưng khi nước mặn tấn công, việc lo xa của ông đã phát huy hiệu quả cộng thêm giá bán cao, ông lời khá cao.

Tại Sóc Trăng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất thích ứng mang lại hiệu quả kinh tế. Điển hình là mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới của gia đình anh Dương Văn Thừa (ấp Phố, xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú), thực hiện từ đầu năm 2020. Với diện tích 500m2, lắp đặt 7 giàn thủy canh, mỗi giàn 6 máng, trồng các loại rau như cải xanh, rau muống, cải xà lách tím, cải bó xôi, cải thìa và cải ngọt, trong đó ngành Nông nghiệp huyện Long Phú hỗ trợ 30% chi phí thực hiện mô hình.

Theo anh Thừa, mô hình này trước mắt thấy rau phát triển tốt và thích hợp với khí hậu ở địa phương, giá cả tương đối ổn định, nhẹ công chăm sóc. Ưu điểm nổi bật là từ khi trồng đến thu hoạch không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, cung cấp ra thị trường sản phẩm rau an toàn, chất lượng, tiết kiệm nước và thích ứng với điều kiện hạn, mặn hiện nay.

Những mô hình sáng tạo, hiệu quả

Anh Nguyễn Văn Đổi (ấp 2, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) là một trong số ít nông dân đầu tiên ở Sóc Trăng và ĐBSCL trồng thử nghiệm giống bưởi da xanh chịu mặn.

Sau hơn 8 tháng trồng, 160 gốc bưởi da xanh phát triển xanh tốt, trong khi những cây trồng khác ở khu vực này đều chết khô do nhiễm nước mặn. Để kiếm thêm thu nhập, giữ độ ẩm cho đất, anh Đổi trồng xen sả, bán phần gốc, còn lá ủ vào gốc bưởi. Vài ba ngày thương lái vào cân 40-60kg củ sả, giá bán 5.000 đồng/kg, kiếm theo tiền chợ.

Anh Đổi cho biết vườn nhà anh nằm giáp sông Hậu, mỗi khi xuất hiện mặn cây trồng liền bị “hắt hơi sổ mũi”. Để thích nghi, anh trồng dừa, nhưng vài năm gần đây mặn ngày càng khốc liệt nên bị quéo đọt, trái không được lớn. Giữa năm 2019, nghe ngành nông nghiệp đang tìm người để phối hợp thử nghiệm trồng giống bưởi chịu mặn, anh Đổi tình nguyện đăng ký. 

“Đợt mặn vừa qua lên đến trên 10‰ không cây nào chịu được. Vậy mà tôi bơm tưới bình thường, cây bưởi khỏe re”, anh Đổi cho hay.

Gia đình ông Đặng Văn Út, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn (Long Mỹ - Hậu Giang), thường phập phồng lo lắng vì sợ thiếu nguồn nước ngọt trữ trong mương vườn để tưới cho 1ha bưởi (bưởi da xanh ruột hồng) của gia đình hiện gần 3 năm tuổi. Tuy nhiên, điều lo lắng ấy đã không còn trong mùa khô năm nay và những năm tiếp theo khi gia đình ông vừa đầu tư xong hệ thống tưới nước tiết kiệm và có gắn thiết bị điều khiển tự động. Trong đó, có 4 công vườn được dẫn nước bằng đường ống nhựa cứng và có gắn béc phun; còn lại 6 công ống dẫn nước bằng đường ống giãn (ống mủ).

Theo ông Út, với 1ha bưởi của gia đình, khi còn tưới nước thủ công bằng vòi phun từ chiếc máy Honda có gắn môtơ bơm thì mất khoảng một buổi, tiêu tốn 2-3 lít xăng (tương đương 50.000-60.000 đồng). Nhưng khi chuyển sang mô hình tưới nước tiết kiệm, nhà vườn chỉ cần bật cầu dao điện là vận hành và tưới trong vòng 15 phút là đủ lượng nước cho cây trồng, tốn khoảng 1-2kWh điện (tương đương 4.000-5.000 đồng).

Ngoài giảm chi phí và công lao động khá lớn thì mô hình còn giúp nông dân tiết kiệm được lượng nước ngọt trong mương vườn khá lớn. Bởi, hệ thống tưới nước tiết kiệm chỉ phun sương và cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cây trồng là ngưng nên nguồn nước trữ trong mương vườn có thể sử dụng được trong 3-4 tháng mùa khô, còn tưới theo cách như làm trước nay thì chỉ khoảng một tháng là hết nước”, ông Út cho biết thêm.

t13.jpg
Anh Đỗ Tam Kỳ thành công mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên vùng đất mặn. Ảnh Thanh Vũ.

Năm 2006, anh Đỗ Tam Kỳ cùng với gia đình di dời từ xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) về khu tái định cư ấp Kinh 17, xã Tam Giang. Gia đình được Nhà nước cấp 3,4 ha đất nuôi thuỷ sản, từ nguồn lợi này, mỗi năm gia đình anh thu được khoảng 30 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, với bản tính siêng năng, cần cù, ham học hỏi, đồng thời nhận thấy đây là vùng đất phì nhiêu do phù sa bồi đắp, rất thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái nên anh quyết tâm thử nghiệm. Qua tìm hiểu, thấy mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên đất mặn của nhiều hộ nông dân ở địa phương khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2011, anh Kỳ bàn với gia đình lên tỉnh Bình Thuận mua giống thanh long ruột đỏ về trồng trên bờ vuông tôm. Do chưa có kinh nghiệm nên gia đình anh gặp những khó khăn bước đầu.

Nhưng với ý chí không ngại khó, giờ đây anh Kỳ đã thành công, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Từ 78 gốc thanh long ban đầu, hiện nay gia đình anh có gần 120 gốc. Giá thanh long ruột đỏ hiện dao động khoảng 18.000-25.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Kỳ còn bán cây giống cho bà con với giá 10.000 đồng/cây. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 35 triệu đồng. Thời gian tới, anh Kỳ sẽ xây thêm khoảng 80 trụ để mở rộng diện tích vườn thanh long, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Từ thực tế hậu quả hạn, mặn, người dân ĐBSCL đã nhận thức rõ được vấn đề, từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng các mô hình làm nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, giảm được chi phí sản xuất, công lao động, nhất là giải quyết bài toán về thiếu hụt nguồn nước sản xuất khi hạn, mặn ngày càng diễn ra khốc liệt.

Theo tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, ở ĐBSCL, hệ thống thủy lợi lâu nay chủ yếu là để “thoát lũ”, giờ đây nên chuyển sang “trữ ngọt” và dùng nước tiết kiệm. Tư duy đó cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Sản xuất nông nghiệp cần áp dụng “3 chuyển dịch”: Dịch chuyển lịch thời vụ để “né hạn, mặn”, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự chuyển đổi thành công, tránh duy ý chí và hành chính hóa sản xuất.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập124
  • Hôm nay31,846
  • Tháng hiện tại937,948
  • Tổng lượt truy cập91,001,341
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây