Nhiều sản phẩm do những “kỹ sư chân đất” trong tỉnh Thái Nguyên sáng chế, chế tạo đã góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản của nhân dân địa phương.
Về thôn Hảo Sơn, xã Tiên Phong (TX Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi được biết anh Nguyễn Văn Mạc thường được người dân trong vùng gọi với cái tên trìu mến là “kỹ sư chân đất”.
Anh Nguyễn Văn Mạc, ở thôn Hảo Sơn, xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) sáng chế, chế tạo sản phẩm máy ấp trứng gia cầm tự động.
Mặc dù không được học qua trường lớp về nghề cơ khí, chế tạo máy, nhưng trong quá trình lao động, anh Mạc đã tìm tòi, sáng chế ra hàng chục sản phẩm đem lại lợi ích thiết thực cho chính gia đình mình cùng bà con nông dân địa phương.
Tiêu biểu trong số đó là máy ấp trứng gia cầm tự động do anh sáng chế, chế tạo ra. Ý tưởng làm chiếc máy này xuất phát từ việc ấp, nở gia cầm của gia đình thường xuyên bị hỏng, anh đã quyết định chế tạo một chiếc máy ấp trứng để khắc phục những hạn chế đó.
Chiếc máy ấp trứng gia cầm tự động được làm từ những vật liệu dễ tìm kiếm như: Ống kẽm làm khung máy, vỏ máy tận dụng nhôm, nhựa hoặc xốp, còn động cơ là những chiếc mô tơ điện và hệ thống điều khiển có bán ở cửa hàng điện máy ngoài thị trường…
Những chiếc máy ấp trứng của anh có thể ấp tự động hoàn toàn, khiến trứng nở đồng loạt và tỷ lệ nở đạt trên 90%.
Máy ấp trứng không chỉ ấp nở được một loại trứng mà với thao tác thay đổi nhiệt độ cho máy ấp. Máy ấp trứng có thể ấp trứng của nhiều loại gia cầm khác nhau như: Chim cút, ngan, vịt.
Bên cạnh đó, máy ấp trứng có giá thành rẻ phù hợp với túi tiền người nông dân, giá bán mỗi máy chỉ bằng nửa giá thị trường, từ 4 đến 6 triệu đồng tùy kích cỡ.
Chính vì vậy, sản phẩm máy ấp trứng của anh đã được nhiều bà con đón nhận. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, anh đã bán ra thị trường trong và ngoài nước trên 200 chiếc máy ấp trứng.
Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ X, năm 2019-2020 do Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên tổ chức mới đây, sản phẩm này đã xuất sắc giành giải Nhất. Cũng tại Hội thi lần này, anh Mạc còn giành thêm một giải Khuyến khích với sáng chế máy cắt mỏ gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Hồng, ở xóm Soi, xã Ký Phú (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) làm việc với chiếc máy cắt tỉa cây cảnh đa năng do ông sáng chế, chế tạo.
Cùng điểm chung là không được học hành, đào tạo bài bản về cơ khí, nhưng ông Trần Đình Chinh, ở phố Cầu Ca, xã Kha Sơn (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy khoan giếng thủy lực, đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Trước đây, ông từng làm công việc khoan giếng cho các hộ dân ở địa phương và nhận thấy, những chiếc máy khoan khi đó có cấu tạo đơn giản, độ khoan sâu hạn chế và phải có điện lưới mới sử dụng được.
Từ thực tế đó, năm 2012, ông bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo ra chiếc máy khoan giếng thủy lực. Máy gồm 6 bộ phận chính: Xe 2 cầu, phanh, bơm thủy lực, mô tơ sao thủy lực, động cơ (36 mã lực), máy nổ, ti thủy lực.
Máy có ưu điểm dễ dàng di chuyển, động cơ khỏe, có khả năng khoan ở những độ sâu khác nhau (tối đa là 300m), giảm thời gian khoan so với các loại máy thông dụng bán trên thị trường, chủ động khoan ở mọi nơi do không cần sử dụng điện lưới…
Với thành công từ việc chế tạo máy khoan giếng thủy lực, ông đã mở một cơ sở sản xuất và bán ra thị trường trong nước và nước ngoài (như Lào, Campuchia..) khoảng 100 chiếc mỗi năm, với giá bán 600-700 triệu đồng/cái, mang lại lợi nhuận gần 2 tỷ đồng/năm.
Từ thực tế cho thấy danh sách các sáng chế trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nối dài bởi nghị lực, bản lĩnh, trí tuệ của những nông dân luôn đam mê sáng tạo và có khát vọng vươn lên.
Ngoài những ví dụ nêu trên còn có hàng trăm sáng chế hữu ích khác đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, như: Sáng chế máy phun thuốc bảo vệ thực vật bằng động cơ điện và bơm áp lực cao của bà Đàm Thị Thanh Huyền, ở xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên); máy cày bừa, bón phân tự động của ông Nguyễn Xuân Thục, ở xóm Tân Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ)...
Hay như sáng chế máy cắt tỉa cây cảnh đa năng của ông Nguyễn Văn Hồng, ở xóm Soi, xã Ký Phú (Đại Từ); sáng kiến làm chuồng úm gà bằng củi của bà Lê Thị Ánh, ở xóm La Đuốc, xã Tân Kim (Phú Bình)…
Có những sáng chế là mới hoàn toàn, ngoài ra cũng có những sáng chế dựa trên nền tảng cũ để cho ra đời sản phẩm tốt hơn, khắc phục được các nhược điểm. Những sáng chế, cải tiến tuy nhỏ nhưng đã phát huy tư duy sáng tạo, thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình lao động, sản xuất của người nông dân...
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh* cho biết: Để động viên, khuyến khích nông dân phát huy niềm năng sáng tạo, từ năm 2001 đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã định kỳ tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp ngành 2 năm/lần, với hàng trăm đề tài tham gia của hội viên nông dân. Trong đó có 76 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của hội viên, nông dân đạt giải thưởng tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh Thái Nguyên...
https://danviet.vn/thai-nguyen-nong-dan-sang-che-may-may-to-may-nho-co-may-ban-ra-ca-nuoc-ngoai-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo-2021030717104828.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc kiện toàn BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025
Kế hoạch Thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính của Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh năm 2025
Báo cáo kết quả công tác tập huấn, bồi dưỡng về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
Triển khai Kế hoạch số 323/KH-UBND ngày 10/7/2024 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển TDTT trong giai đoạn mới
Kết luận của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 15/7/2021 của Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025