Ngày 10/9, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (ĐBSH) về việc phòng chống sinh vật gây hại vụ lúa mùa cuối vụ.
Bộ NN-PTNT cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, lúa vụ mùa 2021 tại các tỉnh phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, trà sớm đang giai đoạn trỗ chín - sáp, trà chính vụ đòng già - trỗ, trà muộn đứng cái - làm đòng.
Điều kiện thời tiết trong thời gian qua liên tục nắng mưa xen kẽ, kết hợp với mưa giông, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt là sâu đục thân 2 chấm, rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đen lép hạt…
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), hiện nay trên lúa tại các tỉnh phía Bắc, sâu đục thân 2 chấm lứa 5 trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, mật độ trứng 02,- 0,5 ổ/m2, cục bộ 1-5 ổ/m2; rầy nâu, rầy lưng trắng mật độ nơi cao 1.000 - 2.000 con/m2 và sẽ gia tăng mật độ trong thời gian tới.
Ngoài ra, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 phát dục tuổi 3 - 5 trên đồng ruộng; điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh bạc lá, đen lép hạt gây hại nặng cho trà lúa trỗ - phơi màu trở đi.
Để bảo vệ an toàn vụ mùa 2021 từ nay đến cuối vụ trong thời điểm một số tỉnh thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ NN-PTNT đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc một số nội dung:
- Phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện công tác điều tra phát hiện và dự tính, dự báo chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các sinh vật gây hại chính để chủ động hướng dẫn, chỉ đạo phòng chống.
- Phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng chống kịp thời một số sinh vật gây hại chính trên lúa. Cụ thể:
+ Đối với sâu đục thân 2 chấm: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn đòng già - trỗ, nhất là trà muộn trỗ sau 15/9 để chủ động trong công tác chỉ đạo phun trừ.
+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Tập trung giám sát trên trà lúa muộn, các giống lúa thơm, lúa đặc sản, diện tích xanh tốt bón thừa đạm, hướng dẫn phòng chống sâu cuốn lá nhỏ lứa 7, bảo vệ an toàn bộ lá đòng để đảm bảo năng suất lúa.
+ Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Theo dõi diễn biến phát sinh của rầy lứa 7 trên các trà lúa giai đoạn từ chín sữa - chín; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao ngay từ khi rầy tuổi 2-3 bằng các loại thuốc đặc hiệu để hạn chế cháy rầy cuối vụ.
+ Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt mưa và bão để kịp thời hướng dẫn nông dân biện pháp phòng chống bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông, đen lép hạt kịp thời.
Bộ NN-PTNT đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSH chỉ đạo triển khai việc hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; thu gom và xử lý an toàn, đúng quy định với vỏ bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng.
Chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về tình hình sinh vật gây hại cây trồng và phương án phòng chống.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất tình hình sinh vật gây hại, kết quả công tác phòng chống và đánh giá thiệt hại (nếu có) về Bộ NN-PTNT (qua Cục BVTV).
LÊ BỀN/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã