Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, sản xuất lúa 3 vụ/năm lợi nhuận thu về chỉ được từ 41 đến 43 triệu đồng/ha.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông dân tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã chuyển đổi hơn 23 ngàn ha đất lúa, chủ yếu lúa vụ 3 kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày khác. Các loại cây trồng phổ biến được nông dân chuyển đổi là: sả, ớt, khổ qua, đậu que, đậu bắp, mướp, cà.
Đối với cây màu chuyên canh chuyển đổi được hơn 1.630 ha, rau màu luân canh hơn 21 ngàn ha, trồng cỏ chăn nuôi là 382 ha.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, mô hình trồng màu cho hiệu qủa kinh tế cao hơn trồng lúa từ 2,7 – 9,5 lần. Cụ thể, trồng ớt cho lợi nhuận từ 110 – 325 triệu đồng/năm. Mô hình trồng bắp cho lợi nhuận từ 240 – 360 triệu đồng/năm. Mô hình trồng rau màu cho thu nhập từ 320 – 525 triệu đồng/năm. Mô hình trồng khoai mỡ thu nhập từ 150 – 286 triệu đồng/năm.
Trong chuyển đổi diện tích đất lúa sang cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế rất cao. Tính từ 2017 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã có 12.980 ha lúa chuyển sang trồng cây lâu năm mà chủ yếu là cây ăn trái. Các loại cây lâu năm có hiệu quả kinh tế cao được người dân ưu tiên lựa chọn để thay thế cây lúa gồm cây mít, thanh long, sầu riêng.
Chuyển đổi sang trồng mít, người dân có thu nhập từ 300 - 600 triệu đồng/ha. Thanh long ruột đỏ có thu nhập từ 800 - 850 triệu đồng/ha. Thanh long ruột trắng 200 - 300 triệu đồng/ha. Bưởi da xanh cho thu nhập từ 400 - 700 triệu đồng/ha.
Riêng cây sầu riêng chưa cho trái ổn định nên ngành chức năng chưa đánh giá hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, những mô hình trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hầu hết cho thu nhập rất cao, từ 500 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/ha.
Tại xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè những năm qua mô hình chuyển đổi cây mít trên đất lúa đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân nơi đây.
Ông Cao Tấn Ngoãn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lợi A cho biết: Xã có diện tích đất nông nghiệp trên 1.500 ha. Từ năm 2010, bà con trong xã bắt đầu chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây ăn trái như cam sành, sầu riêng, mít. Đến nay, cây mít chiếm diện tích lớn nhất trong xã với trên 500 ha.
Qua chuyển đổi, cây mít cho thu nhập tốt, ổn định. Bình quân, mỗi ha mít mang lại thu nhập khoảng 400 – 500 triệu đồng/năm. Nhờ cây mít, người dân có thu nhập ổn định, xây cất nhà cửa khang trang hơn. Cũng nhờ cây trồng này tỷ lệ hộ nghèo của địa phương chỉ còn xấp xỉ 1%, người dân có tiền ủng hộ các chương trình của xã, nhất là xây dựng nông thôn mới.
Ông Võ Văn Tiền, Phó trưởng ấp Lợi Tường, xã Mỹ Lợi A cho biết: Mít Thái đang là cây trồng kinh tế mũi nhọn của nông dân trong ấp. Riêng đối với gia đình tôi, cây mít cho thu nhập rất ổn định, trung bình mỗi tuần tôi thu hoạch mít bán được từ 15 – 20 triệu đồng. Mùa thu hoạch như vầy kéo dài tới 6 tháng, bình quân mỗi năm cây mít cho thu nhập từ 500 – 700 triệu đồng.
Xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây trước đây thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn, mặn. Nông dân quanh quẩn với cây lúa nên thu nhập bấp bênh. Những năm gần đây, từ những hộ dân tiên phong chuyển đổi sang trồng cây thanh long như ông Bùi Văn Ruồng ở ấp Bình Ninh đến nay diện tích cây trồng này ngày một tăng trong xã.
Hiện nay, xã Bình Phú đã có gần 200 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái như thanh long, bưởi da xanh, dừa, mít.
Ông Bùi Văn Ruồng (ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây) cho biết: Lúc trước tôi trồng lúa năng suất thấp, thu nhập không cao. Tôi đi tìm hiểu học hỏi mô hình trồng thanh long ruột trắng thấy hiệu quả đạt cao hơn lúa từ 7 đến 8 lần. Khởi đầu tôi chỉ trồng có 3 công bây giờ lên tới 7 công rồi, mỗi năm cây thanh long cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.
Ông Cổ Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho hay: Qua đánh giá, mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang về thu nhập 400 triệu đồng/ha. Theo tính toán, thanh long ruột trắng cho thu nhập 218 triệu đồng/ha, rau màu 100 triệu đồng/ha. So sánh trên cùng một đơn vị diện tích, mô hình trồng cây ăn trái cho thu nhập cao hơn trồng lúa khoảng 10 lần.
Trước năm 2016, Bình Phú là xã thuần nông, độc canh cây lúa. Thấy mô hình chuyển đổi sang thanh long chỗ ông Tư Ruồng hiệu quả, xã đã xây dựng Nghị quyết chuyển đổi cây trồng, nhất là cây thanh long. Mục tiêu ban đầu là 60 ha, tuy nhiên thấy mô hình của ông Tư Ruồng hiệu quả nên bà con đã chuyển được 80 ha. Đến nay, đã được trên 100 ha thanh long.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy cây thanh long là cây trồng chuyển đổi phù hợp nhất, chứ các loại cây trồng khác không bằng. Bởi vì xã Bình Phú là xã cuối nguồn của chương trình ngọt hoá Gò Công, đến tháng 3 âm lịch là nguồn nước ngọt gần như không có. Cây thanh long nó chịu hạn, bà con tưới nhỏ giọt hoặc cả tháng tưới một lần nó vẫn chịu nổi. (Ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).
Minh Đảm – Hữu Đức
https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã